Đường dẫn truy cập

Trung Quốc mời chuyên gia Mỹ, Đức giúp chữa trị Lưu Hiểu Ba


Ủy ban Nobel gồm Chủ tịch Thorbjoern Jagland và các thành viên khác tại Lễ trao giải Nobel Hòa Bình ngồi trước tấm ảnh của ông Lưu Hiểu Ba, tại Oslo ngày 10/12/2010. Ảnh Reuters/Heiko Junge/Scanpix
Ủy ban Nobel gồm Chủ tịch Thorbjoern Jagland và các thành viên khác tại Lễ trao giải Nobel Hòa Bình ngồi trước tấm ảnh của ông Lưu Hiểu Ba, tại Oslo ngày 10/12/2010. Ảnh Reuters/Heiko Junge/Scanpix

Một bệnh viện Trung Quốc đã mời các chuyên gia về ung thư đến từ Hoa Kỳ và Đức giúp điều trị nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Trung Quốc và cũng là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba.

Phòng Tư pháp thành phố Thẩm Dương, nơi ông Lưu đang được chữa trị, hôm thứ Tư nói rằng bệnh viện đã đưa ra lời mời đó sau khi có yêu cầu của gia đình ông Lưu, và sau khi tham khảo ý kiến của toán y tế điều trị cho nhà bất đồng chính kiến này.

Ông Lưu, 61 tuổi, được phóng thích khỏi nhà giam vì lý do sức khỏe vào tháng Năm vừa qua sau khi được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối.

Nhà chức trách Trung Quốc quyết định mời chuyên gia nước ngoài đến giúp điều trị ông Lưu sau khi Berlin hối thúc Bắc Kinh hãy cho phép ông Lưu ra nước ngoài để trị bệnh. Bắc Kinh nói tình trạng sức khỏe của ông Lưu quá suy yếu để có thể rời Trung Quốc, nhưng ông Hồ Giai, bạn của ông Lưu và cũng là một nhà bất đồng chính kiến, nói rằng một băng video xuất hiện trên YouTube hồi cuối tuần rồi, dường như cho thấy ông Lưu đang trong tình trạng ổn định.

Nhiều chính quyền nước ngoài và các tổ chức bênh vực nhân quyền đều hối thúc Trung Quốc hãy cho phép ông Lưu ra nước ngoài để chữa trị ở bất cứ nơi nào ông chọn.

Ông Lưu là một nhà thơ và nhà tranh đấu cho nhân quyền, ông bị bắt sau khi soạn thảo Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ ở Trung Quốc. Ông được trao Giải Nobel Hoà bình năm 2010 vì đã đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Ông bị kết án 11 năm tù về tội “xúi giục lật đổ chính quyền”, một điều khoản vẫn được nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để bịt miệng những nhà bất đồng.

Rất khó có được thông tin đáng tin cậy và độc lập về tình trạng của ông Lưu Hiểu Ba, cũng như ước nguyện của ông được ra nước ngoài, trong bối cảnh cả ông Lưu lẫn vợ ông, bà Lưu Hà, bị nhà cầm quyền cô lập.

Tuần trước, 154 khôi nguyên Giải Nobel thuộc đủ mọi lĩnh vực đã ký và gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hối thúc Bắc Kinh hãy “vì lý do nhân đạo, đáp ứng nguyện vọng của ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà, cho họ sang Hoa Kỳ chữa trị.”

Tin của đài CNN hôm 5/7/2017 trích lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad, nói với các nhà báo trong phát biểu đầu tiên của ông trước công chúng hôm thứ Tư tuần trước, rằng ông hy vọng hai bên có thể làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng ông Lưu Hiểu Ba.

Đại sứ Bransatd:

“Tình trạng của ông Lưu rất nghiêm trọng. Rõ rệt chúng tôi cảm thương tình cảnh của vợ chồng ông, và mong muốn làm tất cả những gì có thể làm được. Người Mỹ chúng tôi muốn thấy ông được có cơ hội để trị bệnh ở một nơi khác, nếu điều đó có thể giúp được.”

Ông Liu cũng trở thành một đề tài tập họp đối với các nhà hoạt động ở Hồng Kông vào cuối tuần rồi, khi ông Tập tham gia các lễ lạc đánh dấu 20 năm từ khi Hồng Kông, cựu thuộc địa Anh, được trao trả lại cho Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm duyệt tin tức liên quan tới ông Lưu Hiểu Ba ở trong nước, và trong mấy ngày qua đã phát động một chiến dịch phản công trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về tình cảnh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG