Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tìm kiếm – tuyển dụng cựu chiến binh của nhiều quốc gia để khai thác sự hiểu biết, kỹ năng của các cựu chiến binh này nhằm đối phó với quân đội mà các cựu chiến binh từng phục vụ.
***
Chính phủ Úc vừa đệ trình Quốc hội Úc một dự luật, theo đó, cựu chiến binh phải xin phép khi muốn làm việc hoặc tham gia huấn luyện cho ngoại quốc, nếu không xin phép, cựu chiến binh có thể bị phạt đến 20 năm tù.
AP cho biết, ông Richard Marles – Bộ trưởng Quốc phòng Úc - giải thích: Úc cần một đạo luật cứng rắn như thế vì theo AUKUS (hiệp ước hỗ trợ quốc phòng giữa ba bên là Úc, Anh và Mỹ) thì Anh, Mỹ sẽ giúp Úc thành lập một hạm đội có ít nhất tám tàu ngầm vận hành bằng năng lượng nguyên tử và Úc nên chứng tỏ nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn bảo mật để bảo vệ công nghệ và các thông tin nhạy cảm, hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ trong AUKUS.
Đây không phải là lần đầu tiên Marles tỏ ra bận tâm về việc cựu chiến binh Úc bị ngoại quốc khai thác. Năm ngoái, Marles từng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Úc tiến hành xem xét tất cả các khía cạnh liên quan đến tin Trung Quốc đang tuyển mộ các cựu chiến binh Úc làm huấn luyện viên. Năm ngoái, Úc đã bắt giữ Dan Duggan – người vừa là cựu phi công của Thủy quân lục chiến Mỹ, vừa là công dân Úc – sau khi Duggan bị cáo buộc đã đào tạo bất hợp pháp phi công cho Trung Quốc (1).
Chuyện Trung Quốc gia tăng săn tìm, tuyển dụng cựu chiến binh của nhiều quốc gia đã trở thành một trong những vấn đề khiến phương Tây bận tâm và sự lo ngại về tình trạng này càng ngày càng cao.
***
Cuối tuần trước Washington Post giới thiệu một tài liệu nội bộ của Không quân Mỹ, trong đó, Đại tướng Charles Q. Brown Jr. – Tham mưu trưởng Không quân và gần đây được Tổng thống Mỹ đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ - cảnh báo, Trung Quốc đang sử dụng nhiều công ty khác nhau để tuyển dụng những cựu chiến binh được Mỹ và NATO đào tạo nhằm dùng những người này dạy cho Trung Quốc các kỹ năng và chiến thuật quân sự tiên tiến.
Tướng Brown khuyến cáo: Khi chấp nhận làm việc dưới danh nghĩa “huấn luyện viên”, tham gia quy trình huấn luyện do các công ty ngoại quốc tổ chức, những cựu chiến binh làm việc cho các công ty có quan hệ với Trung Quốc đang làm xói mòn an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cả đồng đội lẫn đất nước chúng ta. Tướng Brown kêu gọi các cựu chiến binh đừng xao lãng trách nhiệm bảo vệ “thông tin quốc phòng” kể cả khi đã rời khỏi quân đội.
Washington Post đã hỏi thăm nhưng những viên chức hữu trách của quân đội Mỹ từ chối xác định Trung Quốc đã âm thầm tuyển dụng bao nhiêu quân nhân và cựu chiến binh Mỹ. Những viên chức này chỉ xác nhận, loại hoạt động đó đang gia tăng một cách đáng ngại.
Về phía Trung Quốc, Liu Pengyu - Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ - không phủ nhận cảnh báo của tướng Brown mà chỉ thay mặt chính phủ Trung Quốc kêu gọi Mỹ “tôn trọng các hoạt động kinh doanh bình thường do các công ty có liên quan thực hiện, không khái quát và lạm dụng các khái niệm về an ninh quốc gia, bôi nhọ các công ty này”. Ông ta còn lưu ý là các cáo buộc đó sẽ ảnh hưởng đến “sự hợp tác bình thường” và “không có lợi cho sự phát triển lành mạnh” của quan hệ song phương.
Washington Post trích dẫn ý kiến của một Đặc vụ (Special Agent) đang làm việc cho Cục Điều tra của Không quân Mỹ (Air Force Office of Special Investigations – AF OSI), cho biết thêm: Những nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm khai thác cựu chiến binh Mỹ bao gồm cả việc quảng bá cơ hội về việc làm tại các sự kiện có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Trung Quốc không chỉ nhắm vào các phi công Mỹ mà còn săn tìm các cựu chiến binh từng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác như bảo trì, sử dụng các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm, bảo vệ an ninh phi hành đối với cả phi công lẫn các phương tiện bay quân sự.
Theo Đặc vụ yêu cầu ẩn danh thì đề nghị về cơ hội làm tư vấn, hỗ trợ đào tạo thường phát xuất từ những công ty tư nhân được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và có hợp đồng với chính phủ Trung Quốc. Nhiều cựu chiến binh tin rằng đó là những đề nghị hợp pháp, vô hại và hấp dẫn. Đặc vụ này xem đó là sự “quỷ quyệt” và cũng vì vậy, nhiều viên chức hữu trách đang đề nghị các quân nhân, các cựu chiến binh báo cáo xem họ có được tuyển dụng để huấn luyện quân đội ngoại quốc hay không.
Đó cũng là lý do mà mới đây, Dân biểu Michael Gallagher – Chủ tịch Ủy ban Đặc trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, đồng thời cũng là cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Mỹ - cho rằng: Quốc hội và Bộ Quốc phòng cần hợp tác để giúp quân nhân và cựu chiến binh của chúng ta hiểu rằng họ là mục tiêu của các hoạt động gián điệp, họ có thể bị lạm dụng. Cần bảo đảm rằng họ không bị khai thác, không góp phần tạo điều kiện cho sự hủy diệt chính họ.
Không phải tự nhiên mà các viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ xác định Trung Quốc là “mối đe dọa lớn dần”. Trong số hàng chục công ty bị đưa vào “sổ bìa đen” hồi tháng sáu vừa qua vì có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc có một số công ty chuyên đào tạo, huấn luyện bay như Frontier Services Group - doanh nghiệp do Erik Prince, cựu giám đốc của Blackwater Worldwide thành lập và Học viện Thực hành bay của Nam Phi. Những doanh nghiệp này bị giám sát chặt chẽ sau khi có báo cáo rằng họ đã thuê phi công quân sự phương Tây để huấn luyện phi công Trung Quốc. Tuy Frontier Services phủ nhận đã sử dụng nhân viên quân sự Mỹ để đào tạo phi công Trung Quốc nhưng công ty này lại im lặng không trả lời các câu hỏi của báo giới về việc họ có thuê các cựu chiến binh làm việc đó hay không. Học viện Thực hành bay của Nam Phi thì bày tỏ sự “thất vọng” về quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ bởi “các công ty lớn của Mỹ cũng đào tạo phi công Trung Quốc”.
Một đại tá không quân từng là phi công điều khiển F-16 kể hồi 2019 ông nhận được email mời sang Nam Phi làm việc, loại việc dành riêng cho các phi công dày dạn kinh nghiệm. Ông không nhận lời nhưng không phải vì nghi ngờ. Năm 2021, ông được mời lần thứ hai, lời mời dành cho các phi công có sáu năm điều khiển trực thăng hoặc phản lực cơ và có kinh nghiệm làm việc với những học viên không thạo tiếng Anh... Vị đại tá chỉ ngộ ra khi AF OSI phát cảnh báo về việc Trung Quốc đang săn cựu chiến binh.
Patrick Cronin, người phụ trách bộ phận an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson ở Washington D.C, gọi nỗ lực săn cựu chiến binh là một phần của sáng kiến lớn hơn do ông Tập Cận Bình vạch ra, nhằm nâng cao vị thế của Trung Quốc. Cronin nhận định: Chiêu mộ, khai thác, tìm hiểu cách quân đội của chúng ta vận hành thông qua những cá nhân thiết yếu và công nghệ thiết yếu của chúng ta là một phần quan trọng đối với mục tiêu chiến lược của ông ta.
Chú thích
Diễn đàn