Trung Quốc lập kế hoạch trong tuần này sẽ phóng module lõi của trạm vũ trụ mang tính dài hạn đầu tiên của nước này. Đây là bước tiến lớn mới nhất trong chương trình thăm dò vũ trụ của Trung Quốc.
Module có tên "Thiên Hòa" sẽ được tên lửa Trường Chinh 5B đưa lên không gian từ Trung tâm phóng tên lửa Văn Xương đặt trên đảo Hải Nam ở phía nam Trung Quốc. Cuộc phóng có thể diễn ra sớm nhất là vào tối thứ Năm 29/4 nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.
Đây sẽ là cuộc đầu tiên trong số 11 hoạt động để xây dựng và trang bị cho trạm vũ trụ là nơi làm việc của 3 phi hành gia.
11 hoạt động để hoàn thiện trạm vũ trụ vào cuối năm 2022
Sẽ có 10 cuộc phóng nữa để đưa lên thêm hai module, 4 chuyến vận chuyển hàng hóa và 4 chuyến có phi hành gia.
Ít nhất 12 phi hành gia Trung Quốc đang được huấn luyện để bay lên và sống trong trạm vũ trụ, họ gồm những phi hành gia kỳ cựu đã thực hiện các chuyến bay trước đây, ngoài ra là những người mới và phụ nữ.
Khi hoàn thành vào cuối năm 2022, Thiên Hòa dự kiến nặng khoảng 66 tấn, chỉ bằng một phần nhỏ của Trạm Vũ trụ Quốc tế, là trạm có module đầu tiên được phóng vào năm 1998 và sẽ nặng khoảng 450 tấn khi hoàn thành. Thiên Hòa sẽ có điểm lắp ghép và cũng có thể ghép nối với một vệ tinh không gian lớn của Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, nó có thể được mở rộng bằng cách ghép thêm các module khác.
Module chính của Thiên Hoa ban đầu sẽ có kích thước tương đương với trạm vũ trụ Skylab của Mỹ thời những năm 1970 và trạm Mir của Liên Xô cũ/Nga, là trạm đã hoạt động trong hơn 14 năm sau khi phóng vào năm 1986.
Mục tiêu dài hạn
Trung Quốc đã phóng hai module thử nghiệm trong một thập kỷ trở lại đây để chuẩn bị cho một trạm lâu dài. Đầu tiên là Thiên Cung 1. Nó đã bị vứt bỏ và cháy rụi khi nó rơi vào tình trạng mất quỹ đạo không kiểm soát được. Tiếp theo là Thiên Cung 2, đã được đưa ra khỏi quỹ đạo thành công vào năm 2018.
Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho một trạm vũ trụ vào đầu những năm 1990 khi chương trình không gian của họ đạt được đà tiến. Trung Quốc bị loại khỏi chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chủ yếu là vì bị Mỹ phản đối với lý do chương trình của Trung Quốc bị giữ bí mật và có các mối liên hệ chặt chẽ với quân sự.
TQ tiến bộ đều đặn trong lĩnh vực vũ trụ
Sau nhiều năm phóng tên lửa và vệ tinh thương mại thành công, Trung Quốc đưa phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ hồi tháng 10/2003. Họ là quốc gia thứ ba hiếm hoi tự làm như vậy, sau Liên Xô cũ và Hoa Kỳ. Kể từ cuộc phóng Thần Châu 5 đó, Trung Quốc đã đưa các phi hành gia khác lên quỹ đạo, cũng như đưa các phi hành đoàn lên trạm Thiên Cung đầu tiên, và tiến hành một chuyến đi bộ ngoài không gian.
Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác với các chuyên gia vũ trụ thuộc các quốc gia khác, bao gồm Pháp, Thụy Điển, Nga và Ý. NASA phải được Quốc hội Mỹ miễn cưỡng đồng ý mới có thể tham gia vào các cuộc làm việc chung như vậy.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động không có phi hành đoàn, đặc biệt là trong thăm dò mặt trăng và đã cho một tàu thám hiểm đáp xuống phía bên kia của mặt trăng vốn ít được khám phá. Vào tháng 12/2020, tàu thăm dò Thường Nga của Trung Quốc đã đưa các mẫu đá của mặt trăng về trái đất lần đầu tiên kể từ hoạt động của Hoa Kỳ vào những năm 1970.
Thăm dò sao Hỏa và tham vọng tương lai
Cuộc phóng Thiên Hoà diễn ra chỉ vài tuần trước khi tàu thăm dò của Trung Quốc đổ bộ xuống sao Hỏa, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba làm được điều đó sau Liên Xô cũ và Mỹ. Tàu thăm dò vũ trụ Thiên Vấn 1 đã bay quanh hành tinh đỏ từ tháng 2 và thu thập dữ liệu. Xe thăm dò Chúc Dung của tàu sẽ tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa.
Trung Quốc có một chương trình khác nhằm mục đích lấy mẫu đất từ một tiểu hành tinh.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch thực hiện một cuộc phóng vào năm 2024 để mang các mẫu đất đá từ mặt trăng về, đồng thời cho biết rằng họ muốn đưa người lên mặt trăng và có thể xây dựng một trạm khoa học ở đó. Nhưng họ không đưa ra mốc thời gian nào cho các dự án như vậy.
Ngoài ra, có tin là Trung Quốc đang bí mật phát triển một loại máy bay hoạt động được trong vũ trụ.
Tính cạnh tranh của chương trình vũ trụ TQ
Chương trình của Trung Quốc đạt tiến bộ ổn định, họ tiến thận trọng theo một lịch trình được thiết kế cẩn thận, phần lớn tránh được những thất bại như đã thấy trong các nỗ lực của Hoa Kỳ và Nga khi 2 nước này cạnh tranh gay gắt trong giai đoạn đầu của việc phóng tên lửa lên vũ trụ. Trung Quốc bị một bước lùi khi một tên lửa Trường Chinh 5 bị hỏng vào năm 2017 trong quá trình phát triển biến thể Trường Chinh 5B sẽ được sử dụng để đưa module Thiên Hòa vào quỹ đạo, nhưng các kỹ sư Trung Quốc đã nhanh chóng khắc phục được sự cố.
Có những người chỉ trích rằng chương trình không gian của Trung Quốc đã nhái lại những thành tựu của Mỹ và Nga mà không tạo ra nhiều điểm mới. Sức mạnh công nghệ đang tăng lên của Trung Quốc có thể sẽ làm im tiếng những lời chỉ trích như vậy trong các năm tới.
Trung Quốc có thể sẽ cần đến sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân để thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, như Hoa Kỳ đã làm với các chương trình SpaceX và Blue Origin, đồng thời áp dụng các công nghệ mới như tên lửa tái sử dụng được.