Đường dẫn truy cập

Trung Quốc thả rông Covid: Đại dịch có bùng phát trở lại ở Việt Nam?


Bệnh nhân nằm tràn ra hành lang ở một bệnh viện tại Thượng Hải, 3 tháng Giêng.
Bệnh nhân nằm tràn ra hành lang ở một bệnh viện tại Thượng Hải, 3 tháng Giêng.

Dự kiến dịch sẽ bùng phát theo ba giai đoạn: Một là dịp lễ Giáng sinh và Năm mới Dương Lịch (hiện nay). Hai là dịp nghỉ Tết Nguyên Đán khi người dân đổ về quê (hạ tuần tháng 1/2023). Ba là dịp người dân quay trở về thành phố làm việc (tháng 2/2023).

Hoàng Trường Sa

Xuân Quý Mão này, dân Việt Nam sẽ đón Tết vui vẻ? Câu trả lời: Chưa chắc! Tết Canh Tý năm 2020, dân Trung Quốc từng đi bộ chật Bờ Hồ và Phố Cổ mà không đeo khẩu trang. Đầu mùa hè đó, Việt Nam công bố dịch COVID toàn quốc, hệ thống hỏa táng ở Sài Gòn chạy hết công suất vẫn không thiêu hết tử thi… Năm nay, từ 8/1/2023, dân Trung Quốc lại có dịp tràn sang Việt Nam và nhiều nước khác. Thế giới đang đang khẩn trương lo đối phó. Ngày 23/12/2022 tại Hà Nội, trong phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch do biến chủng mới.

Theo China Insight, trong 3 tháng tới, 60% dân số Trung quốc (khoảng 800 triệu người) sẽ bị lây nhiễm. Trung bình mỗi ngày có 5.000 đến 9.000 người chết. Các bệnh viện và nhà xác đã quá tải, các lò hỏa táng đã chạy hết công suất mà vẫn còn hàng dài chờ đợi. Mặc dầu vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn lên tiếng nói yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với hành khách đến từ nước này là “không thể chấp nhận được”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói hôm 3/1/2023 tại họp báo ở Bắc Kinh cho rằng, không có cơ sở khoa học nào để bắt hành khách từ Trung Quốc chịu chế độ nhập cảnh gắt gao. Thế nhưng, một loạt nước đã và đang bắt buộc bất cứ ai bay tới từ Trung Quốc, không nhất thiết phải là công dân Trung Quốc, đều phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên phi cơ. Nữ thủ tướng Pháp Elisabeth Borne là lãnh đạo cao cấp nhất của một nước EU vừa lên tiếng về vấn đề này. Bà Borne cho rằng: “Chiến dịch xét nghiệm Covid của Pháp không có gì sai trái… Trách nhiệm của chính phủ do tôi lãnh đạo là phải bảo vệ người dân Pháp và buộc hành khách nhập cảnh phải có bằng chứng xét nghiệm Covid”.

Mức độ miễn dịch của Việt Nam?

Sự bùng nổ số ca nhiễm ở Trung Quốc hiện nay chính là do biến thể BF.7, một biến thể của Omicron BA.5. Theo các chuyên gia, BF.7 có chỉ số R0 (tỷ lệ sinh sản của virus) từ 10 đến 18,6, có nghĩa là một người bị nhiễm sẽ truyền virus cho từ 10 đến 18,6 người khác. Đây là tỷ lệ lây nhiễm cực cao, so với mức R0 từ 6 đến 7 của biến chủng Delta, 5,08 đối với biến thể Omicron hay 3,0 của chủng gốc SARS-CoV-2. Do có tốc độ lây lan nhanh chóng như vậy, biến thể BF.7 có thể gây ra mối đe dọa mới trên toàn thế giới hay không? Theo WHO, dịch đã bùng phát trước khi Bắc Kinh nới lỏng phong tỏa. Dự kiến dịch sẽ bùng phát theo ba giai đoạn: Một là dịp lễ Giáng sinh và Năm mới Dương Lịch (hiện nay). Hai là dịp nghỉ Tết Nguyên Đán khi người dân đổ về quê (hạ tuần tháng 1/2023). Ba là dịp người dân quay trở về thành phố làm việc (tháng 2/2023).

Các quan chức y tế của chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức các cuộc đàm phán vào tuần này về phản ứng phối hợp đối với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc. Cuộc họp này được tổ chức sau khi các cuộc thảo luận hồi tháng 12 kết thúc mà không có quyết định nào về vấn đề này. Người giàu Trung Quốc đang tuyệt vọng, bỏ nước ra đi ồ ạt (ước tính hàng vạn người). Chính phủ các nước như Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Ấn Độ, đã ngừng cấp visa cho người Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là với lượng khách Trung Quốc sẽ ồ ạt đổ sang, có nguy cơ là dịch COVID sẽ lại bùng phát mạnh ở Việt Nam hay không? Theo một trong các chuyên gia dịch tễ học, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam có một mức độ miễn dịch cao, nên không đáng lo ngại lắm. Theo thống kê chính thức, cho đến nay Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vắc-xin COVID-19, chích đủ ba mũi cho gần 80% dân số trên 18 tuổi.

Độ miễn dịch ở Việt Nam khi làm xét nghiệm một vài vùng đã đạt được đến hơn 90%. Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian ứng phó với Omicron. Nếu Omicron biến thể mà vẫn là trong một nhánh của Omicron thì không đáng lo đối với một nước có mức độ miễn dịch cao như vậy. Còn sự xuất hiện của một biến thể khác, theo BS. Khanh thì rất là khó, vì Trung Quốc tuy đóng cửa, nhưng cũng bị nhiễm, cũng có Omicron. Tác nhân của dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc cũng là một nhánh của Omicron thôi. Nếu một biến thể nhẹ của Omicron xâm nhập vào Việt Nam, với mức độ miễn dịch của Việt Nam, tỷ lệ chích mũi 3 cao, thì cũng không đến nổi phải quá sức lo lắng như những nước khác. Với một nền miễn dịch như vậy thì cũng không cần thiết phải làm một cái gì thật dữ dội. Chỉ những nước nào mà nền miễn dịch còn kém và đặc biệt là dân số lớn tuổi mà miễn dịch nền cũng kém, thì mới đáng lo ngại.

Vẫn có nguy cơ Covid “toang” ở Việt Nam?

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Số ca mắc COVID-19 có thể tăng. Việt Nam dù sao vẫn cần tiếp tục phòng bệnh linh hoạt, đồng thời tiêm vắc-xin COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bởi đây vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tại Việt Nam, COVID-19 hiện cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Các chuyên gia y tế cho rằng thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Điều này có thể làm gia tăng số lây nhiễm, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Chiều 30/12/2022, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 06 gửi các đơn vị ngành y tế về việc tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khuyến cáo, khuyến khích người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các chuyến bay, đoàn tàu, các khu dịch vụ của Cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu vực công cộng khác và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đối với dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, dịch bệnh thường xảy ra vào dịp Tết và mùa lễ hội, các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi.

Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác. Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất. Liên quan đến vấn đề này, PGS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dự đoán trên 90% người dân cả nước đã có miễn dịch do tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, vẫn theo PGS. Nguyễn Huy Nga, Việt Nam sắp đón Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển nhiều nên vẫn cần cảnh giác, có ý thức bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra ngoài, không chỉ phòng Covid-19 mà còn ngừa nhiều bệnh hô hấp khác khi mùa đông đến. Đặc biệt, người già, người miễn dịch yếu, bệnh nền cần hạn chế đi lại.

Trong khi một số nước đã thông báo áp dụng xét nghiệm Covid với hành khách Trung Quốc, thì cũng có những nước như Úc, Đức, Thái Lan lại chưa ban các quy định gì mới đối với những khách đến từ Hoa lục. Theo đánh giá của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chưa cần thiết áp dụng xét nghiệm toàn bộ du khách Trung Quốc vào Việt Nam: “ Kiểm soát thì cũng có lợi hơn một chút thôi, tức là khi có kết quả dương tính thì chúng ta phải phân tích, chạy sequencing, để coi nó thuộc biến thể nào. Nhưng đòi hỏi phải lấy mẫu cho tất cả những người từ bên Trung Quốc sang thì tương đối là khó, bởi vì giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc khá là nhiều. Chắc chắn là Việt Nam sẽ nghe ngóng, sẽ phân tích các số ca nhiễm sau khi giao thương lại với Trung Quốc để xem nó thuộc biến thể gì, chứ còn làm xét nghiệm với tất cả mọi người thì hơi phí, trong khi nền miễn dịch của mình đã đạt được như vậy. Họ sang đây, nếu họ có biểu hiện bệnh mà tình cờ mình xét nghiệm hoặc mình chủ động tìm những ca điển hình và mình nghe ngóng xem là khi nó lây ra ngoài cộng đồng của Việt Nam thì mình cũng phân tích nó loại biến thể nào thì mình mới ứng phó kịp thời, chứ nếu mình làm từ đầu thì rất là tốn kém, mà cũng làm mất đi một cơ hội để làm ăn kinh tế với Trung Quốc.”

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG