Đường dẫn truy cập

Truyền thông Trung Quốc bênh vực việc tăng ngân sách quốc phòng


Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong cuộc tập luyện nhảy qua vòng lửa.
Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong cuộc tập luyện nhảy qua vòng lửa.
Truyền thông Trung Quốc bênh vực chi tiêu quốc phòng gia tăng với tỉ lệ 2 con số được Bắc Kinh loan báo trong tuần này, nói rằng những quan ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng là không cần thiết.

Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày hôm qua loan báo Trung Quốc sẽ tiêu khoảng 132 tỉ đô la cho quân đội vào năm 2014. Chi phí này gia tăng 12,2%- một tỉ lệ gia tăng cao hơn những năm gần đây.

Quyết định này đã khơi ra những phát biểu lo ngại của một số nhà phân tích nước ngoài và kêu gọi minh bạch hơn từ một số nước, gồm có Hoa Kỳ, và đồng minh Nhật Bản là nước có liên hệ đến tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói Hoa Kỳ tiếp tục hối thúc Trung Quốc “sử dụng khả năng quân sự theo một phương cách có lợi cho việc gìn giữ hòa bình và ổn định tại vùng châu Á Thái Bình Dương.”

Bà Psaki nói Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc phát triển quân đội Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc bày tỏ minh bạch nhiều hơn về những khả năng và ý định của nước này.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói việc thiếu minh bạch của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề, không chỉ đối với Tokyo, nhưng còn đối với tất cả cộng đồng quốc tế nữa.

“Chúng tôi muốn yêu cầu Trung Quốc nâng cao tầm mức minh bạch của chính sách quốc phòng nước này bằng cách cùng làm việc với các nước liên hệ, cũng như với cộng đồng quốc tế.”

Các nước láng giềng Trung Quốc cáo buộc nước này sử dụng những chiến thuật ngày càng hung hăng, đặc biệt trên biển, nơi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trùng lắp với một vài nước khác. Nhều nước đã đáp trả lại bằng cách xây dựng liên minh an ninh rộng rãi hơn với Hoa Kỳ.

Trong một bài xã luận ngày hôm nay, tờ Nhân dân Trung Quốc giáng trả lại, nói rằng đe dọa chính đối với ổn định trong vùng là “những nước đòi hỏi chủ quyền ngày càng tăng được khuyến khích bởi điều được gọi là tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương của Washington.”

Tờ báo cũng đổ lỗi cho điều họ gọi là sự trỗi dậy của “chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Nhật Bản.”

Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc nói Trung Quốc “không có ý định đảo ngược những mẫu mực của an ninh quốc tế hiện hữu,” nhưng Trung Quốc đang trong vị thế cần “đảm bảo an ninh của nước này một cách độc lập.”

Tờ báo không được xem như là quan điểm chăït chẽ của chính phủ, nhưng những bài bình luận của báo này thường phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc.

Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nói với Đài VOA là một phần của vấn đề là điều Trung Quốc muốn khi Trung Quốc nói ưu tiên bảo vệ quyền tự vệ của nước này.

“Trung Quốc thành thực khi nói như vậy, nhưng vấn đề là Trung Quốc định nghĩa quyền tự vệ của Trung Quốc theo một phương cách rất rộng rãi. Nói cách khác quyền tự vệ của Trung Quốc là sự xâm lấn của người khác."

Và các nhà phân tích nói khi quyền tự vệ của Trung Quốc mâu thuẫn với quyền tự vệ của một trong những nước láng giềng của Trung Quốc, tình hình trở nên xấu đi vì Trung Quốc thường xuyên từ chối những qui tắc đã được thiết lập của hệ thống quốc tế để giải quyết những tranh chấp.

Đặc biệt là trường hợp Trung Quốc bác bỏ điều giải quốc tế trong vụ tranh chấp lãnh hải với Philippines và không muốn tiến đến một bộ qui tắc ứng xử tại Biển Nam Trung Hoa với ASEAN.

Bà Bonnie Glaser, một học giả Trung Quốc làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington nói dù có những than phiền của các nước láng giềng, Trung Quốc dường như không nhận được thông điệp này.

Bà Glaser nói bất kể những phản ứng của các nước láng giềng Trung Quốc, Trung Quốc dường như ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc hơn và quyết tâm tiến hành lịch trình của họ. Do đó dường như hiện nay Trung Quốc là một cường quốc mắc bệnh tự kỷ không thể tự mình đặt vào hoàn cảnh của các nước khác và xem các nước khác trong vùng nhìn họ như thế nào.

Việc gia tăng chi phí quốc phòng cũng có thể có liên hệ đến chính trị nội bộ.Theo như nhận xét của bà Glaser, chủ tịch Tập Cận Bình đang cật lực làm việc để đảm bảo sự ủng hộ của quân đội kể từ khi trở thành chủ tịch nước vào năm ngoái.

Trong khi đó tại Washington, nhiều người quan ngại đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt trong khung cảnh ngân sách quốc phòng được đề nghị của năm 2015.

Nhưng mặc dù trong chiều hướng hiện nay, Trung Quốc có thể vượt quá Hoa Kỳ trong tư cách là một nước có chi phí quốc phòng lớn nhất thế giới, các nhà phân tích vẫn cảnh báo là còn nhiều thập niên nữa việc này mới xảy ra được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG