Những người Mỹ gốc Việt từng là công dân của Việt Nam Cộng hòa bày tỏ nỗi lo âu Ukraine sẽ không thể đứng vững nếu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump cắt viện trợ, nhưng ủng hộ việc ông thúc đẩy kế hoạch hòa bình cho Ukraine, theo tìm hiểu của VOA.
Kế hoạch ngừng bắn
Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, ở Paris hôm 7 tháng 12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump tuyên bố Moscow và Kyiv đều đã mất hàng trăm nghìn binh lính trong một cuộc chiến ‘đáng lẽ không bao giờ nên bắt đầu’.
“Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu. Quá nhiều sinh mạng đang bị mất đi một cách vô ích, quá nhiều gia đình bị hủy hoại,” ông viết.
Còn trong một sự kiện ở bang Arizona hôm 22/12, ông Trump nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn gặp ông càng sớm càng tốt để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến đó. Cuộc chiến đó thật thảm khốc, thảm khốc,” ông Trump nhấn mạnh.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ông nhậm chức nhưng không nói rõ ông sẽ làm thế nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích và cựu quan chức an ninh quốc gia của Mỹ bày tỏ nghi ngờ liệu ông Trump có thể làm được điều này hay không vì tính chất phức tạp của cuộc xung đột.
Các cố vấn của ông Donald Trump đã đưa ra các đề xuất để chấm dứt cuộc chiến Ukraine, và các đề xuất này sẽ dẫn đến việc Ukraine nhượng bộ phần lớn lãnh thổ cho Nga trong tương lai gần, theo phân tích của Reuters về các phát ngôn của những người thân cận với tổng thống đắc cử Mỹ và các cuộc phỏng vấn với họ.
Nga kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea mà họ đơn phương chiếm đóng từ tay Ukraine vào năm 2014 và kể từ đó chiếm khoảng 80% lãnh thổ vùng Donbas – bao gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk – cũng như hơn 70% diện tích hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson, và một ít đất các tỉnh Mykolaiv và Kharkiv.
Bản kế hoạch của Trung tướng về hưu Keith Kellogg, người được ông Trump đề cử làm đặc phái viên Nga-Ukraine, kêu gọi giữ nguyên chiến tuyến hiện tại và ông Trump sẽ cấp thêm vũ khí cho Kyiv chỉ khi họ đồng ý đàm phán hòa bình và cảnh báo Moscow rằng Mỹ sẽ tăng viện trợ cho Ukraine nếu Nga từ chối đàm phán. Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị gạt sang một bên.
Cơ hội cho hòa bình?
“Trước giờ Đảng Dân chủ giúp cho Ukraine tôi thấy rất là tốt. Nhưng bây giờ ông Trump lên mà cũng giúp nữa thì tốt thôi. Nhưng nếu như vậy thì cuộc chiến sẽ không chấm dứt,” ông Đinh Hùng Cường, cựu chủ tịch cộng đồng người Việt vùng DMV (tức Washington D.C., Maryland và Virginia), nói với VOA.
Ông Cường lập luận rằng vào lúc này ông Trump ‘sẽ dễ dàng đi tới hòa bình cho Ukraine’ vì phía Ukraine đang bị tàn phá rất nặng nề trong khi phía Nga ‘bị mặc cảm là siêu cường mà đánh không lại Ukraine’.
“Tôi nghĩ là ông Trump rất khôn ngoan. Ông ấy sẽ tìm cách giữ thể diện cho Nga và cứu Ukraine khỏi cuộc chiến bị xâu xé,” ông Cường nói về kế hoạch chấm dứt cuộc chiến Ukraine của ông Trump.
“Dĩ nhiên trong thương thuyết thì phải có sự tương nhượng chứ không thể nào chèn ép người ta được,” ông lập luận, ý nói về nhượng bộ mà Ukraine phải chấp nhận.
Ông Đinh Hùng Cường từng là quận trưởng Quận Thủ Thừa, tỉnh Long An, của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 và từng chiến đấu chống cộng sản Bắc Việt. Liên hệ tình hình của Ukraine hiện nay với Việt Nam Cộng hòa trước đây sau khi hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được ký kết, ông khẳng định rằng Ukraine sẽ không chịu số phận như Việt Nam Cộng hòa nếu ông Trump rút viện trợ.
“Hồi xưa Việt Nam Cộng Hòa chỉ trông chờ vào Mỹ mà thôi. Bây giờ Ukraine còn phụ thuộc vào khối Âu châu nữa mà Liên hiệp châu Âu cũng rất mạnh. Và cái nữa là Ukraine là tiền đồn của Âu châu. Nếu Nga chiếm Ukraine thì những nước như Anh, Pháp, Đức cũng bị đe dọa,” ông giải thích.
Liên hệ việc chính quyền Nixon ngày trước thỏa hiệp với Trung Quốc, bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, và khả năng chính quyền Trump sẽ thỏa hiệp với Putin về vấn đề Ukraine, ông Cường cho rằng ‘bất cứ quốc gia nào cũng phải đặt quyền lợi của mình lên trên hết’.
“Bây giờ ông Trump nói ‘Nước Mỹ trên hết’. Thành thử về quyền lợi của nước Mỹ vào thời điểm nào người Mỹ phải làm gì thì người ta bắt buộc phải làm,” ông lập luận.
Trong trường hợp Ukraine phải trả cái giá lớn là nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để có hòa bình, ông Cường nhận định: “Nếu bây giờ trước áp lực quốc tế mà ông Zelenskyy phải chấp nhận thì cũng phải chịu thôi, vì dù thế nào nước ông cũng là một nước yếu.”
Khi được hỏi nếu để Nga đạt được mục tiêu ở Ukraine thì liệu có lo ngại Putin ‘được nước làm tới’ hay không, ông Cường cho rằng ông Trump ‘sẽ không để cho Nga lấn lướt quá’.
“Thế của ông ấy đang lên. Và dựa vào thế đó thì ông Trump không thể nào nhượng bộ Nga chỉ để lấy hòa bình,” ông nói thêm và cho rằng không nên nghe ông Trump ca ngợi ông Putin là ‘thiên tài’ khi xâm lược Ukraine mà hãy ‘nhìn vào những gì ông Trump sẽ làm’.
“Tôi thấy vấn đề Nga có dám mạnh bạo hay không là tùy theo tương quan lực lượng. Cả cái thời Trump làm Tổng thống, Nga có dám nhúc nhích gì đâu?” ông lập luận. “Một khi Đảng Cộng hòa nắm quyền, quốc phòng của Mỹ sẽ mạnh.”
Mặc dù ủng hộ việc lập lại hòa bình ở Ukraine, ông Cường cho rằng cuộc chiến của người dân Ukraine chống lại quân Nga ‘không phải là vô nghĩa mà là sự bắt buộc vì sự sống còn, vì tổ quốc Ukraine.’
“Làm sao mà ngồi yên khi anh đang ở trong nước mà người Nga đem quân tới bắn giết đồng bào của anh?”
‘Giúp có chừng mực’
Khi cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã kéo dài hơn 1.000 ngày và cả hai bên đều đã mất hàng trăm ngàn thanh niên ưu tú thì ‘cần phải giải quyết cuộc chiến càng sớm càng tốt’, ông Từ Đức Tháo, chủ tịch Cộng đồng người Việt bang Oregon, nói với VOA.
Về phía Mỹ, ông Tháo cho rằng chi phí bỏ ra để hỗ trợ cho Ukraine là ‘quá lớn’. “Giả sử số tiền đó không giúp đỡ cho Ukraine thì ít ra nó cũng được dùng cho các mục đích tích cực hơn cho nước Mỹ,” ông nói.
“Tất nhiên đổ càng nhiều tiền thì Ukraine càng có phương tiện chiến tranh để chống lại nước Nga, họ ít nhiều không bị mất đất đai và giữ vững đất nước của họ, nhưng đất nước họ cũng đã tan hoang rồi,” ông phân tích và cho rằng chính quyền ông Trump ‘sẽ không đổ hàng trăm tỷ đô la cho Ukraine như chính quyền Biden hiện tại vì ông ấy muốn làm gì có lợi cho nước Mỹ’.
Mặc dù ủng hộ chấm dứt cuộc chiến Ukraine, ông Tháo cho rằng thỏa thuận hòa bình ‘cần phải công bằng cho cả hai bên’ và ‘nhất là Ukraine không thể nào nhượng lãnh thổ hay từ bỏ chủ quyền để đổi lấy hòa bình’.
“Tôi mong hòa bình đến với Ukraine trong danh dự, và hai bên Ukraine và Nga ký kết được một thỏa thuận trên bàn hội nghị được tuân thủ một cách hữu hiệu,” ông bày tỏ. “Tôi cũng hy vọng là ông Trump sẽ không áp lực khó khăn cho Ukraine.”
Ông lập luận rằng nếu Ukraine bị buộc phải nhượng đất cho Nga thì sau này ‘Nga sẽ tiếp tục đòi Ukraine nhượng đất’, nhưng trong vấn đề gia nhập NATO, ông Tháo nói Kyiv cần phải nhượng bộ Moscow vì đây là vấn đề cốt tử của nước Nga.
Khi được hỏi chấp nhận thỏa thuận hòa bình có phải có nghĩa là đầu hàng sự xâm lăng của người Nga hay không, ông Từ Đức Tháo, vốn có cha là cựu sỹ quan pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và bản thân ông từng trải qua thời khắc sinh tử trong cuộc chiến với quân Bắc Việt, nhắc lại việc Việt Nam Cộng hòa khi bị ép buộc phải ký Hiệp định Paris ‘đã thấy rằng hiệp định đó là tờ giấy thông hành để quân đội Bắc Việt có mặt tại miền Nam nhiều hơn’.
Bất chấp hiệp định hòa bình, miền Bắc cũng đánh, và chiếm miền Nam, vào ngày 30 tháng Tư, 1975. Từ đó hàng trăm nghìn người phải ở tù, trở thành tù binh, nhiều người chết trong các trại cải tạo và hàng triệu người đã bỏ nước ra đi và chết ở biển cả và rừng sâu, ông Tháo chỉ ra. “Tôi mong hòa bình đến với Ukraine sẽ không giống như hòa bình đến với miền Nam Việt Nam,” ông bày tỏ.
“Tất nhiên chiến tranh gây ra đau khổ cho cả dân tộc nên khi thấy hòa bình là mừng lắm, nhưng nền hòa bình phải được đảm bảo như thế nào chứ,” ông nói thêm. “Tôi hoàn toàn không chấp nhận cái lối chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải bó tay và không có đủ súng, đạn để đương đầu với quân đội miền Bắc, trong khi quân đội miền Bắc vẫn được tiếp tục nhận viện trợ của cả khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.”
“Người ta mang quân đến đánh nước mình. Bây giờ người ta bảo mình phải chấp nhận điều kiện để có hòa bình thì đặt vị trí nếu tôi là nhà lãnh đạo Ukraine thì tôi không bao giờ chấp nhận điều đó,” ông nói.
Tuy nhiên, giả sử người Ukraine không chấp nhận nền hòa bình mà họ bị ép buộc và vẫn tiếp tục chiến đấu để giành lại lãnh thổ, ông Tháo cho rằng chính quyền Trump cần phải tiếp tục viện trợ cho Ukraine nhưng ‘cần phải có chừng mực’.
“Nếu nước Mỹ cứ giúp hoài mà kết quả không đi đến đâu cả thì đến lúc nào đó bản thân nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng về kinh tế,” ông chỉ ra.
Bức tử Ukraine?
Không giống ông Đinh Hùng Cường, ông Tạ Trung, kỹ sư làm việc trong ngành quốc phòng và không gian Mỹ và là chủ tịch Hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ bà Kamala Harris, bày tỏ sự bi quan cho số phận Ukraine mà ông cho là ông Trump ‘sẽ bức tử và dâng hiến Ukraine cho ông Putin cũng như trước đây ông Nixon và Kissinger đã bức tử và dâng Việt Nam cho Trung Quốc’.
Ông Trung nói ông đồng ý với lập trường của ông Trump là cần chấm dứt chiến tranh để chấm dứt đau thương cho người dân Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là cắt hết viện trợ quân sự Ukraine – điều giúp họ có thể chiến đấu với quân Nga đến bây giờ - rồi yêu cầu Kyiv phải nhượng bộ, trong đó có toàn bộ lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát.
Cho rằng ông Trump có thể áp lực cả hai phía ngồi vào bàn đàm phán nhưng ông Tạ Trung nghi ngờ ông Trump ‘có thể thiên vị cho Putin’ để ép Ukraine có những nhượng bộ lớn. “Trước giờ, ông Trump vẫn thể hiện sự kính nể đối với Putin,” ông chỉ ra.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận để đi đến thỏa thuận hòa bình thì cần phải có nhượng bộ và Ukraine ‘sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn’, thậm chí là mất đất, nhưng với điều kiện là Putin ‘phải giữ đúng cam kết’.
“Tôi rất lo ngại là Putin chỉ dùng vấn đề thương thuyết này để dưỡng sức cho nước Nga để đến một ngày nào đó lại tấn công,” ông bày tỏ.
“Về phía Ukraine, nếu phải hy sinh một số vùng đất ở Donbas, mặc dù rất đau khổ, tôi nghĩ họ cũng phải chấp nhận để xây dựng lại đất nước đã bị tổn thất quá lớn. Còn chuyện Ukraine phải từ bỏ mong muốn gia nhập NATO thì cần phải có sự đảm bảo về an ninh, tức là trong trường hợp Nga vi phạm thỏa thuận thì Mỹ và các nước châu Âu phải can thiệp,” ông nói thêm.
Còn nếu không thể có một nền ‘hòa bình công bằng’ cho Ukraine thì ông Trung nói hãy để cho Tổng thống Zelenskyy và người dân Ukraine tự quyết định có tiếp tục chiến đấu nữa hay không. Ông Trung nhắc lại tinh thần chiến đấu mãnh liệt của người dân Ukraine và sự ủng hộ cương quyết của chính quyền Biden đã giúp Ukraine đứng vững trước quân Nga hùng mạnh hơn đến bây giờ.
‘Tội cho Ukraine nhưng phải chịu’
Từ bang Virginia, ông Hà Văn Sang, vốn từng là sỹ quan cảnh sát dưới thời Việt Nam Cộng hòa và là người đã bỏ phiếu cho ông Trump trong kỳ bầu cử vừa qua, nói ông sẽ ‘ủng hộ mọi chính sách của Tổng thống Trump về Ukraine’, trong đó có việc áp lực Ukraine nhượng bộ lãnh thổ để có hòa bình.
“Nếu mà nhượng bộ lãnh thổ mà không bị đổ máu nữa thì cũng là điều tốt,” ông Sang nói với VOA.
Ông Sang nhận định rằng nếu ông Trump không ủng hộ Ukraine nữa thì quốc gia này sẽ có số phận như Việt Nam Cộng hòa trước kia. “Việt Nam Cộng hòa mình cũng đau lòng khi mất nước, nếu Ukraine cũng chịu như vậy thì tội cho Ukraine”, ông bày tỏ nhưng cho rằng cứ để chiến tranh tiếp diễn thì nó sẽ không đi đến kết quả tốt.
“Đánh nhau đã 2-3 năm rồi mà không tới đâu hết mà Nga càng ngày càng chiếm thì tôi nghĩ là Ukraine đánh không lại, mà đã đánh không lại thì trước sau Ukraine cũng thua thôi,” ông lý giải và cho rằng ông Trump ‘ở trong thế chẳng đặng đừng’ là phải thúc đẩy hòa bình giữa Nga và Ukraine ‘để thế giới yên ổn’.
Diễn đàn