Ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu chuyên trách thương mại quốc tế (INTA) thực hiện buổi điều trần công khai hôm 10/10 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam, trong đó một chuyên gia nhân quyền Việt Nam được mời phát biểu.
Buổi điều trần, có tên đầy đủ là “Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam – lợi ích và giá trị”, diễn ra tại Brussels, Bỉ, vào cuối buổi chiều ngày 10/10, và được truyền trực tiếp trên web của Nghị viện châu Âu.
Đại diện chính thức của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương, phát biểu rằng chính phủ nước ông đã trình quốc hội sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2019.
Về vấn đề môi trường, Thứ trưởng Khánh khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, và ông cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ giúp Việt Nam làm được nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Vấn đề thứ ba được đề cập đến trong bài phát biểu của ông Khánh là nhân quyền. Ông nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam “đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền”.
Vị thứ trưởng khẳng định nhân quyền “nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn” của ông, và nói thêm ông tin rằng các quan chức Việt Nam và EU sẽ kể được “những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác thông qua các hiệp định đối tác, hợp tác của chúng ta và các diễn đàn khác”. Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.
Tiếp sau bài thuyết trình của Thứ trưởng Khánh là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu trong tờ chương trình là “Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam”, và các đại diện của Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang BUSINESS Europe.
Tiến sĩ Quang A nhấn mạnh rằng trong vài năm gần đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã “xấu đi”. Theo ông, EVFTA với đòi hỏi Việt Nam phải phê chuẩn nốt 3 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ giúp cải thiện nhân quyền.
“Nếu EVFTA được thông qua, EU sẽ có thêm đòn bảy để gây sức ép với Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai … Ngoài ra, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nước láng giềng lớn hơn [Trung Quốc]”, ông Quang A phát biểu.
Việt Nam và EU hoàn tất đàm phán hiệp định kể trên vào đầu tháng 12/2015. Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.
Buổi điều trần được tổ chức trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các tòa án trong hệ thống chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên các bản án nặng nề, thậm chí tới 15 năm tù, đối với hơn 30 người về các tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Hoa Kỳ lên tiếng vụ 5 thành viên ‘Liên minh Dân tộc VN’ bị xử 57 năm tù
32 nghị sĩ EU đòi VN cải thiện nhân quyền trước khi thông qua EVFTA
Chiến dịch NOW: VN đang giam giữ 246 tù nhân lương tâm
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 9/10 đã ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại” về xu hướng Việt Nam “gia tăng” bắt giữ và kết án tù lâu năm đối với những người mà Mỹ coi là “các nhà hoạt động ôn hòa”.
Trước đó, hôm 17/9, 32 nghị sĩ Liên hiệp châu Âu đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn EVFTA.
Một đoạn trong bức thư gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối Ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, viết rằng điều cấp thiết EU phải làm là “nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi EVFTA được ký chính thức và phê chuẩn.
Chính kiến của tôi là phải ký, phải thông qua thì lúc đó mới có một cơ chế để mà tiến hành những cái đòi hỏi về cải thiện nhân quyền.Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần “nỗ lực một cách thực tâm” để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời “cho thấy những cải thiện cụ thể” trước khi nghị viện bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, “chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định,” nhóm nghị sĩ nói trong thư.
Tại buổi điều trần hôm 10/10, tiến sĩ Quang A cũng đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, ông đề nghị EU phải bảo đảm rằng Việt Nam sẽ ký và thông qua 3 công ước lõi của ILO. Thứ hai, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam cần được đóng vai trò là một trong các bên giám sát việc thực thi EVFTA, một khi nó được thông qua.
Vị đại diện cho XHDS Việt Nam cũng dành thời gian đề cập đến tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người mà đến nay đã ngồi tù 9 trong tổng số 16 năm tù vì bị chính quyền kết tội “hoạt động nhằm lật đổ”.
Tiến sĩ Quang A gọi ông Thức là một doanh nhân “cực kỳ thông minh”, cũng là người “ủng hộ EVFTA”, và ông kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông Thức vào lúc này.
“Ông ấy là một tài sản quý giá. Đừng để tài sản quý giá đó bị lãng phí ở trong tù”, tiến sĩ Quang A phát biểu.
Trong các bài viết trên Facebook cá nhân trước buổi điều trần, ông Quang A cho hay chính quyền Việt Nam từng lo ngại về việc ông ra điều trần ở Nghị viện châu Âu nên đã tạm giữ và cấm ông xuất cảnh hôm 18/9. Tuy nhiên, dường như chính quyền đã có sự thay đổi về thái độ và cách tiếp cận, khi ông lên đường bay đi Brussels hôm 8/10 mà không bị cản trở.
‘Nút thắt’ quyền người lao động trong hiệp định thương mại Việt Nam-EU
‘Rà soát EVFTA’: VN bắt đầu nhượng bộ EU về nhân quyền?
Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định “sẽ diễn ra trong tháng 10” tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), “hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”.
Ông nói thêm rằng “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.
Trang web của Nghị viện châu Âu hồi tháng 2/2018 dẫn kết quả một nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA, cho thấy Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động, so với kịch bản không có EVFTA.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.