Đường dẫn truy cập

Ukraine được cấp quy chế ứng viên EU


Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell.

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu chính thức chấp nhận Ukraine là ứng cử viên gia nhập khối 27 quốc gia EU hôm 23/6, một động thái địa chính trị táo bạo mà Ukraine và EU ca ngợi là “thời khắc lịch sử”.

Mặc dù Ukraine và nước láng giềng Moldova có thể mất hơn một thập niên mới đủ điều kiện trở thành thành viên EU, nhưng quyết định tại hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài hai ngày lần này là một bước đi mang tính biểu tượng báo hiệu ý định của EU tiến sâu vào Liên Xô cũ.

“Ukraine sẽ thắng. Châu Âu sẽ thắng. Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường dài mà chúng ta sẽ cùng nhau bước đi”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, tuyên bố.

Quyết định nhanh chóng bất thường của lãnh đạo EU trong việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên được khơi mào bởi cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng khối này cần có sự cải tổ quan trọng về tiến trình ra quyết định trước khi có thể bành trướng - và Ukraine và Moldova sẽ còn nhiều việc phải làm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoan nghênh quyết định của EU là “một khoảnh khắc lịch sử và độc nhất vô nhị.” Ông viết trên Twitter rằng “tương lai của Ukraine là ở EU.”

Động thái này, đồng thời chứng kiến Moldova cũng được cấp tư cách ứng cử viên, mở đầu cho sự mở rộng tham vọng nhất của EU kể từ khi tổ chức này chào đón các quốc gia Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ cổ vũ thắng lợi, có mối quan tâm trong EU về việc làm thế nào để khối có thể duy trì sự gắn kết một khi tiếp tục mở rộng.

Khởi sự vào năm 1951 như một tổ chức gồm sáu quốc gia nhằm điều tiết sản xuất công nghiệp, EU hiện có 27 thành viên đang đối mặt với những thách thức phức tạp từ biến đổi khí hậu, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cho đến một cuộc chiến ngay ngưỡng cửa của họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông được triển khai ở Ukraine vào cuối tháng 2 là một phần bắt buộc bởi sự xâm lấn của phương Tây vào nơi mà Nga coi là phạm vi ảnh hưởng địa lý hợp pháp của mình.

Việc EU bật đèn xanh cho Ukraine “là một tín hiệu cho Moscow thấy rằng Ukraine, và các nước khác từ Liên Xô cũ, không thể thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga”, đại sứ Ukraine tại EU, Chentsov Vsevolod, nhấn mạnh ngày 23/6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG