Liên Hiệp Quốc, trong một phúc trình về chiều hướng ngày càng gia tăng về buôn lậu ma túy tại châu Á ,cho biết chất kích thích loại amphetamine và những loại ma túy tổng hợp khác hiện là mối đe dọa chính về ma túy, vượt qua những loại ma túy cổ truyền như heroin (bạch phiến), thuốc phiện và cần sa.
Bản phúc trình do Văn phòng Liên Hiệp Quốc đặc trách về Ma túy và Tội phạm, UNODC, cho biết trong năm qua có khoảng từ 3 triệu đến 20 triệu người sử dụng ATS.
Chất gây nghiện mạnh này có thể được chế tạo từ chất pseuephedrine, một chất thông mũi có trong các loại thuốc cảm mua không cần toa bác sĩ.
Phúc trình cũng nói đến hoạt động của các băng đảng tội phạm ngày càng tăng, đặc biệt những băng đảng này từ Iran và Tây Phi đến làm cho việc sử dụng ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á càng lan tràn mạnh.
Ông Deepika Naruka, một viên chức của UNODC tại Bangkok nói một đợt bắt giữ những tay buôn lậu ma túy từ Iran trên khắp châu Á trong hai năm qua làm cho các nhân viên công lực kinh ngạc.
“Đây là một chiều hướng mới chỉ vừa bùng nổ trong vòng một năm nay. Có rất nhiều vụ bắt giữ tại rất nhiều quốc gia làm chúng ta cần phải tìm hiểu tại sao có chuyện này nhưng chúng ta chưa biết được lý do.”
Việc bắt giữ những tay buôn lậu gốc Iran ngày càng tăng. Những người này chuyển lậu chất methamphetamine dưới dạng kết tinh và dạng lỏng bị bắt tại Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Các giới chức UNODC nói những cuộc nghiên cứu sơ khởi cho thấy có nhiều yếu tố đứng đằng sau khuynh hướng này trong đó có nạn nghèo khó.
Tại châu Á, khuynh hướng sử dụng ngày càng tăng chất methamphetamine dưới dạng viên hay kết tinh xảy ra tại Brunei, Trung Quốc, Miến Điện, Indonesia, Lào, Papua New Guinea, Malaysia và Việt Nam.
Miến Điện vẫn là nguồn sản xuất chính chất methamphetamine. Tại đây, những nơi sản xuất lén lút hoạt động tại vùng biên giới phía đông nước này đặt dưới sự kiểm soát của các đội quân sắc tộc và những băng đảng người Hoa. Phúc trình cho biết mỗi năm Miến Điện sản xuất đến hơn 1 tỉ viên ATS.
UNODC nói quân đội Miến Điện cũng dính líu đến việc làm gia tăng mạnh việc buôn lậu bán lậu ma túy.
Ông Gary Lewis, đại diện UNODC vùng Đông Á Thái Bình Dương tại Bangkok nói những phần tử tham nhũng trong chính phủ có dính líu đến những vụ buôn lậu này:
“Nếu có một tập hợp các cá nhân và tổ chức cộng tác với nhau và một số có liên hệ đến chính phủ tại một vùng có nhiều biến động chính trị và tham nhũng cao như nhà cầm quyền Miến Điện thú nhận thì có cả những cá nhân và tổ chức ở mọi phía trong khung cảnh chính trị này liên hệ đến các hoạt động buôn lậu ma túy.”
UDODC cũng cảnh báo về việc sử dụng và buôn lậu chất ketamine ngày càng tăng tại Đông Á và Đông Nam Á.
Ketamine là một chất được sử dụng trong thuốc chữa trị cho người và súc vật. UNODC cho biết có gần 7 tấn ketamine bị tịch thu trong năm 2009, trong đó có khoảng 85% bị tịch thu ở châu Á.
Phúc trình cho biết việc tự do hóa kinh tế và mậu dịch trong khi nâng được cao lợi tức cho địa phương thì cũng lại làm gia tăng cơ hội cho những tổ chức tội phạm trong việc sản xuất và buôn bán lậu ma túy.
Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc về buôn lậu ma túy quốc tế cảnh báo có sự gia tăng về cung và cầu chất kích thích loại amphetamine (ATS) tại châu Á trong đó Miến Điện vẫn là nguồn sản xuất chính. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông Tín Viên Ron Corben từ Bangkok, các viên chức Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo về sự xuất hiện của các băng đảng buôn lậu ma túy Iran và Tây Phi xâm nhập châu Á.
Đọc nhiều nhất
1