Đường dẫn truy cập

Các quốc gia và công ty trông đợi sản xuất dầu phục hồi ở Libya


Một nhân viên bảo vệ canh gác bên trong nhà máy lọc dầu Zawiya ở Zawiya, phía tây Tripoli, Libya
Một nhân viên bảo vệ canh gác bên trong nhà máy lọc dầu Zawiya ở Zawiya, phía tây Tripoli, Libya

Mặc dầu giao tranh vẫn tiếp tục tại nhiều nơi ở Libya, và tình trạng còn hơi bất định, một số người đã bắt đầu nhìn vào triển vọng phục hồi. Các công ty dầu khí, và các nước dựa vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Libya đã chuẩn bị cho việc phục hồi toàn bộ công nghiệp dầu khí của nước này. Thông tín viên VOA William Ide tại Washington ghi nhận thêm một số chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Vào lúc chiến binh nổi dậy ăn mừng việc tràn vào khu dinh cơ của Moammar Gadhafi ở Tripoli, họ còn phải đối phó với các công tác đáng lo nghĩ hơn trước mắt. Việc tái thiết các thành phố của Libya bị chiến cuộc tàn phá và cơ sở hạ tầng là một trong nhiều thách thức mà đất nước phải đối phó trong những ngày tháng sắp tới.

Dầu hỏa là một trong những ngành công nghiệp và nguồn thu nhập chính của Libya. Libya có các trữ lượng dầu lớn nhất ở châu Phi. Vì thế đưa công tác sản xuất và xuất khẩu dầu trở lại hoạt động là vấn đề khẩn thiết.

Điều may mắn là khác với thiệt hại mà các thành phố và thị trấn đã phải gánh chịu, công nghiệp dầu hỏa dường như không hề hấn gì.

Các Diễn Biến Quan Trọng Của Cuộc Nổi Dậy Libya

  • 15 tháng 2, 2011: Nổi dậy ở thành phố Benghazi được khơi nguồn từ cuộc cách mạng Mùa Xuân A-rập ở Tunisia và Ai Cập.
  • 26 tháng 2, 2011: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt lên ông Moammar Gadhafi và gia đình, kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra cuộc đàn áp những người nổi dậy.
  • 19 tháng 3, 2011: Được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm; Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Libya để chận đà tiến của lực lượng Gadhafi.
  • 26 tháng 3, 2011: Phe nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng Ajdabiya.
  • 30 tháng 3, 2011: Ngoại trưởng Moussa Koussa đào thoát sang Anh. Một số giới chức Libya cao cấp khác noi gương.
  • 30 tháng 4, 2011: Tên lửa của NATO giết chết người con út và 3 cháu nội của ông Gadhafi.
  • 7 tháng 6, 2011: Ông Gadhafi tuyên bố trên đài truyền hình sẽ không bao giờ đầu hàng.
  • 27 tháng 6, 2011: Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt giam ông Gadhafi, người con trai Seif al-Islam, và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, về tội ác chống nhân loại.
  • 15 tháng 7, 2011: Hoa Kỳ công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya.
  • 28 tháng 7, 2011: Cựu Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes, chạy sang phe nổi dậy hồi tháng 2 và làm tư lệnh quân sự cho phe này, bị giết chết.
  • 14 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn chiến lược Zawiyah, nhưng tiếng súng dữ dội vẫn còn.
  • 20 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy mở cuộc tấn công lần đầu tiên vào thủ đô Tripoli, có phối hợp với NATO

Có những ước tính khác nhau về thời điểm nào công nghiệp này có thể trở lại hoạt động bình thường. Một số người, như chuyên gia phân tích năng lượng Samuel Ciszuk, nói rằng Libya có thể mau chóng trở lại mức sản xuất trước chiến cuộc.

Ông Ciszul cho biết: “Các công ty có sản lượng lớn ở Libya, như ENI, và cả các công ty như Repson...có rất nhiều cơ sở ở miền tây nam, đã thoát được tình trạng bị hư hại gần như hoàn toàn.”

Trong nhiều ngày vừa qua, giá dầu trên toàn cầu đã đi theo các diễn biến ở Libya. Vào lúc quyền lực bắt đầu tuột khỏi tay Moammar Gadhafi, sau cuộc tiến công của phe nổi dậy vào Tripoli, giá dầu đã sụt – nhưng sau đó lại bắt đầu tăng khi các ổ kháng cự tiếp tục và kinh tế toàn cầu biến động.

Libya sản xuất khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu – tức là khoảng 2% sản lượng thế giới. Phần lớn số dầu của Libya được xuất khẩu qua châu Âu, với Italia là nước nhận khối lượng lớn nhất.

Giới lãnh đạo phe nổi dậy nói rằng những sắp xếp về dầu hỏa thực hiện trước khi chế độ Gadhafi sụp đổ sẽ vẫn có giá trị.

Ông Jehani của phe nổi dậy nói: “Tất cả mọi hợp đồng hợp pháp sẽ được tôn trọng, cho dù trong ngành dầu khí hay trong hợp đồng. Vào lúc này, chính phủ hiện nay không phải là người quyết định liệu họ có quyền bãi bỏ bất cứ hợp đồng nào.”

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bầy tỏ sự sẵn sàng cung cấp viện trợ cho Libya và giúp nước này tái thiết. Và Liên Hiệp Quốc sẽ mở một cuộc họp về tương lai của Libya vào cuối tuần này.

Một số chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng của Libya không được tốt lắm trước khi chiến cuộc bắt đầu và rằng số lượng tái thiết cần đến sẽ hạn hẹp. Nhưng phải có tiền mới xây dựng được một nước Libya mới.

Về vấn đề đó, thì nước này rất sẵn sàng, theo nhận định của chuyên gia phân tích các vấn đề Trung Đông Michele Dunne.

Chuyên gia Dunne cho biết: “Libya sẽ không phải đối phó với vấn đề mà một số nước đã có bởi vì họ có sẵn tiền để trang trải. Nếu ta có tiền sẵn sàng để chi vào việc tái thiết, thì vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.”

Bà Dunne nói khả năng sản xuất dầu của Libya và hàng tỷ đôla tài sản của Moammar Gadhafi bị phong tỏa ở nước ngoài sẽ giúp ích rất nhiều cho Libya. Các tài sản đã bị Liên Hiệp Quốc phong tỏa hồi tháng 2 và nay cộng đồng quốc tế đang mau chóng hành động để giải tỏa các tài sản đó và giao cho phe nổi dậy chống Gadhafi.

Các hình ảnh từ Libya

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG