Đường dẫn truy cập

Về phim 'Đất Khổ'


Cảnh trong phim với Trịnh Công Sơn ôm đàn hát 'Tôi sẽ đi thăm' (ảnh: Bùi Văn Phú)
Cảnh trong phim với Trịnh Công Sơn ôm đàn hát 'Tôi sẽ đi thăm' (ảnh: Bùi Văn Phú)

Tựa phim: Đất khổ (Land of Sorrow).
Dài 142 phút. Nói tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh.
Bản quyền: 1971 George Washnis Enterprises
Đạo diễn: Hà Thúc Cần.
Kịch bản: Hà Thúc Cần và Nguyễn Bá Hùng
Nhà sản xuất: Nguyễn Bá Hùng.
Diễn viên: Trịnh Công Sơn, Bích Hợp, Xuân Hà, Vân Quỳnh, Minh Trường Sơn, Lưu Nguyễn Đạt, Jerry Liles

Trịnh Công Sơn có phải là một thanh niên trốn quân dịch? Theo bạn bè của ông kể lại thì điều này là sự thật. Ngay cả em gái của ông, cô Trịnh Vĩnh Trinh, cũng xác nhận chuyện đó trong một cuộc phỏng vấn với người viết bài.

Nhạc sĩ họ Trịnh đã từ chối tham gia vào việc cầm súng bắn giết anh em. Đứng bên lề cuộc chiến, chứng kiến mất mát, đổ nát, đau thương của chiến tranh đã đem đến cho ông chất liệu để viết lên những ca khúc với âm điệu buồn về thân phận quê hương, thân phận con người, những bài ca đã làm rung động con tim nhân loại.

Một Trịnh Công Sơn trốn lính, một Trịnh Công Sơn có mặt ở Huế chứng kiến tang thương khi Tổng tấn công Tết Mậu Thân xảy ra, cùng với một Trịnh Công Sơn mong ước dựng xây quê hương trong thanh bình. Tất cả đã được lồng vào phim “Đất khổ”.

Phim này sẽ được chiếu tại tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam kỳ 8 (Viet Film Fest) tại hải ngoại, do Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA) tổ chức vào tuần tới tại Little Saigon ở miền Nam California.

“Đất khổ” không phải là một phim mới sản xuất mà đã được quay tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 do cố đạo diễn Hà Thúc Cần thực hiện. Cô Trịnh Vĩnh Trinh cho biết đạo diễn là một người rất thân với gia đình.

Phim dựa trên cốt truyện từ hai tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế” và “Đêm nghe tiếng đại bác” của nhà văn Nhã Ca, là người cũng viết lời thoại cho phim cùng với Hà Thúc Như Hỷ, Trần Lê Nguyễn và Phạm Viết Lịch.

Trịnh Công Sơn là diễn viên chính, trong vai nhạc sĩ Quân và cũng là một thanh niên trốn quân dịch. Quân có những người anh là sĩ quan và cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa, có chị là Thuý với người yêu là lãnh tụ sinh viên tranh đấu. Có em là Hạnh lúc nào cũng hăng say tham gia xuống đường chống chính phủ. Hình ảnh của Diễm cũng thấp thoáng trong phim.

Những nhân vật, chuyện tình đan xen và sự nối kết quan điểm trong phim có nhiều nét hiện thực như trong gia đình của Trịnh Công Sơn.

Bối cảnh của phim mang những nét thời sự nổi bật của cuộc chiến Việt Nam, với phong trào tranh đấu của sinh viên Huế, với trận chiến Mùa hè Đỏ lửa 1972 và cuộc Tổng Tấn công của bộ đội cộng sản Bắc Việt vào Huế dịp Tết Mậu Thân 1968.

Trong phim còn có nhân vật Tim, một lính Mỹ đào ngũ, quen với Quân ở khu nhà trọ trong Sài Gòn, thường chia xẻ với nhau buồn vui, mất mát người thân qua những ly rượu. Tim lấy vợ Việt, biết nói tiếng Việt nên bị nghi ngờ là CIA. Một lần Tim nhận tiền của bà con trong xóm, hứa đi mua đồ ở PX, cửa hàng dành cho lính Mỹ, mà không làm nên bị vợ đuổi, bị bà con mắng chửi.

Quân giúp Tim, rủ anh về Huế đón Tết với gia đình. Đúng vào dịp Tết Mậu Thân. Bộ đội cộng sản tấn công chiếm thành phố. Tim bị lính Mỹ bắt lại còn gia đình Quân với mẹ và em phải chạy lên nhà thờ lánh nạn cùng với nhiều nạn nhân chiến tranh khác.

Rồi gia đình lại tiếp tục chạy loạn. Thuý bị trúng đạn chết, xác chôn vội bên bờ đất. Mẹ buồn rầu: “Không đi đâu cả. Có chết cũng về nhà mà chết”.

Lồng trong phim là một số ca khúc do Quân sáng tác, có những lời tình ca: “Làm sao em biết đời sống buồn tênh. Đôi khi ta lắng nghe ta…”, “Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, nhìn lại mình đời đã rong rêu…”

Có những ca từ như lời ai điếu của thiếu phụ để tang người tình: “Em đi trong chiều có gió bay theo, thổi bùng khăn tang trắng giữa khung chiều…”.

Có ca từ, theo lời Quân là “ước mơ thanh bình và là thân phận khổ đau của nước Việt Nam chúng ta.”

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm.
Tôi sẽ đi thăm một nghĩa địa buồn,
Đi thăm mộ bia đều như nấm.
Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường…

Bìa DVD phim 'Đất khổ' (ảnh: Bùi Văn Phú)
Bìa DVD phim 'Đất khổ' (ảnh: Bùi Văn Phú)

Phim “Đất khổ” đưa lên những quan điểm trái nghịch của thanh niên thời bấy giờ, có người cầm súng chiến đấu, có người tham gia phong trào đấu tranh, có những nhận định, phát biểu: “Phận nước mình mà ai ai đâu quyết định không à…”.

Khi giới trẻ tụ họp sinh hoạt cũng có lựa chọn khác nhau, anh muốn hát quyết thắng trong khi chị lại muốn có hòa bình để xây dựng quê hương:

Ta cùng lên đường đi xây lại tình thương
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con là sông mừng hôm nay xoá hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn lòng nhân ái lên nụ hồng…

Với nội dung về một nhân vật chính là một nhạc sĩ được cho là phản chiến và trốn lính, phim “Đất khổ” có được chiếu ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 hay không thì không rõ lắm.

Trong buổi ra mắt bản dịch tiếng Anh tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế” của Nhã Ca tại Đại học Berkeley, tôi nêu câu hỏi này với nhà văn, bà trả lời rằng phim mới làm xong chưa kịp chiếu.

Bà cho biết thêm, sau khi phim được phổ biến tại hải ngoại, trong nước đã cho phép chiếu. Sau vì bìa có in hình cờ đỏ sao vàng, người Việt ở Mỹ phản đối, cho nhà sản xuất biết phim không liên quan gì đến cờ đỏ sao vàng nên nhà sản xuất in lại bìa, bỏ cờ đỏ. Lúc đó trong nước lại cấm chiếu.

Theo bách khoa tự điển mở, “Đất khổ” quay từ năm 1971 đến 1973 mới hoàn thành và đã được ra mắt tại Sài Gòn năm 1974, nhưng chỉ chiếu hai xuất cho công chúng rồi thôi.

Bìa sau của DVD ghi chi tiết năm 1980 phim được chiếu tại rạp Paris Orient Theater bên Pháp và năm 1996 chiếu tại American Film Institute thuộc Trung tâm Kennedy, rồi tại Liên hoan Phim Mỹ Á cũng tại vùng Thủ đô Washington.

Sau khi Trịnh Công Sơn qua đời năm 2001, trong một lần tổ chức giỗ ông tại khu tưởng niệm ở Bình Qưới, ban tổ chức đã dự định chiếu một vài đoạn trong “Đất khổ”, nhưng giờ chót phần này đã không được phép thực hiện.

“Đất khổ” phản ánh khá trung thực hoàn cảnh chính trị, xã hội của một đất nước có tên Việt Nam Cộng hoà trong giai đoạn mười năm sau cùng, từ 1965 đến 1975, trước khi bị cộng sản xóa tên trên bản đồ thế giới. Một đất nước thường xuyên phải đối đầu với chiến tranh và người dân ai cũng mơ ước hoà bình đến với quê hương để cùng nhau góp tay xây dựng lại nhà cửa, xóm làng.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG