Đường dẫn truy cập

Việt Nam đề nghị ‘giải pháp lâu dài’ về Biển Đông, Trung Quốc không đả động gì


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) gặp Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Trùng Khánh vào ngày 8/6/2021.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) gặp Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Trùng Khánh vào ngày 8/6/2021.

Việt Nam vừa cho biết đã đề nghị với Trung Quốc về việc “tìm giải pháp cơ bản, lâu dài” cho vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Ủy viên Quốc vụ viện – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 8/6. Tuy nhiên, nội dung này hoàn toàn không được đề cập đến trong bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp trên.

“Việt Nam đề nghị cùng Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 [Công ước LHQ về luật biển], phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông”, báo Tuổi Trẻ đưa tin về nội dung của cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Me Kong – Lan Thương tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Theo đó, hai bộ trưởng Việt – Trung cũng đồng ý duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tất cả các nội dung trên và những vấn đề về quan hệ song phương và quốc tế, khu vực mà cả hai cùng quan tâm đã được “trao đổi sâu rộng” và “trong một bầu không khí hữu nghị, chân thành”, Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo chí dẫn lời nói.

Trong khi đó, bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi thông tin về cuộc họp hoàn toàn không đề cập đến các nội dung trên, mà chủ yếu chỉ nói đến việc thúc đẩy quan hệ Trung – Việt.

“Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau, hợp tác thực chất sâu rộng theo phương hướng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định”, bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, đồng thời thêm rằng “Đó là thuộc tính cơ bản và mục tiêu cốt lõi của quan hệ hai Đảng, hai nước nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đẩy mạnh sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Về phần mình, ông Bùi Thanh Sơn nói “Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là lựa chọn vững chắc và ưu tiên ngoại giao của mình”, và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Điều này thể hiện đầy đủ sự gần gũi và chiến lược của hai nước”, vẫn theo trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ngoài vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết ông Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam và sớm hoàn thành các dự án hợp tác còn vướng mắc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc nói kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã vượt 70 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng cả năm trên 40%, “thể hiện đầy đủ tiềm năng hợp tác to lớn của kinh tế thương mại song phương và phản ánh quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước ở mức cao”. Trung Quốc nói thêm rằng “sẵn sàng mở rộng hợp tác cảng biển với Việt Nam và nhập khẩu nhiều nông sản từ Việt Nam hơn” nhưng hai bên cần “khai thác triệt để các thế mạnh” và “thúc đẩy tiến độ trong việc xây dựng Vành đai, Con đường và các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19, đồng thời ủng hộ các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất vắc xin.

Ông đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước đi tiêm chủng ở hai quốc gia của nhau và tăng cường công tác phòng, chống chung ở biên giới chống lại đại dịch.

VOA Express

XS
SM
MD
LG