Tổng thống Donald Trump hôm 20/1 ký một sắc lệnh yêu cầu hầu hết nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang phải quay trở lại làm việc toàn thời gian, một động thái có khả năng gây ra phản ứng dữ dội và các thách thức pháp lý từ các công đoàn.
Mệnh lệnh của ông Trump tác dụng ra sao?
Ông Trump đã chỉ đạo người đứng đầu tất cả các cơ quan liên bang “thực hiện mọi bước cần thiết để chấm dứt các thỏa thuận làm việc từ xa” và yêu cầu nhân viên phải trình diện với “các địa điểm làm việc tương ứng” toàn thời gian. Sắc lệnh gồm hai câu nêu rõ rằng chỉ thị “sẽ được thực hiện phù hợp với luật hiện hành”.
Ông Trump có thể cấm nhân viên liên bang làm việc từ xa không?
Tùy thuộc vào từng trường hợp. Tổng thống có thẩm quyền rộng rãi đối với lực lượng lao động liên bang, bao gồm cả quyền yêu cầu các cơ quan ngừng cho phép nhân viên nào không phải là thành viên công đoàn làm việc từ xa. Điều đó bao gồm cả các vị trí giám sát và quản lý, những người không thể tham gia công đoàn, và ông Trump có thể nhanh chóng ra lệnh cho họ trở lại văn phòng.
Tuy nhiên, khoảng 26% nhân viên liên bang là thành viên công đoàn và nhiều người được bảo vệ bởi các thỏa thuận thương lượng cho phép làm việc từ xa hoặc sắp xếp làm việc kết hợp. Chính quyền ông Trump sẽ phải đợi những thỏa thuận đó hết hạn hoặc cố gắng đàm phán lại các thỏa thuận. Các thỏa thuận thương lượng giữa các cơ quan liên bang và công đoàn chỉ có thể bị thưa kiện ra tòa nếu chúng có những điều khoản bất hợp pháp hoặc là sản phẩm của sự ép buộc, hối lộ hoặc một số hành vi sai trái khác.
Trong một số trường hợp, các cơ quan liên bang cũng có thể được yêu cầu cho phép nhân viên khuyết tật làm việc từ xa. Luật liên bang yêu cầu người sử dụng lao động phải có “điều chỉnh hợp lý” cho những người lao động mắc bệnh mãn tính miễn là họ vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ công việc của mình.
Có bao nhiêu nhân viên liên bang làm việc từ xa?
Tòa Bạch Ốc của ông Trump ngày 20/1 cho hay hiện chỉ có 6% nhân viên liên bang đang làm việc trực tiếp, nhưng dữ liệu của chính phủ cho thấy làm việc từ xa bị hạn chế hơn. Khoảng 46% nhân viên liên bang, hay 1,1 triệu người, đủ điều kiện làm việc từ xa và khoảng 228.000 người trong số họ làm việc hoàn toàn từ xa, theo báo cáo do Văn phòng Quản lý và Ngân sách Tòa Bạch Ốc công bố vào tháng 8.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Cựu chiến binh, có nhiều nhân viên hơn hẳn các cơ quan khác, có nhiều nhân viên làm việc từ xa nhất, cùng với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Đối với những nhân viên liên bang đủ điều kiện làm việc từ xa thì khoảng 61% số giờ làm việc thông thường của họ được tiến hành tại sở, theo OMB. Con số đó không bao gồm những nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa.
Tại sao ông Trump phản đối làm việc từ xa?
Sắc lệnh của ông Trump cũng có thể đại diện cho nỗ lực khuyến khích một số nhân viên liên bang nghỉ việc, mở ra các vị trí có thể được những người trung thành với chính trị đảm nhiệm.
Ông Elon Musk, người sẽ lãnh đạo một ủy ban do ông Trump thành lập để kiểm soát chi tiêu của chính phủ, đã nói trong một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái rằng những nhân viên liên bang không nên được trả lương cho “đặc quyền thời COVID” là làm việc từ xa. “Yêu cầu nhân viên liên bang đến văn phòng năm ngày một tuần sẽ dẫn đến làn sóng tự nguyện nghỉ việc mà chúng tôi hoan nghênh”, ông Musk viết.
Tuy nhiên, các cơ quan có thể e ngại khi thực hiện một số lượng lớn các vụ đuổi việc hoặc sa thải, đặc biệt là khi chúng liên quan đến những nhân viên giữ vai trò quan trọng hoặc khó thay thế.
Chương trình nghị sự của ông Trump, bao gồm khả năng bãi bỏ hàng nghìn quy định của liên bang, điều phối một số lượng lớn các vụ trục xuất và đại tu chính sách y tế của Hoa Kỳ, sẽ yêu cầu các cơ quan có đủ nhân viên để thực hiện. Các chuyên gia cho biết trong nhiều trường hợp, ông Trump có thể sẽ phải lựa chọn một là cắt giảm lực lượng lao động liên bang hay là thực hiện các sáng kiến khác.
Tổng thống có thể sa thải những nhân viên phản đối trở lại văn phòng làm việc không?
Tổng thống và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền rộng rãi để sa thải những nhân viên không thuộc công đoàn, bao gồm cả việc không chấp hành nhiệm vụ trở lại văn phòng. Nhưng nhân viên liên bang phải được thông báo bằng văn bản rằng họ sẽ bị sa thải trước ít nhất 30 ngày, bao gồm cả lời giải thích về lý do sa thải và cơ hội để phản hồi.
Và những nhân viên liên bang mất việc có thể đưa ra thách thức trước Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công trạng, một hội đồng độc lập gồm ba thành viên do tổng thống bổ nhiệm, với mục đích được phục chức. Nhân viên có thể tranh luận với hội đồng rằng họ không bị sa thải vì lý do chính đáng, rằng các cơ quan không tuân thủ đúng thủ tục và vi phạm quyền tố tụng hợp pháp của họ, hoặc rằng họ bị nhắm mục tiêu vì lý do phân biệt đối xử. Các quyết định của hội đồng có tính ràng buộc trừ khi chúng bị tòa phúc thẩm liên bang bác bỏ.
Diễn đàn