Các cuộc thăm dò ý kiến trong thời gian qua, tuy chênh lệch vào thời điểm khác nhau, cho biết phần lớn người Hồng Kông vẫn ủng hộ một quốc gia hai chế độ, và chỉ có dưới 20 phần trăm (bản thăm dò năm 2017 cho biết chỉ có 11 phần trăm ủng hộ) ủng hộ lập trường độc lập sau năm 2047 [9].
Ngay cả Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) cũng chính thức bày tỏ lập trường này lần đầu tiên vào cuối tháng 10 qua khi Wong ra tranh cử vào hội đồng quận hạt (district council elections) vào ngày 24 tháng 11 sắp tới. Wong nhấn mạnh rằng anh chưa bao giờ cổ võ cho độc lập tại Hồng Kông, mà chỉ mong muốn có được tinh thần tự quyết dân chủ (democratic self-determination). Wong cũng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc về tương lai của thành phố này trong khuôn khổ của hiến pháp hiện hành. Nhưng Wong có thể bị loại vì không hợp lệ, với lý do rằng “tự quyết” và “độc lập” có cùng ý nghĩa như nhau [10]. Và như thế là vi hiến, ngược lại với Luật Cơ bản (Basic Law), khung sườn pháp luật như một hiến pháp chi phối mọi hoạt động tại Hồng Kông, được thông qua ngày 1 tháng 4 năm 1990 và hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 1997 cho đến năm 2047 [11]. Wong kịch liệt phản đối cuối tháng qua vì đã là người duy nhất bị cho là bất hợp lệ, và biện luận rằng điều này chứng minh Bắc Kinh đã thao túng bầu cử bằng kiểm duyệt và sàng lọc ra sao [12].
Thật là khó để mà biết những người đóng vai “lãnh đạo” trẻ khác ngoài Wong, như Denise Ho, Agnes Chow, Andy Chan v.v…, cũng như phần lớn những người nhập cuộc biểu tình trong thời gian qua, có lập trường như thế nào về vấn đề tế nhị và phức tạp này?
Người Hồng Kông có thể làm gì?
Với chủ trương tăng cường quyền lực cứng, mềm và bén (hard, soft and sharp power) trong những thập niên qua, đặc biệt tăng vọt dưới thời Tập Cận Bình, để can thiệp và tạo ảnh hưởng vào nền chính trị tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Úc, Mỹ, Tân Tây Lan v.v…, thì Hồng Kông không phải là ngoại lệ. Đúng ra Hồng Kông là địa bàn chính trị mà Bắc Kinh cảm thấy cần can thiệp nhiều nhất. Cái gai bên cạnh. Có thể Bắc Kinh quan niệm rằng không những họ có thể, mà còn có quyền, trong việc này. Hồng Kông là thuộc về họ, cho dù dưới chính sách “một quốc gia hai chế độ” hiện nay, hay 28 năm nữa, năm 2047.
Đài Loan đã hoàn toàn độc lập và tự chủ từ năm 1949 cho đến nay, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đe dọa sẽ sử dụng mọi phương tiện để ngăn chặn sự độc lập của quốc gia này, theo Bạch thư Quốc phòng của họ vào tháng Bảy vừa qua [13].
Hồng Kông thì khác Đài Loan. Khi Anh hoàn trả Hồng Kông về lại cho Trung Quốc năm 1997, trên lý thuyết các cơ quan tư pháp, hành pháp và lập pháp vẫn phải được hoạt động hoàn toàn độc lập cho đến năm 2047. Trên thực tế, Bắc Kinh vẫn luôn tìm cách ảnh hưởng qua các nhân sự mà họ xem là trung thành với mình [14]. Nhưng trên hết, Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì độc quyền diễn giải Luật Cơ bản của Hồng Kông. Đặc biệt là qua nhân vật đứng đầu hành pháp, Tổng Chánh (The Chief Executive). Ngày hôm nay, 1.200 thành viên của đủ mọi lĩnh vực chuyên môn chọn ra vị tổng chánh, thay vì phiếu phổ thông của người Hồng Kông, và hơn nữa, phải được Bắc Kinh chấp thuận. Mọi thay đổi trong tiến trình chính trị này phải được chấp thuận bởi chính quyền Hồng Kông và quốc hội Trung Quốc.
Luật Cơ bản thì khá mơ hồ về vấn đề này. Điều 45 của Luật Cơ bản nói rằng vị Tổng Chánh của Hồng Kông sẽ được chọn bằng bầu cử, hoặc qua sự tham khảo tại địa phương, và được bổ nhiệm bởi Chính quyền Trung ương (tức Bắc Kinh). Điều 45 này cũng nói rằng mục tiêu sau cùng là để làm sao vị Tổng Chánh được bầu bằng phiếu phổ thông sau khi đã được một hội đồng đại diện rộng rãi trong công chúng đề cử chiếu theo các thủ tục dân chủ. Tuy nhiên, đã 23 năm qua, Bắc Kinh vẫn chưa có nỗ lực nào để tiến triển điều lệ này thành hiện thực. Cũng vì ù lì không chịu cải tổ tiến trình bầu cử cho nên nó đã đưa đến các cuộc biểu tình rầm rộ cách đây 5 năm, kéo dài ba tháng, còn được gọi là Phong trào Dù vàng năm 2014. Cho đến nay vẫn chỉ có những ứng viên được kiểm tra bởi một hội đồng đề cử do Bắc Kinh tuyển chọn được ra tranh cử. Đây là nguyên do chính mà phong trào dân chủ tại Hồng Kông phải quyết liệt đấu tranh để duy trì và phát huy thể chế và văn hóa dân chủ mà họ đã tiếp nhận hơn 150 năm qua.
Wong và những người đứng đầu phong trào mong muốn những thay đổi chính trị lớn lao tại đây. Nhưng họ không thể làm cách mạng trong bối cảnh này. Đầu tiên là vì người dân Hồng Kông hiện nay phần lớn chưa muốn độc lập hẳn Trung Quốc. Kế tiếp là tương quan lực lượng. Cho dầu đa số người Hồng Kông vào một ngày nào đó ủng hộ độc lập, vẫn có thể phải cần hy sinh, kể cả máu đổ, để đạt được kết quả này vì Trung Quốc duy trì lập trường không chấp nhận xu hướng ly khai với bất cứ giá nào. Sau cùng, Luật Cơ bản cho phép Bắc Kinh can thiệp bằng nhiều hình thức vào nền chính trị Hồng Kông một cách hợp pháp, bởi khi làm ra nó năm 1990, Bắc Kinh thiết kế để nắm cái cán, người Hồng Kông nắm cái lưỡi.
Bắc Kinh sẽ đối đầu, nhượng bộ hay bất động?
Những cuộc đấu tranh vì khát vọng tự do đầy ngoạn mục, can trường và sáng tạo của người Hồng Kông đã làm cho thế giới ngưỡng mộ. Nó cũng làm cho Bắc Kinh thật sự bối rối và lưỡng lự có nên gửi quân đội vào can thiệp, và dập tắt, hay không. Bắc Kinh đã chọn không, một cách khôn ngoan. Họ chọn không giải quyết bằng đối thoại, mặc dầu họ có dư khả năng và quyền hạn để làm việc này [15]. Họ cũng chọn không, hoặc chưa, sử dụng biện pháp bạo lực để đàn áp, như từng xảy ra tại Thiên An Môn cách đây 30 năm, mặc dầu họ cũng dư khả năng và quyền hạn để làm điều này. Điều 18 trong Luật Căn bản cho phép Bắc Kinh tuyên bố tình trạng chiến tranh hay hỗn loạn để sử dụng mọi phương tiện, kể cả quân đội, nếu xét có mối đe dọa đến đoàn kết hay an ninh quốc gia tại đây.
Một số nhà nghiên cứu và ngoại giao lúc ban đầu lý luận rằng nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn thì khó có thể tránh được một Thiên An Môn tại Hồng Kông. Lý do? Vì các cuộc biểu tình tại Hồng Kông nếu tiếp diễn sẽ làm mất mặt Bắc Kinh, sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ rằng người dân Hồng Kông khẳng khái từ chối, phủ nhận con đường Bắc Kinh định hướng, cho nên sẽ là một sỉ nhục lớn lao đối với Bắc Kinh. Và như thế thì Tập Cận Bình, qua cung cách hành xử bấy lâu nay, sẽ không chấp nhận điều này.
Tuy nhiên, ông Tập có vẻ kiên nhẫn hơn, và chiến lược hơn, nhiều người nghĩ. Ông Tập đã quyết định để cho chính quyền Hồng Kông, cảnh sát và cộng đồng kinh doanh trực tiếp giải quyết vấn đề ở đây, thay vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp để can thiệp [16]. Mọi giải pháp cho Hồng Kông đều nhức đầu mà Bắc Kinh không hề muốn, nhưng đây có lẽ là cách ít rủi ro nhất cho Bắc Kinh. Bắc Kinh chưa đủ lý do để can thiệp vì các cuộc biểu tình phần lớn bất bạo động. Trừ khi nào chính quyền Hồng Kông chính thức yêu cầu, và ngay cả thế cũng không chắc là nên can thiệp liền. Nếu có điều gì đáng tiếc xảy ra thì chính quyền Hồng Kông chịu trách nhiệm, ông Tập hay Bắc Kinh có thể biện luận thế. Sau cùng, mọi cuộc biểu tình qua thời gian nếu không đạt được kết quả thì sẽ mệt mõi, sẽ mất dần sự ủng hộ, nội bộ sẽ có vấn đề với nhau, và sẽ dần dần tan rã. Tất nhiên trong thời gian đó, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách theo dõi mọi động thái của những người đứng đầu của phong trào và, khi thời điểm thuận tiện đến, sẽ ra tay. Đó là món đòn sở trường mà họ từng áp dụng xưa nay.
Tương lai cuộc đấu tranh
Tương lai của Hồng Kông sẽ như thế nào ngoài năm 2047 thì cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa công bố, mặc dầu biết rằng nó sẽ có lợi hơn cho cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc nếu có thông tin này [17]. Bắc Kinh có tính xa đến đó hay không thì chắc chỉ trong nội bộ tối cao của họ mới biết.
Người dân Hồng Kông hiển nhiên muốn biết để xem tương lai của họ sẽ ra sao, qua đó biết rõ mức độ dấn thân và đấu tranh của họ từ đây tới đó phải như thế nào. Sự bất định này làm cho người Hồng Kông lo lắng. Lo lắng hơn khi phong trào đấu tranh tại Hồng Kông nhìn thấy sự can thiệp rộng khắp của Bắc Kinh, tại đây cũng như trên bình diện quốc tế, làm soi mòn các quyền tự do chính trị ở đây. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để tính quá xa, vì đến lúc đó thành phần lãnh đạo nồng cốt của Trung Quốc sẽ lèo lái theo chiều hướng của họ. Nhưng nếu hành động của Bắc Kinh hiện nay như thế thì Hồng Kông sẽ ra sao sau năm 2047, làm sao không quan tâm được!
Người đấu tranh tại Hồng Kông mong đợi Hoa Kỳ can thiệp [18]. Họ vẫy cờ Mỹ, mặc đồ Captain America, và khẩn khoản yêu cầu các nhà lập pháp, nhất là thượng viện Hoa Kỳ, thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ tại Hồng Kông, để đưa lên tổng thống Trump phê chuẩn. Họ tuyển người đi khắp nơi, đến Hoa Kỳ, Úc, Anh, Đức, v.v… để vận động quốc tế cho Hồng Kông. Điều này cho thấy họ hiểu rất rõ thế và lực của họ, và nhu cầu vận động quốc tế trước thế và lực của Bắc Kinh.
Ân xá Quốc tế/AI theo dõi các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông trong suốt thời gian qua đã kết luận rằng lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với các cuộc biểu tình này [19]. AI cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, không thiên vị vì không thể giao phó cuộc điều tra này cho chính quyền đã vi phạm nó.
Sau 5 tháng đấu tranh, phong trào Hồng Kông vẫn chưa thấy kết cuộc và lối thoát. So với phong trào Dù vàng năm 2014, những người như Wong, Ho, Chow v.v… đều đã trưởng thành, và nhiều kinh nghiệm hơn trước. Sau hàng trăm cuộc biểu tình, những nhà hoạt động như Wong đã chọn con đường tham chính để có tiếng nói. Wong đã chính thức tuyên bố không chấp nhận Hồng Kông độc lập khi ra ứng cử vào hội đồng quận hạt cuối tháng 10 vừa qua, nhưng vẫn giữ lập trường “tự quyết trên tinh thần dân chủ”. Các nhà đấu tranh khác có đồng ý với Wong hay không, và sẵn sàng tiếp tục đoàn kết với nhau cho mục tiêu chung của Hồng Kông hay không, thì tương lai mới biết được.
Phong trào đấu tranh không lãnh đạo mà đã tạo ra những thành quả ấn tượng và ngoạn mục trong 5 tháng qua cũng là điều hay và mới lạ. Nhưng đây là một thử nghiệm, còn thành công hay không thì thời gian mới trả lời được.
Điều cần lưu tâm, là khi cuộc đấu tranh này càng kéo dài, nó sẽ càng khó tiếp tục thu hút quan tâm của dư luận quốc tế. Sự nhẫn nại của con người có giới hạn, nhất là khi nó không phải là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Giới truyền thông quốc tế hiện nay vẫn tiếp tục đưa tin tức về các cuộc biểu tình này, nhưng mức độ ngày càng giảm đi. Những người quan tâm theo dõi không còn nhiều như trước, trừ phi nó có những gì mới. Thị hiếu người dân ở đâu cũng vậy. Các hãng truyền thông quốc tế rồi cũng sẽ giảm dần các bản tin nếu vẫn chỉ có biểu tình mà không có những câu chuyện mới, thông điệp mới, tường thuật/luận ngôn (narrative) mới [20]. Mỗi cuộc biểu tình cần đưa ra những yêu cầu hay thông điệp nhất định nào đó để tiếp tục thu hút sự quan tâm hiện nay. Ngoài ra, đến lúc này những người trụ cột của phong trào cũng cần duyệt lại mục tiêu của mình, phải xét lại mình có khả năng kéo dài các cuộc biểu này này bao lâu nữa, vì nếu không thì khi không đạt được mục tiêu và vì kéo dài mệt mõi, nó là nguy cơ làm cho hàng ngũ dần dần tan rã.
Các chế độ độc tài cộng sản như Bắc Kinh có nhiều phương tiện trong tay và đủ mọi thủ đoạn trí trá để trấn áp đối kháng. Họ cũng rút tỉa kinh nghiệm từ các cuộc đấu tranh của người dân, qua các cuộc cách mạng thành công lẫn thất bại của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cũng như sử dụng các công nghệ và dụng cụ tân tiến nhất để theo dõi và tiêu diệt đối kháng khi cần. Họ luôn luôn nhân danh tinh thần dân tộc và quyền lợi quốc gia nhưng thực chất là để bảo vệ quyền lợi cá nhân, bè phái và đảng phái của họ. Cho nên các cuộc đấu tranh chống độc tài tuy là cơ hội để thay đổi tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cũng là những thử thách vô cùng gian nan trong thế kỷ này. Sau cùng có thành công hay không có lẽ nằm ở sự đồng lòng, quyết tâm và kiên trì cao độ.
Tài liệu tham khảo:
9. Press Release, “Public Opinion & Political Development in Hong Kong”, Centre for Communication and Public Opinion Survey, The Chinese University of Hong Kong, 7 June 2019.
10. Alvin Lum, “Activist Joshua Wong says he does not support Hong Kong independence under current constitutional framework, conveying political stance before district council elections”, South China Morning Post, 26 October 2019.
11. “The Basic Law”, Hong Kong Special Administrative Region, Acceseed on 6 November 2019.
12. Joshua Wong, “I become the only candidate banned from running …”, Twitter, 28 October 2019. Laignee Barron, “Hong Kong Democracy Activist Joshua Wong Disqualified From Upcoming Election”, Time, 29 October 2019.
13. White Paper, “China's National Defense in the New Era”, Ministry of National Defense of the People's Republic of ChinaChinese (GB), 24 July 2019. Hoặc xem bài “Bạch thư quốc phòng Trung Quốc nói gì?” đăng trên VOA ngày 30 tháng 7 năm 2019.
14. Eleanor Albert, “Democracy in Hong Kong”, Council on Foreign Relations, 30 September 2019.
15. Donald Greenlees, “Beijing could end the Hong Kong crisis peacefully, but will it?”, The Stragegist, ASPI, 4 September 2019.
16. Theo giáo sư Andrew J. Nathan, trong bài “How China Sees the Hong Kong Crisis”, Foreign Affairs, 30 September 2019.
17. Jieh-Yung Lo, “In search of clarity on Hong Kong’s future”, The Interpreter, Lowy Institute, 1 November 2019.
18. Edward Wong, “Hong Kong Protesters Call for U.S. Help. China Sees a Conspiracy”, The New York Times, 3 November 2019
19. “Patterns of repression: Timeline of the 2019 Hong Kong protests”, Amnesty International, 11 October 2019.
20. JJ Rose, “Hong Kong protesters need a narrative – now”, The Interpreter, Lowy Institute, 23 October 2019.