VOA: Ông đánh giá như thế nào về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh?
Giáo sư Carl Thayer: Cho tới nay, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách hợp tác và tranh đấu cùng lúc. Hai từ ‘đối tác’ và ‘đối tượng’ được dùng trong ngữ cảnh đó. Tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore lần này, Việt Nam thúc đẩy khía cạnh ‘đối tác’ và ‘hợp tác’ nhằm tránh bị coi là muốn gây sự hoặc khiêu khích và đồng thời tạo ra một bối cảnh để buộc Trung Quốc phải phản ứng một cách hợp tác. Trong khi đó, trên thực tế, trong các cuộc thảo luận riêng, Việt Nam vẫn còn đang chật vật để đạt được điều đó cũng như gặp khó khăn trong quá trình hiện đại hóa quân đội.
VOA: Có ý kiến cho rằng Việt Nam khá mạnh bạo khi lên tiếng về vấn đề biển Đông tại cuộc đối thoại ở Singapore. Bản thân ông thấy sao?
Giáo sư Carl Thayer: Tướng Phùng Quang Thanh đã nêu vấn đề biển Đông bên lề các cuộc thảo luận trước đây. Việt Nam đã sử dụng vị thế chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để nêu lên vấn đề này, nhưng không đạt được sự đồng thuận trong khối về việc thúc đẩy các cuộc thảo luận về tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông tới một Quy tắc ứng xử biển Đông chính thức, và thậm chí là không thể đưa vấn đề biển Đông ra nghị trình của ASEAN. Đối thoại Shangri-La nằm ngoài khuôn khổ của ASEAN và cũng là một cơ hội, một diễn đàn để Việt Nam nêu vấn đề biển Đông tới một lượng thính giả lớn hơn, thay vì chỉ trong ASEAN.
VOA: Theo ông, tuyên bố của Tướng Thanh có phải là một phần trong nỗ lực thúc đẩy việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam?
Giáo sư Carl Thayer: Vấn đề an ninh của tuyến hàng hải qua khu vực biển Đông là mối quan ngại lớn đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và thậm chí là cả Trung Quốc cũng như bất kỳ nước nào sử dụng tuyến đường biển đó. Vậy nên, việc Trung Quốc tăng cường quân sự ở đảo Hải Nam, việc Việt Nam đang hiện đại hóa quân đội hay việc Singapore và Malaysia mua tàu ngầm là những động thái gây quan ngại.
Những hoạt động đó của các nước cũng tạo ra một tình thế là vùng biển lặng thời gian qua bắt đầu dậy sóng. Tình hình này cần phải được giải quyết thông qua vấn đề ngoại giao trước khi nó xấu đi. Những sự việc gần đây liên quan tới hải quân Trung Quốc và Việt Nam là một ví dụ điển hình, cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc. Nhưng hiện có các điều khoản giải quyết vấn đề này một cách hợp tác, thay vì khích động.
VOA: Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói rằng vấn đề biển Đông là ‘lĩnh vực ngày càng gây quan ngại’. Tuyên bố của ông Gates tại một cuộc đối thoại an ninh khu vực như vậy có phải là điều gây ngạc nhiên không, thưa ông?
Giáo sư Carl Thayer: Thực ra năm ngoái vấn đề này đã được nêu lên trong bối cảnh Trung Quốc lên tiếng đe dọa các công ty của Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam phát triển và khai thác nguồn năng lượng ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về việc này.
Ngoài ra còn có vấn đề bất đồng về hoạt động của các tàu quân sự tại khu vực đặc quyền kinh tế của mỗi nước ở biển Đông. Thêm nữa, Trung Quốc đã dội một gáo nước lạnh khi từ chối đối thoại quân sự cấp cao với Hoa Kỳ nhằm phản đối việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan.
Và Bộ trưởng Gates đã thể hiện bằng việc lên tiếng cho rằng đó là điều không hay vì hai bên còn một loạt các vấn đề cần phải trao đổi và hợp tác thảo luận từ Bắc Triều Tiên cho tới các vấn đề mà tôi vừa đề cập.
Nguồn: Bloomberg, U.S. Defense Department, VOA's Interview
Thưa quý vị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hôm Chủ Nhật đã nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh hải biển Đông tại diễn đàn an ninh khu vực có tên gọi Shangri-La ở Singapore, với tuyên bố rằng Hà Nội ‘đang tiến hành các bước đi nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình’. Trong khi đó, cũng tại cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói rằng biển Đông là vấn đề ‘ngày càng gây quan ngại’. VOA Tiếng Việt đã phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer - một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, về các diễn biến mới này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1