Các nhà hoạt động môi trường thúc giục chính phủ chuyển sang dùng năng lượng tái tạo như mặt trời và gió
Chất lượng không khí ở Việt Nam nói chung chưa thể qua mặt Trung Quốc hay Ấn Độ về mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên nạn ô nhiễm ở Việt Nam đã tới mức tệ hại và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Việt Nam sẽ phải trả một cái giá vì không khí nhiễm độc – dù là tiền để nâng cấp lên nhiên liệu sạch hơn hoặc để giải quyết các vấn đề về sức khỏe mà người dân gặp phải vì không khí bị ô nhiễm.
Chuyên gia về kinh tế học môi trường Lê Việt Phú nói không sớm thì muộn, Việt Nam cũng sẽ phải trả giá.
Giáo sư giảng dạy kinh tế học môi trường của Đại học Fulbright ở TPHCM kêu gọi người dân Việt Nam hãy có cái nhìn lâu dài và chi nhiều tiền hơn cho năng lượng sạch, mặc dù ban đầu nó có thể tốn kém. Các dữ liệu thống kê của lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể là một lời cảnh tỉnh đối với họ. Thống kê cho thấy Việt Nam giờ đã gia nhập nhóm 10 nước bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới.
Đánh giá chất lượng không khí của lãnh sự quán Mỹ đã trở thành một tài liệu tham khảo hàng ngày cho người dân ở đây kể từ khi thiết bị giám sát này được lắp đặt vào năm 2015, cùng với một thiết bị tương tự được đặt tại đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
"Việt Nam phát triển rất nhanh trong 10 năm qua vì giá năng lượng thấp", giảng viên của Đại học Fulbright Việt Nam cho biết.
Vấn đề
Việt Nam đã qua một chặng đường dài để có được những phát triển kinh tế sau chiến tranh, nhưng một số người đang dừng lại để xem xét những cái giá đã trả cho thời kỳ đó. Tổng sản phẩm quốc nội tăng lên 6-7% mỗi năm. Trong khi đó, tần suất của những ngày mà không khí ở TP Hồ Chí Minh được coi là không lành mạnh đối với các nhóm nhạy cảm đã tăng gấp đôi so với hai năm trước đây.
Đáng sợ hơn, 66.300 người Việt Nam đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến không khí ô nhiễm trong năm 2013, theo Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Mary Tarnowka, trích dẫn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Bà Tarnowka nói: "Gia đình tôi sống ở Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều năm, chúng tôi hiểu chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em vì phổi của chúng vẫn đang phát triển."
Việc các trường học tạm đóng cửa trong một vài giờ hoặc thậm chí cả một ngày để bảo vệ học sinh chống ô nhiễm không khí không phải là chuyện hiếm thấy. Ở nhà và tại văn phòng, bàn và kệ phải được lau hàng ngày vì bụi bám.
Chuyên gia Lê Việt Phú nói nạn ô nhiễm công nghiệp đặc biệt nghiêm trọng bên ngoài các trung tâm đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng bên trong các thành phố, 90% lượng khí phát thải đều đến từ giao thông.
Giải pháp
Đó là lý do tại sao một số người đề nghị những người lái xe máy phải được yêu cầu kiểm tra thường xuyên khí phát thải.
Việt Nam đã cân nhắc một số sự chọn lựa khác để giảm ô nhiễm do tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Việt Nam đã đề xuất tăng thuế nhiên liệu, nhưng vẫn chưa làm được điều này vì vấp phải phản đối từ công chúng. Chính quyền thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã giành nhiều năm để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nhằm khuyến khích mọi người bớt dùng phương tiện cá nhân, nhưng ngày giờ hệ thống tàu điện bắt đầu hoạt động cứ liên tục bị hoãn lại, vì thiếu hụt ngân sách.
Theo đánh giá của CHANGE, một nhóm môi trường Việt Nam, sẽ có thay đổi lớn nếu Việt Nam chuyển từ sử dụng năng lượng từ than sang năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng thay thế khác. Giám đốc CHANGE, Hoàng Thị Minh Hồng, cho biết thực hiện việc này sẽ giúp Việt Nam giữ cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
"Tôi hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh, với lợi thế về địa lý và khí hậu, cùng với tiềm lực kinh tế, công nghệ và con người, cũng như tư duy cởi mở của cả chính phủ và nhân dân, sẽ là người tiên phong trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở đất nước này," bà Hồng nói.
Mức ô nhiễm ở Việt Nam chưa lên tới mức ngang hàng với các nước lớn trong khu vực châu Á, và các nhà môi trường đang hy vọng là hãy còn thời gian để đảm bảo Việt Nam không rơi vào tình trạng ô nhiễm tương tự.