Đường dẫn truy cập

Đã đến lúc Việt Nam phải tuyên chiến với bụi khói


Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Phạm Phan Long (PE)


Giới thiệu

Ô nhiễm không khí là một trong nhưng vấn nạn môi trường lớn nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, công chúng có vẻ chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, dù họ rất quan tâm, do thiếu thông tin định lượng. Chỉ số Phẩm chất Không khí (Air Quality Index -- AQI), như tên gọi, là một chỉ số phản ảnh phẩm chất không khí trong môi trường, được các nhà khoa học môi trường trên thế giới sử dụng để đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí. Một cách để hiểu AQI là qua định lượng ô nhiễm không khí với lượng thuốc lá tiêu thụ, số tuổi thọ sụt giảm và số người tử vong hàng năm. Bài viết này sẽ giải thích ý nghĩa của AQI, và chỉ ra tác hại của ô nhiễm không khí lên sức khỏe công chúng đặc biệt tại Hà Nội và Sài Gòn.

Người viết dùng các phép đối chiếu trình bày trên Viet Ecology Foundation và dữ kiện quan trắc phẩm lượng không khí tiêu biểu của Đại Sứ quán Hoa Kỳ tính ra, trung bình 16 triệu dân số Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày thở bụi khói tương đương với hút 26,5 triệu điếu thuốc, họ mất gần 18 triệu năm quãng đời người. Trung bình họ thọ 76 tuổi, ô nhiễm bụi khói có thế xem như sát thủ thầm lặng cướp đi 236.000 mạng người ở hai đô thị này.

Mẹ và con đều đeo khẩu trang ở Việt Nam (ảnh Lê Phát Quới)
Mẹ và con đều đeo khẩu trang ở Việt Nam (ảnh Lê Phát Quới)

Vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội và bài học Bắc Kinh

Nhiều thập niên qua, các thành phố lớn Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí. Mỗi năm có đến 1,6 triệu người Hoa tử vong vì hít thở bụi khói [1]. Đến năm 2014 Chính phủ TT Lý Khắc Cường phát động kế hoạch đầu tư 120 tỉ USD vào công cuộc chống bụi khói, tương đương với công cuộc chống nghèo đói [2]. Và sau bốn năm họ đã đạt được những thành quả tích cực bước đầu, với bụi khói trong các thành phố lớn đã đã giảm 1/3 và TQ nay đã dẫn đầu thế giới về công nghệ và công suất năng lượng tái tạo. Trong khi đó, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng dần và đang ở mức độ nguy hiểm. Ngày 5 tháng 10, 2016, chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội nhất thời đã vượt cao hơn cả Thành Đô và Bắc Kinh, và khi đó Hà Nội bị xếp là thành phố ô nhiễm không khí thứ hai toàn cầu, chỉ sau Ardialia Bazar, Ấn Độ [3]. Nồng độ trung bình năm PM 2.5 của Hà Nội đã tăng lên 42 µg/m3 đã gần bắt kịp trung bình năm của 338 đô thị Trung Quốc, họ đã hạ xuống 47 µg/m3.

Bụi khói phát nguồn từ đâu?

Theo báo cáo tình trạng môi trường không khí năm 2010 của TS Hoàng Dương Tùng, Bộ Giao thông Thông Vận tải, bụi khói thải ra từ nhiều nhất là từ công nghiệp trong đó có nhiệt điện (40%), dân dụng than dầu khí (33%) và giao thông vận tải 22% [4]. Công nghiệp vì có nhiệt điện là thủ phạm đã phát tán ô nhiễm nhiều nhất; trong tương lại nếu Quy hoạch Điện VII không cắt giảm 40 GW dự án điện than mới, khí thải nhiệt điện than sẽ tăng gấp 5 lần.

Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng 2010 (Viện Năng lượng, Bộ Công thương)
Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng 2010 (Viện Năng lượng, Bộ Công thương)
Cảnh tắc đường ở Hà Nội
Cảnh tắc đường ở Hà Nội

Bụi khói PM 2.5 nguy hiểm ra sao?

Ô nhiễm không khí là một sát thủ thầm lặng và toàn diện, silent mass killer vì không chừa bỏ một nạn nhân nào. Không phải tìm mới hút vào người như thuốc lá, bụi khói xâm nhập buồng phổi suốt 24 giờ không ai từ chối không hít thở được. Bụi khói nguy hiểm vì hầu như các khẩu trang không lọc ra được dù thường có quảng cáo N95. Loại 3M N95 được National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH) của Hoa Kỳ chứng nhận là đã có thử nhiệm và xác nhận có hiệu quả.

Ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu khoa học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 μg/m3, bằng 3% đường kính sợi tóc. Bụi mịn trong bài này người viết gọi là bụi khói vì nhỏ nhẹ như khói và lơ lửng lâu trong không khí. Bụi khói PM2.5 phải dùng kính hiển vi điện tử, electron microscope mới nhìn thấy được. Vì quá nhỏ bụi khói PM2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí vào cả tim mạch. Bụi khói khó lắng tan đi một khi phát tán ra không khí. Theo thí nghiệm của Sample và Latif báo cáo năm 2014 trên Oxford University Press, khói thuốc lá trong nhà phải 50 phút sau mới lắng giảm 50% và 160 phút sau mới đạt được tiêu chuẩn an toàn. [5]

Theo báo cáo của Pope et al, Brigham Young University trên Journal of American Medical Asociation, khi nồng độ bụi khói PM2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các bệnh tăng theo lên 4%, riêng bệnh tim 6% và ung thư phổi 8%. [6]

Theo nghiên cứu của TS Lê Việt Phú, Fullbright University, hàng năm Việt Nam có khoảng 40.000 chết do ô nhiễm không khí với thiệt hại kinh tế 12 tỉ ÚD, và đến năm 2035, số người chết vì ô nhiễm sẽ tăng lên 100.000.[7]

Số người chết yểu vì ô nhiễm không khí (Nguồn: ES&T)
Số người chết yểu vì ô nhiễm không khí (Nguồn: ES&T)

Theo báo cáo của TS Shannon Korpiz và cộng sự tại Havard University, trên Environmental Science (dựa theo Quy hoạch Điện VII hiện nay) Việt Nam sẽ có số tử vong vì ô nhiễm bụi khói điện than nhiều hơn gấp đôi Trung Quốc dù dân số Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam 15 lần [8]. Như thế, người dân Việt Nam sẽ gánh độ rủi ro từ điện than 30 lần cao hơn dân Trung Quốc.

AQI, Air Quality Index là gì?

AQI, Chỉ số Phẩm chất Không khí (Air Quality Index -- AQI), là một chỉ số khoa học cho phẩm chất không khí. AQI là hệ thống tiêu chuẩn quy chiếu do US EPA thiết lập từ 1999 để tất cả các cơ quan môi trường Hoa Kỳ áp dụng và sau lan rộng ra thế giới [9]. Hệ thống AQI dựa vào hai thang điểm chủ chốt, AQI 100 của mỗi chất ngang với nồng độ Tiêu chuẩn Không khí Bình thường, NAAQS (National Ambient Air Quality Standard) [10] và AQI 500 ngang với nồng độ Tiêu chuẩn Nguy hại Cao, SHL (Significant Harm Level) [11]. Khi dùng AQI thảo luận cần ghi nhận cơ sở của chúng dựa vào tiêu chuẩn Hoa Kỳ theo Hình 5 sau đây.

Các chỉ số quy chiếu cho AQI của các loại ô nhiễm không khí.
Các chỉ số quy chiếu cho AQI của các loại ô nhiễm không khí.

​Từ đó, các chất ô nhiễm khác nhau có thể quy về cùng một hệ thống. AQI như thế không phải phẩm lượng ô nhiễm đo trực tiếp được mà là ảo số tính ra từ nồng độ, NAAQ và SHL riêng của mỗi chất ô nhiễm.

Tính toán và ý nghiã AQI như thế khá phức tạp và xa lạ với cư dân Việt Nam, do đó việc tìm cách đối chiếu AQI sang những đơn vị dễ hiểu hơn qua định lượng ô nhiễm không khí với lượng thuốc lá tiêu thụ, số tuổi thọ sụt giảm và số người tử vong hàng năm là mục tiêu của bài này.

Bảng đối chiếu các chỉ số phẩm lượng không khí

Người viết thiết lập ra Bảng Đối chiếu sau đây cho Chỉ số Bụi khói Không khí AQI PM 2.5 ra số điếu thuốc hút tương đương vào phổi hàng ngày, số năm sụt giảm tuổi thọ và số tử vong, theo phép tính của US EPA [12], nghiên cứu thống kê của Berkeley Earth [13] và số liệu của University of Chicago [14] (phương giải thích trong Phụ Lục Viet Ecology Foundation).

Tuy cư dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố, họ có lẽ không ngờ khẩu trang tuy giúp lọc bụi nhưng bui khói mịn 2,5 micrometer PM2.5 vẫn xâm nhập vào buồng phổi họ được.
Tuy cư dân mang khẩu trang khi đi trên đường phố, họ có lẽ không ngờ khẩu trang tuy giúp lọc bụi nhưng bui khói mịn 2,5 micrometer PM2.5 vẫn xâm nhập vào buồng phổi họ được.
bảng đối chiếu các chỉ số ô nhiễm bụi khói PM 2.5
bảng đối chiếu các chỉ số ô nhiễm bụi khói PM 2.5

Từ bảng đối chiếu trên ta có thể khảo sát thống kê quan trắc ô nhiễm cho bất cứ thành phố nào nếu có khối thống kê đủ lớn và ý nghĩa. Bảng ngang đối chiếu sang số điếu thuốc lá và bảng dọc thêm mức giảm tuổi thọ và tử vong.

Khảo sát tình trạng và tác động bụi khói Hà Nội và Sài Gòn 2016 -2017

Chỉ số AQI cho ta phẩm chất không khí theo khoa học nhưng chúng xa lạ và khó hiểu đối với cư dân sống ở Hà Nội và Sài Gòn, họ muốn biết qua các định lượng dễ hiểu như rủi ro tương đương với hút bao nhiêu điếu thuốc lá, tuổi thọ mất bao nhiêu năm và hàng năm thiệt mạng mất bao nhiêu người.

Không nhưng thế, AQI chỉ cung cấp cho họ các thông tin cấp thời trung bình giờ nên AQI có giá trị ngắn hạn và không phản ảnh tác động dài hạn tích lũy tự nhiên của ô nhiễm không khí. Do đó, người viết đã tính nồng độ PM 2.5 trung bình trong hai năm 2016 và 2017 từ dữ kiện quan trắc từng giờ của Đại sứ quán Hoa Kỳ cung cấp, và dựa theo đối chiếu trên để đánh giá tác động bụi khói dài hạn trên cư dân cho Hà Nội Sài Gòn với kết quả sau:

  1. Hà Nội: Trung bình trong hai năm 2016 và 2017, cư dân Hà Nội thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 44 μg/m3 (AQI PM2.5=122), tương đương mỗi người bất kể lớn nhỏ khỏe mạnh hay bệnh tật đều đã hút vào phổi 2 điếu thuốc/ngày (730 điếu/năm), họ mất sớm 2 năm tuổi thọ và có 7478 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói.
  1. Sài Gòn: Trung bình trong hai năm 2016 và 2017, cư dân Sai Gòn thở bụi khí PM2.5 ở nồng độ 28 μg/m3 (AQI PM2.5= 85), tương đương mỗi người bất kể lớn nhỏ khỏe mạnh hay bệnh tật đã hút vào phổi 1,27 điếu thuốc/ngày (465 điếu/năm), họ mất sớm 4 tháng tuổi thọ và 4757 người thiệt mạng hàng năm vì bụi khói.

Như thế bụi khói mịn PM 2.5 đang át hại thầm lặng cư dân nhiều cách, sớm cướp mất đi 4 tháng (SG) đến 2 năm (HN) tuổi thọ hay 15 triệu năm (man-year) quãng đời của dân sống ở Hà Nội và 2,7 triệu năm quãng đời dân sống ở Sài Gòn. Người Việt trung bình thọ 76 tuổi, ô nhiễm bụi khói xem như thủ phạm gây ra 236.000 nhân mạng ở hai đô thị này.

Lưu ý: Kết quả trên tính ra trên khối số liệu trung bình giờ suốt trong hai năm 2016 và 2017, từ hai trạm quan trắc không khí của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon do chính họ cung cấp. Phương pháp đối chiếu là ước tính ở cấp một (first order estimate) nên giá trị kết quả kể trên chỉ nên xem là tượng trưng, độ tin cậy còn phải kiểm soát vì trong bài này mỗi đô thị chỉ dựa vào được số liệu của một trạm quan trắc mà thôi.

Trong những ngày cuối tuần trong mùa Tết vừa qua, AQI PM 2.5 Hà Nội đã dao động trong khoảng 174 đến 250. Các bạn thử nghĩ xem, trung bình mỗi người dân ở Hà Nội đã thở vào phổi 8 đến 18 điếu thuốc, một cái Tết Bắc Kinh đến thế nào?

Kết luận

Tại hai đô thị lớn nhất ở Việt Nam, bụi khói PM 2.5, dựa vào dữ liệu hai trạm quan trắc của Hoa Kỳ tại Việt Nam như tiêu biểu cho cả thành phố Hài Nội và Sài Gòn đối chiếu ra, trong hai năm qua, ta có thể ước lượng bụi khói đã gây ra 13,000 tử vong hàng năm, âm thầm cướp sớm 18 triệu năm tuổi thọ của cư dân mỗi thế hệ, tương đương với 236.000 nhân mạng Hà Nội và Sài Gòn. Tuy cần có thêm dữ kiện quan trắc ở nhiều trạm nữa để kiểm chứng, ta phải xem ô nhiễm không khí là một sát thủ đang công khai tấn công đồng loạt vào buồng phổi tất cả cư dân.

Các nhà khoa học khoa học tin cậy trong và ngoài nước đã báo cáo, hàng năm tử vong sớm trên cả nước vì ô nhiễm không khí đã lên đến 40.000 người và gây ta thiệt hại GDP kinh tế trên 12 tỉ USD, nếu không đối phó ngay từ giờ, tử vong và tổn thất kinh tế sẽ tăng nhanh trong hai thập niên tới. Riêng ô nhiễm từ điện than, người Việt Nam sẽ gánh chịu 30 lần nhiều rủi ro hơn cả người Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần tuyên chiến với ô nhiễm bụi khói ngay bây giờ không thể đợi chờ được nữa.

Phạm Phan Long, PE

Viet Ecology Foundation

XS
SM
MD
LG