Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘cầu cứu’ Trung Quốc


Tại vùng đồng bằng sông Cửu long, hạn hán gây ra tình trạng ngập mặn, gây thiệt hại cho mùa màng và làm tăng độ mặn của nguồn cung cấp nước sinh hoạt.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu long, hạn hán gây ra tình trạng ngập mặn, gây thiệt hại cho mùa màng và làm tăng độ mặn của nguồn cung cấp nước sinh hoạt.

Việt Nam "cầu viện" Trung Quốc xả nước giúp chống hạn hán nghiêm trọng ở miền Tây, trong khi có ý kiến cho rằng "bom nước từ hồ đập Trung Quốc có thể nhấn chìm Đồng bằng sông Cửu Long".

Chính quyền Hà Nội mới cho biết đã “đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mekong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam".

Các nguồn tin ở Việt Nam cho biết tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây được coi là “nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, và đang gây thiệt hại nặng nề”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp gắn bó nhiều năm với hạ lưu sông Mekong, nói thêm với VOA Việt Ngữ:

“Do cái hạn nó quá gay gắt rồi cả hệ thống sông Cửu Long (Mekong) thiếu nước, từ mấy đập của Trung Quốc tới Thái Lan, cho nên nước mặn vào sâu hơn. Lúa dưới đó đã gần chết hết rồi. Cả nhiều năm nay chưa có cái hạn hán nào mà gay gắt như thế”.

Báo chí trong nước dẫn lời các quan chức cho biết hàng trăm nghìn hecta lúa đông xuân trong số 1,5 triệu hecta lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi hàng chục nghìn hecta lúa đã chết.

Chính quyền được trích lời nói rằng việc chống hạn, mặn cho vùng này là “vấn đề sống còn” vì đây là “vựa lương thực”, được coi là “chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây và hơn 60% thủy sản của cả nước”.

Về đề nghị “cứu hạn” của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 14/3 cho hay rằng “Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 4/4".

Tuy nhiên hôm 15/3, chưa rõ là Bắc Kinh đã thực hiện lời hứa với Việt Nam hay chưa. Cả truyền thông Việt Nam lẫn Trung Quốc không thấy đề cập gì tới vấn đề này.

Không có ăn thua gì đâu. ‘Ông’ ở xa tít mù bên kia làm sao mà có ảnh hưởng gì dưới này. Với lại tôi nghĩ rằng trên mấy cái đập bên đó cũng đang thiếu nước. Năm 2005 cũng có nạn hạn hán rất nặng, rồi tới qua năm 2010 cũng thế. Năm 2015, năm ngoái cũng có hạn, và bây giờ gay gắt hơn. Trong những lúc như thế này, mình ở dưới này hạn thì trên kia cũng hạn luôn.
Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Về lời kêu gọi của Hà Nội tới Trung Quốc, giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định thêm với VOA tiếng Việt:

“Không có ăn thua gì đâu. ‘Ông’ ở xa tít mù bên kia làm sao mà có ảnh hưởng gì dưới này. Với lại tôi nghĩ rằng trên mấy cái đập bên đó cũng đang thiếu nước. Năm 2005 cũng có nạn hạn hán rất nặng, rồi tới qua năm 2010 cũng thế. Năm 2015, năm ngoái cũng có hạn, và bây giờ gay gắt hơn. Trong những lúc như thế này, mình ở dưới này hạn thì trên kia cũng hạn luôn. Cái hạn năm nay là do từ năm ngoái kéo qua. Hiện tượng El Nino rất là gay gắt. Đương nhiên, thỉnh thoảng mình cũng có cái thiên tai này, thiên tai kia, rất là gay gắt. Bây giờ biến đổi khí hậu biến hóa vô chừng. Thiên tai do con người gây ra rất nhiều. Giờ mình phải chịu. Đâu có làm gì được”.

Theo tổ chức có tên gọi Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), cho tới nay, Trung Quốc đã xây 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, và dự kiến sẽ xây thêm 21 đập nữa trong tương lai.

Ngoài ra, tin cho hay, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trong nhiều công trình xây dựng đập thủy điện trên hạ lưu chảy qua một số nước Đông Nam Á.

Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở thủ đô Washington, Mỹ, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng “vấn đề Mekong có thể gây bất ổn chính trị và căng thẳng khu vực”.

Học giả này cho rằng “Trung Quốc nhìn nhận Mekong như là dòng sông riêng của nước này, và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”.

Trung Quốc nhìn nhận Mekong như là dòng sông riêng của nước này, và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.
Tiến sĩ Richard Cronin.

Ông Cronin nói: “Vị thế ở thượng nguồn đã giúp nước này thu về các lợi ích cơ bản từ việc khai thác dòng sông Mekong, nhất là về thủy điện, trong khi hậu quả từ việc làm của Trung Quốc thì các nước ở hạ lưu lại phải gánh chịu”.

Trả lời về việc các quan chức Trung Quốc từng nói rằng tình trạng khô hạn và các vấn đề ở hạ lưu không phải do những con đập của Trung Quốc gây ra mà vì tình trạng biến đổi khí hậu, ông Cronin nói rằng khó có thể xác minh điều này vì “người Trung Quốc không cho các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong biết về hoạt động của các con đập cũng như hồ thủy điện của họ”.

Ông nói: “Họ không cho biết là họ có xả toàn bộ nước, hay vẫn còn lưu giữ nước ở các hồ chứa. Bắc Kinh cũng không công bố các kết quả nghiên cứu về thủy học hay lưu lượng nước. Nói chung, họ không cho thấy sự minh bạch về vấn đề này”.

Trong khi chính quyền Việt Nam kêu gọi Trung Quốc tăng cường xả nước để “cứu” đồng bằng sông Cửu Long, một số tờ báo trong nước trích lời chuyên gia nói rằng “bom nước từ hồ đập Trung Quốc có thể nhấn chìm” vựa lúa của Việt Nam này.

Tờ Dân Việt viết: “Nhiều chuyên gia lo ngại, những cái đập không khác gì những quả ‘bom nước’ khổng lồ lơ lửng trên đầu hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xây hàng loạt đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ nếu vỡ đập”.

Tuy nhiên, Giáo sư Xuân phản bác lo ngại này, cho rằng “mấy cha này chỉ nói mò”.

Cập nhật lúc 10h30 phút tối (giờ Hà Nội) ngày 15/3: Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc và các nước dọc sông Mekong là “các quốc gia láng giềng thân thiện”.

Ông Lục nói tiếp: “Người dân các nước này uống nước cùng một dòng sông, nên cảm thấy phải có nghĩa vụ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Chúng tôi đã nắm được thông tin về hạn hán tại các nước trên dòng sông này kể từ cuối năm 2015 vì hệ quả của hiện tượng El Nino, đặc biệt gần đây, khi tình hình hạn hán ngày càng tồi tệ, gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống của người dân ở Đồng bằng sông Mekong”.

“Trong tình thế như vậy”, ông này nói, “chính phủ Trung Quốc đã quyết định vượt qua khó khăn riêng của mình và sẽ làm hết sức để giúp các nước láng giềng. Trung Quốc đã quyết định mở các cửa xả lũ tại đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 tới ngày 10/4 để đưa nước xuống hạ nguồn với hy vọng giúp giảm bớt nạn hạn hán ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”.

Truyền hình vệ tinh VOA 15/3/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG