Việt Nam nằm trong số 3 nước châu Á có thể nhận được nguồn tài chính mới để chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khuôn khổ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu do Nhóm Bảy nền dân chủ giàu có nhất (G-7) vừa tái khởi động.
Theo ghi nhận của Nikkei Asia hôm 27/6, kế hoạch này nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ngoài Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia là hai quốc gia khác ở châu Á cũng có thể nhận được gói hỗ trợ tài chính từ sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của nhóm G-7.
“Trong nỗ lực chung với các đối tác G-7, chúng tôi đang hợp tác để hướng đến các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) bổ sung với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam”, Nikkei dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 đang diễn ra tại Elmau ở Đức.
JETP là một phần trong chương trình Đối tác Đầu tư Cơ sở Hạ tầng (PGII) được nhóm G-7 khởi động tại thượng đỉnh ở Anh hồi năm ngoái. Tại cuộc họp năm nay ở Đức, các lãnh đạo của nhóm chính thức đưa ra chi tiết cho kế hoạch nhằm huy động được 600 tỷ USD vào năm 2027 để tài trợ cho các nước đang phát triển trong một động thái được xem là để đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tại buổi ra mắt bên lề hội nghị ở Đức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ ra rằng “sự phát triển của cơ sở hạ tầng chất lượng cũng rất quan trọng đối với việc thực hiện hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một chiến lược mà Mỹ và các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương đang tiến hành nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhóm G-7 đang hợp tác với Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia để hướng tới các quan hệ đối tác, trong đó sẽ cung cấp tài chính để hỗ trợ quá trình khử carbon và hướng tới nguồn năng lượng sạch, theo Nikkei.
Việt Nam không được mời tham dự thượng đỉnh G-7 ở Đức như Ấn Độ, Indonesia và Senegal với tư cách là các nước đối tác nhưng, theo Politico, các nước phương Tây đang trong quá trình đàm phán với Việt Nam về kế hoạch cấp hàng tỷ USD để thúc đẩy hơn nữa sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch ở quốc gia Đông Nam Á.
Ngay trước khi thượng đỉnh khai mạc hôm 27/6, các tổ chức xã hội dân sự đã gây áp lực lên các quan chức Mỹ và châu Âu để yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động vì môi trường đang bị giam giữ ở Việt Nam để đổi lấy việc hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi này, theo Politico.
Trước đó 10 ngày, Việt Nam đưa ra xét xử nhà hoạt động môi trường nổi bật nhất trong nước, Ngụy Thị Khanh, và tuyên bản án hai năm tù cho bà với cáo buộc “trốn thuế”, một tội danh mà chính quyền cũng dùng để kết án những người hoạt động môi trường trước đó.
Bà Khanh được Quỹ Môi trường Goldman trao giải vào năm 2018 vì những đóng góp của bà để giúp Việt nam giảm sự phụ thuộc vào than đá. Trong khi đó Việt Nam đang được Mỹ, Anh và các chính phủ châu Âu nhắm tới như một trong những nền kinh tế mới nổi từ bỏ than đá và xây dựng nhiều năng lượng tái tạo hơn trong thỏa thuận JETP, có vốn cam kết ban đầu là 8,5 tỷ USD.
Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc tại hội nghị khí hậu COP26 ở Glassgow hồi năm ngoái là sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và nhắm mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cả Mỹ và liên minh châu Âu đều công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Khanh. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phủ nhận việc bà Khanh bị bỏ tù vì nêu vấn đề biến đổi khí hậu.
Diễn đàn