Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm 18/8 trong một cuộc họp tại trụ sở của chính phủ rằng việc phòng, chống dịch “vẫn chưa đạt như mong muốn” một phần vì “người dân còn chủ quan, lơ là”, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam và các báo Tin Tức, Tuổi Trẻ.
Nhận xét kể trên dẫn đến một số phản ứng bất bình trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Bình luận về ý kiến của Thủ tướng Chính, giáo sư Mạc Văn Trang nói với VOA rằng “Đổ lỗi cho người dân là không đúng”.
Báo chí nhà nước Việt Nam cho biết Thủ tướng Chính và các quan chức chủ chốt của chính phủ họp hôm 18/8 với Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo đời sống cho nhân dân trong điều kiện dịch bệnh.
Trong cuộc họp, phía Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc kiến nghị chính phủ có động thái để dẫn đến việc giảm giá điện, nước, xăng dầu, khí đốt, cước viễn thông..., góp phần hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh; bên cạnh đó là tháo gỡ thủ tục để những người bị mất việc hoặc bị gián đoạn công việc có thể nhanh chóng nhận tiền cứu trợ theo các gói hỗ trợ của nhà nước; và cũng rất quan trọng là đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân ở các tỉnh, thành phố đang bị dịch bệnh nặng.
Thủ tướng Chính ghi nhận các ý kiến “có chất lượng, sát thực tế” của các đại biểu dự cuộc họp và yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu, xem xét, báo chí Việt Nam thuật lại.
Đánh giá về dịch COVID-19, thủ tướng của Việt Nam nói tình hình hiện nay “còn rất nghiêm trọng”.
Bản tin của Bộ Y tế nói đến chiều tối 19/8, Việt Nam có tổng cộng hơn 312.000 ca nhiễm kể từ đầu đại dịch, trong đó có 7.150 ca tử vong.
... người ta đã đói không có gì ăn thì làm sao được. Cái lỗi đó chính là ở chính quyền. Chính quyền bối rối nên đưa ra những chủ trương nó ngược ... Tôi nghĩ đổ tại người dân là không đúng. Cái này chính quyền phải xem lạiGiáo sư Mạc Văn Trang
Thủ tướng Chính đưa ra nhận định rằng “việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam một phần do có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”, theo báo chí trong nước.
Về vai trò của phía các cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính cho rằng “công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm” và “sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cấp có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ”.
Cùng ngày 18/8, báo điện tử VnExpress trích dẫn ý kiến một số chuyên gia nói rằng số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở Tp.HCM là do “người dân chưa triệt để tuân thủ giãn cách”.
Những người được VnExpress trích lời bao gồm bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Điều trị Covid-19; bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1; bác sĩ Calvin Q Trinh, Bệnh viện 1A; phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Theo quan sát của VOA, có những người bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội về những nhận xét do Thủ tướng Chính và bài báo của VnExpress đưa ra.
Trong số những người đó, hai Facebooker Nguyễn Đình Bổn và Ngô Nguyệt Hữu có tổng cộng hàng trăng ngàn người theo dõi cho rằng dịch dã tràn lan, người dân đói kém mới phải liều mình, nếu nhà nước lo cho dân đủ sống, không ai ra đường làm gì, vì vậy, chính quyền cần phải nhìn nhận cái yếu kém của mình thay vì đổ lỗi cho dân.
Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện sống ở Tp.HCM, có chung quan điểm rằng không nên quy lỗi cho người dân.
Ông Trang phân tích với VOA rằng công tác phòng, chống dịch của thành phố trong hơn 1 tháng rưỡi cho thấy họ máy móc về giãn cách xã hội, ngăn sông cấm chợ gây ra hỗn loạn, bức xúc trong nhân dân.
Chính quyền cũng đã làm ngược đời khi không chuẩn bị trước về hỗ trợ, cứu trợ cho những người khó khăn, không có thu nhập nên khi áp dụng lệnh giãn cách từ ngày 2-15/8, nhiều người dân không thể cầm cự và hốt hoảng sơ tán khỏi thành phố, giáo sư Trang nói.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Trang, chính quyền không rút kinh nghiệm, do đó khi họ tuyên bố tiếp tục giãn cách từ 15/8-15/9, họ đã gây ra cơn hoảng loạn lần hai cho những người đã cố trụ qua đợt giãn cách lần trước nhưng giờ không thể tiếp tục cố nữa. Ông Trang nói:
“Thực ra đó là thiết quân luật, người ta đã đói không có gì ăn thì làm sao được. Cái lỗi đó chính là ở chính quyền. Chính quyền bối rối nên đưa ra những chủ trương nó ngược. Đáng lẽ khi tuyên bố có những giãn cách như thế thì đồng thời phải có hỗ trợ ngay thì người dân sẽ yên tâm. Ở đây lại giãn cách trước, 2 tháng không có gì cả, người ta hết tất cả các nguồn lực rồi, cho nên nhiều tình cảnh rất là thương tâm. Tôi nghĩ đổ tại người dân là không đúng. Cái này chính quyền phải xem lại”.
Giáo sư Trang cũng chỉ ra một thực tế rằng những tiếng nói phản biện, chỉ trích của người dân và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đối với các chính sách và hành động của chính quyền về phòng, chống dịch và lo an sinh cho người dân đang mang lại kết quả.
Theo giáo sư, tuy còn chậm nhưng chính quyền đã và sẽ khắc phục, thay đổi. Một ví dụ có thể thấy được là việc chính quyền Tp.HCM giờ đây giúp vô điều kiện cho những người dân thiếu đói thay vì đòi hỏi họ phải có xác nhận về thất nghiệp hay phải có hộ khẩu, chứng nhận tạm trú, v.v…, ông Trang nói.
Báo chí Việt Nam tường thuật hôm 18/8 rằng Tp.HCM sẽ hỗ trợ cho tất cả những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. “Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu” và dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ “1 triệu đồng và 10 kg gạo”, các báo cho biết.
Cũng ngày 18/8, chính quyền Tp.HCM gửi văn bản tới chính phủ trung ương kiến nghị hỗ trợ cho thành phố gần 28 nghìn tỉ đồng và hơn 142 nghìn tấn gạo nhằm hỗ trợ hơn 4,7 triệu người lao động nghèo trong thời gian thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, các bản tin trong nước cho hay.