Đường dẫn truy cập

Việt Nam dừng phun khử khuẩn sau khi đã chi nhiều tiền cho việc này


Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo các tỉnh, thành không phun khử khuẩn ngoài trời, 2/8/2021.
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo các tỉnh, thành không phun khử khuẩn ngoài trời, 2/8/2021.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 2/8 khuyến cáo các tỉnh không phun khử khuẩn ngoài trời và không phun vào người, theo trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam.

Trang Thông tin Chính phủ nói Bộ Y tế gửi văn bản đề nghị các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương “Không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt virus SARS-CoV-2 tại khu vực ngoài trời”.

Việt Nam lâu nay vẫn sử dụng tên chính thức SARS-CoV-2 để nói về virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19.

Một điều nữa Bộ Y tế nhấn mạnh với chính quyền các tỉnh, thành là “Không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất”.

Công văn của bộ cũng lưu ý rằng việc phun khử khuẩn “chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng”.

Nêu lý do cho khuyến cáo mới này, Bộ Y tế dẫn lại nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho rằng việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời thực ra “kém hiệu quả” vì những nơi như đường phố, vỉa hè “không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2”.

WHO và CDC cũng cho rằng việc phun chất diệt khuẩn ngoài trời “có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun”, vẫn theo trích dẫn của Bộ Y tế Việt Nam.

“Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun diệt khuẩn ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch”, bộ nói trong công văn gửi các địa phương.

Như VOA đã đưa tin, từ khi dịch COVID-19 lây lan ở Việt Nam hồi đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện phun khử khuẩn trên quy mô lớn. Gần đây nhất, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số nơi khác tiến hành việc này.

Báo chí trong nước cho biết trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước chi 21.500 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhưng không nêu rõ số tiền cho việc phun khử khuẩn chiếm bao nhiêu.

Theo quan sát của VOA, từ năm ngoái và đặc biệt là trong vài tuần gần đây, nhiều chuyên gia môi trường hoặc những người có chuyên môn về y tế, trong đó có kỹ sư Đào Nhật Đình, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng ở trong nước, hay bác sĩ Phạm Nguyên Quý ở Nhật, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ ở Mỹ, đều đã lên tiếng cảnh báo rằng việc phun khử khuẩn như vậy là lãng phí, vô ích.

Trên trang Thông tin Chính phủ, trong số 19.000 phản ứng về việc Bộ Y tế đề nghị các địa phương không phu khử khuẩn ngoài trời, có hơn 2.300 biểu tượng mặt cười “Haha”.

Trên mạng xã hội nói chung, nhiều người đề nghị cần phải xác định ai phải chịu trách nhiệm về việc lãng phí số tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng cho việc phun khử khuẩn tràn lan bị xem là “tào lao”, “ngu xuẩn” và “độc hại” cho hàng triệu người dân đã diễn ra trong hơn 1 năm qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG