Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được coi là duy nhất và mạnh nhất ở Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Việt Nam được ra mắt tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa qua ở Hà Nội.
Bản tin ra hôm 6/1 của VietNamNet cho biết mặc dù đã có trong biên chế từ lâu song đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được công khai ra mắt ở Việt Nam hôm 23/12.
Các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud ban đầu được Liên bang Xô Viết phát triển trong thời gian chiến tranh lạnh, theo The National Interest. Sau 6 thập kỷ, các phiên bản của Scud đã được nhân lên trên toàn cầu, hiện diện trong các loại tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cho tới Iran.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI) được VietNamNet trích dẫn, Việt Nam nhận được một số bệ phóng di động cùng hàng chục quả đạn Scud-B vào năm 1981. Scud được Liên Xô xuất khẩu cho rất nhiều quốc gia đồng minh trên khắp thế giới – trong đó có Việt Nam, theo Báo Mới.
Loại tên lửa này chính gốc có tên R-11 (với phiên bản đầu tiên) và R-17 (sau này đổi thành R-300) Elbrus (phiên bản sau). Tuy nhiên cả thế giới vẫn quen gọi với cái tên Scud do NATO đặt cho loại tên lửa này.
Cũng theo SIPRI, vào năm 1998 Việt Nam đã mua từ Triều Tiên hàng chục quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa Tinh 6), một phiên bản sao chép dựa trên nguyên mẫu Scud-C, với tầm bắn lên tới 600km.
Số tên lửa Scud phiên bản B và C được coi là một trong những vũ khí uy lực của lực lượng pháo binh Việt Nam hiện nay. Theo An Ninh Thủ Đô, đến thời điểm này, Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế.
Cũng vào tháng 12 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên công khai hệ thống tên lửa phòng không SPYDER, mà báo chí trong nước gọi là ‘sát thủ’, mua từ Israel. Trong vài năm gần đây, truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin về việc Việt Nam sở hữu tên lửa phòng không SPYDER hiện đại từ Israel nhưng không có bất cứ hình ảnh chính thống nào về các tổ hợp này được công khai.
Việt Nam trong một thập kỷ qua đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh trong khu vực. Dữ liệu của SIPRI cho thấy chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng từ 1,3 tỷ USD vào năm 2006 lên 5,5 tỷ USD vào năm 2018, với mức tăng hơn 320%.
Vào tháng 3 năm ngoái, viện nghiên cứu SIPRI cũng đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga, theo CNN. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm 2018 nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.