Các tàu ngầm lớp Kilo mua lại từ Nga sẽ sớm giúp Việt Nam ngăn cản các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.
Reuters ngày 8/9 dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng các hợp đồng Hà Nội ký kết từ năm 2009 mua võ khí của Moscow sẽ khiến Trung Quốc phải suy đi tính lại trong chính sách lấn lướt chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Đông.
Việt Nam hiện đã tậu về 2 tàu ngầm diesel-điện của Nga và chiếc thứ ba sẽ được bàn giao tiếp vào tháng 11 tới đây theo hợp đồng trị giá 2,6 tỉ đô la mà theo đó từ đây đến năm 2016, Việt Nam sẽ sở hữu tổng cộng 6 tàu ngầm do Nga sản xuất.
Các tàu ngầm này là một phần nỗ lực tăng cường năng lực hải quân và khả năng quốc phòng để bảo vệ chủ quyền giữa căng thẳng Biển Đông.
Theo Reuters, hai chiếc tàu ngầm đầu tiên đang được dùng trong công tác huấn luyện gần Vịnh Cam Ranh, nơi từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, và các sĩ quan Nga đang đóng tại một trung tâm huấn luyện mới do Nga xây dựng tại Cam Ranh.
Các chuyên gia về tàu ngầm cho rằng Cam Ranh, cảng lớn gần nhất với Trường Sa về phía Nam và cũng không xa Hoàng Sa, là địa điểm tốt nhất cho các chiếc tàu lớp Kilo này. Trong khi đa phần Biển Đông khá cạn khó cho công tác vận hành tàu ngầm thì Cam Ranh gần với một số khu vực nước sâu ngoài khơi sát thềm lục địa Việt Nam.
Hãng thông tấn Interfax của Nga cho hay Việt Nam cũng đã gửi lính hải quân sang St.Petersburg để được đào tạo cách vận hành chiếc thứ ba trước khi chiếc này được giao sang Việt Nam trong hai tháng tới.
Chiếc thứ tư đang được chạy thử ngoài khơi xưởng đóng tàu Admiralty của Nga trong khi 2 chiếc cuối cùng đang được đóng.
Các chuyên gia dự đoán các tàu ngầm thu mua từ Nga sẽ được Việt Nam dùng trong các hoạt động phong tỏa biển, vốn được các nước yếu thế hơn sử dụng để tạo ra lực cản về tâm lý mang ý nghĩa đe dọa hơn là hành động tấn công.
Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam của Singapore được Reuters thuật lời rằng với các tàu ngầm này, đối thủ nặng ký Trung Quốc sẽ không bao giờ biết được vị trí thật sự của chúng ở đâu. Ông nói dù Việt Nam đã quen với lối đánh du kích trước nay, nhưng sự thành công với các tàu ngầm này còn phụ thuộc vào khả năng vận hành của Việt Nam.
Dù chưa rõ Việt Nam sẽ mất bao lâu để có thể sử dụng thành thạo các tàu ngầm tiên tiến này, nhưng các phân tích gia quân sự tin rằng việc Hà Nội điều động các tàu ngầm này ra Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian và dự đoán rằng một khi đi vào vận hành toàn diện, chúng có thể được triển khai xung quanh các căn cứ quân sự của Việt Nam ở chuỗi đảo Trường Sa.
Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định Việt Nam đang thay đổi hiện trạng qua việc mở rộng khả năng quân sự và phát triển võ khí. Vẫn theo lời ông, với Trung Quốc, một lực cản từ Việt Nam đang dần dần trở thành một thực tế.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh Trung Quốc, Zhang Baohui, thuộc Đại học Lĩnh Nam nói ông tin rằng kế hoạch tăng cường hải quân của Việt Nam có thể sẽ là một mối quan ngại đối với Bắc Kinh vì về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể đưa các tàu ngầm này vào sử dụng tác chiến.
Các giới chức quân sự cấp cao của Việt Nam nói với Reuters họ hài lòng với các tiến bộ trong hợp đồng với Nga, đồng thời cho biết công tác huấn luyện trên biển và việc hội nhập các tàu ngầm này vào lực lượng hải quân đang phát triển của Việt Nam đang được tiến hành suôn sẻ.
Giới chức quân sự Việt Nam từ chối xác nhận liệu hai chiếc tàu ngầm đầu tiên đã nhận từ Nga đã đi vào hoạt động hoàn toàn hay chưa, nhưng nhấn mạnh rằng chúng sẽ được dùng với mục đích phòng vệ, bảo vệ chủ quyền trên biển.
Một giới chức quân sự ở Hà Nội không muốn nêu tên nói các tàu ngầm từ Nga không phải là võ khí duy nhất mà là một trong số các võ khí Việt Nam đang tăng cường để bảo vệ lãnh thổ tốt hơn.
Phát biểu này nhắc nhớ tuyên bố trước đây của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh rằng Việt Nam không khơi mào xung đột ở Biển Đông nhưng sẽ không lui bước đứng nhìn nếu một nước nào khai chiến.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường đáng kể cho lực lượng hải quân, thu mua các tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống nhỏ hiện đại đa phần từ Nga được trang bị võ khí chống tàu và chống tàu ngầm.
Hà Nội cũng bắt đầu một chương trình xây dựng tàu dựa trên các thiết kế của Nga.
Tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga được đánh giá là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất trên thế giới, được trang bị các ống phóng ngư lôi 533 mm cùng các tên lửa hành trình tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trên mặt nước hoặc trên cạn và các tên lửa có nhiệm vụ phòng không trên mặt biển.
Chuyên gia Wezeman nói Viện Sipri ước tính rằng Việt Nam trong năm nay đã tiếp nhận ít nhất 10 trong số 50 phi đạn chống tàu theo khuôn khổ hợp đồng với Moscow.
Nhà phân tích chiến lược Vasily Kashin ở Moscow nói ông tin rằng các tàu Việt Nam đang mua có công nghệ tiên tiến hơn 12 chiếc tương tự đang được hải quân Trung Quốc vận hành.
Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng bình luận về hợp đồng mua tàu ngầm giữa Việt Nam với Nga, nhưng Bắc Kinh hiện có đội tàu ngầm gồm 70 chiếc trong kế hoạch ‘giương oai diễu vò’ để bành trướng chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Ngoài Nga, Ấn Độ, quốc gia đã vận hành các tàu ngầm lớp Kilo từ giữa thập niên 80, cũng đang huấn luyện cho lực lượng hải quân Việt Nam tại trung tâm tàu ngầm INS Satavahana ở bang Andhra Pradesh, theo nguồn tin một giới chức hải quân Ấn tiết lộ với Reuters.
Chuyên gia Wezeman từ Viện SIPRI khuyến cáo chớ nên đánh giá thấp Việt Nam vì mối đe dọa rõ ràng từ Trung Quốc đã mang lại cho Việt Nam những động lực phi thường.
Philippines, quốc gia Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc ở Biển Đông được xem là quyết liệt hơn Việt Nam trong các tuyên bố và hành động đối phó trước sự lấn lướt của Bắc Kinh, hiện chưa có tàu ngầm, tàu hải quân hiện đại, hay tàu bay hải quân quan trọng. Tuy nhiên, Manila không ngừng củng cố các mối quan hệ đồng minh và đẩy mạnh biện pháp pháp lý với vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế.
Nguồn: Reuters, SCMP, Chinatopix