Đường dẫn truy cập

Việt Nam lên án Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa


Binh lính của hải quân Quân đội Nhân dân Trung Quốc tuần tra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 29/1/2016. Việt Nam hôm 23/6 lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận quân sự gần quần đảo này.
Binh lính của hải quân Quân đội Nhân dân Trung Quốc tuần tra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 29/1/2016. Việt Nam hôm 23/6 lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận quân sự gần quần đảo này.

Hà Nội hôm 23/6 tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi tiến hành tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp trên Biển Đông.

Trước đó hôm 19/6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông báo tập trận quân sự tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Nói với phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.”

Hoàng Sa là nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền. Sau trận “hải chiến” năm 1974 giữa lực lượng của Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa lúc đó, Bắc Kinh đã chiếm và hiện đang kiểm soát toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” và đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa, từ tháng 7/2012.

Theo bà Hằng, cuộc tập trận của Trung Quốc gần đảo Phú Lâm “đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (CoC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.”

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn vi phạm tương tự,” bà Hằng.

Việt Nam trước đây cũng nhiều lần phản đối các cuộc tập trận hay các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo mà Việt Nam luôn khẳng định thuộc chủ quyền của họ theo luật quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề chủ quyền trên biển, khi được hỏi về quan điểm của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội trước chủ trương của chính quyền Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “vùng nội thủy” như truyền thông Nhật Bản đưa tin, bà Hằng hôm 23/6 nói rằng Việt Nam “khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.”

Khi được hỏi liệu Việt Nam có sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản, châu Âu và Hoa kỳ trong các vấn đề Biển Đông hay không, bà Hằng nói rằng “Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm” vào quá trình duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu năm nay công bố một bản nghiên cứu về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó kết luận rằng Bắc Kinh hiện đưa ra những yêu sách hàng hải bất hợp pháp đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có một yêu sách phi pháp về quyền lịch sử.

VOA Express

XS
SM
MD
LG