Liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 17/5 lên tiếng nói Việt Nam “đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức” và “luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức”. Phát biểu của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong buổi họp báo hôm 17/5, một ngày sau khi truyền thông Slovakia đưa tin rằng cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước này “giữ im lặng” trước danh sách hàng loạt câu hỏi mà Bộ Ngoại giao Slovakia gửi liên quan đến vụ bắt cóc này.
Báo chí Việt Nam cho biết tại cuộc họp báo chiều 17/5, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với trường hợp Nguyễn Hải Long, người bị xem là một mật vụ của Việt Nam, đang bị xét xử tại Đức trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “công việc liên quan đến bảo hộ công dân sẽ được tiến hành đúng quy định của pháp luật”, theo Người Lao Động.
Đối với yêu cầu cập nhật thông tin về vụ này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói:
“Chúng tôi đã phát biểu nhiều lần. Hiện Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bất ngờ biến mất khỏi Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn ở nước này. Chính phủ Đức nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin.
Ông Thanh xuất hiện trở lại vào ngày 3/8 trong các bản tin trên truyền hình Việt Nam nói rằng ông này tự ra đầu thú.
Hiện chính phủ Đức đang tiến hành xét xử những người liên quan đến vụ bắt cóc, trong đó có Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là gián điệp đã thuê chiếc xe để sử dụng trong vụ bắt cóc này.
Ngoài ra, chính phủ Slovakia cũng bị truy tố trách nhiệm khi đã cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các quan chức Việt Nam mượn một chiếc máy bay để phục vụ công việc, nhưng truyền thông Đức nói có thể Việt Nam đã sử dụng chiếc máy bay này để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh.
Một ngày trước khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ này, tờ Slovak Spectator cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
“Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào”, tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.
Các giới chức Việt Nam bị cáo buộc đã sử dụng máy bay mượn của Slovakia để thực hiện hai chuyến bay. Đầu tiên là bay từ Prague đến Bratislava. Sau khi có cuộc họp với các đại diện người Slovakia, Việt Nam tiếp tục dùng máy bay này bay từ Bratislava tới thủ đô Moscow của Nga.
Theo tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, chiếc xe bị cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đậu ngay trước khách sạn Borik của chính phủ Slovakia trong khoảng thời điểm diễn ra cuộc họp giữa hai bên.
Hôm 3/5, đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin về sự can dự của nước này trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bà nhấn mạnh rằng vụ này đã gây “ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ Đức-Việt”.
Cho tới nay, Slovakia chỉ phủ nhận đã giúp Việt Nam trong vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay.
Sau khi cho biết đã triệu đại sứ Việt Nam tới để truyền đạt các chất vấn và quan ngại về vụ việc, Bộ Ngoại giao nước này nói:
"Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng với một tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước”, Bộ cho biết trong một thông cáo. “Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến hành động đó...”
Sau khi trở về nước, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên hai bản án tù: 14 năm tù và chung thân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản.