Đường dẫn truy cập

Việt Nam, quốc gia tự rối trong chân mình


Trong quan điểm của hệ thống, chính quyền Việt Nam luôn thù ghét với các phong trào dân chủ và cảm tình với các nhà nước độc tài.
Trong quan điểm của hệ thống, chính quyền Việt Nam luôn thù ghét với các phong trào dân chủ và cảm tình với các nhà nước độc tài.

Việt Nam như đang tự làm khó bởi chính sách bốn không về quốc phòng. Và không muốn làm phật lòng ông đồng chí phương Bắc.

Võ Ngọc Ánh

Trước việc Nga xâm lược Ukraine và biểu tình chống covid tại Trung Quốc, Việt Nam đang cho thấy lạc nhịp với thế giới mà mình muốn hội nhập

Việt Nam bị mắc kẹt trong những việc này, do lựa chọn trong quá khứ và thái độ không dứt khoát của hiện tại.

Việt Nam tự mình tạo ra sự lệ thuộc

Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 này, báo chí tự do trên thế giới bất ngờ, bận rộn với thông tin người dân tại nhiều thành phố ở Trung Quốc đứng lên phản đối chính sách zero covid của chính quyền. Có người đi xa hơn, đòi đảng Cộng Sản và Tập Cận Bình từ chức.

Tin tức đầy tính thời sự, sống động ngay tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, nằm sát Việt Nam nhưng nền báo chí cách mạng im lặng không khó hiểu.

Báo chí trong nước từ chối vai trò cung cấp thông tin, người dân phải tìm đến báo tiếng Việt ở hải ngoại mà không phải tờ nào cũng làm báo nghiêm túc, hoặc báo tiếng Anh, tiếng Pháp…

Giới làm báo ở Việt Nam biết những gì đang xảy ra ở Trung Quốc nhưng không thể đăng tải. Điều này đưa đến suy nghĩ cho nhiều người, đã có chỉ đạo ở cấp cao hơn.

Chính quyền Việt Nam lo sợ chuyện đang xảy ra ở Trung Quốc sẽ khích lệ dân Việt. Bởi sự tương đồng của hai thể chế, hai chính quyền như mẫu copy.

Từ bao đời nay những gì đang diễn ra ở Trung Quốc luôn có ảnh hưởng mạnh, khích lệ, là điểm tựa cho chính quyền cũng như người dân Việt Nam.

Hơn 30 năm trước, sự sụp đổ dây chuyền của xã hội chủ nghĩa trên thế giới những nhà lãnh đạo Việt Nam quay sang cầu cạnh làm thân với Trung Quốc để bảo toàn sự cầm quyền của đảng Cộng Sản.

Bất chấp 10 năm trước, Trung Quốc đã xua quân xâm lược giết hàng chục ngàn người Việt, thiêu rụi nhiều thành phố làng mạc của Việt Nam. Việc chiếm đất, giành biển bởi Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Máu người Việt vẫn đổ xuống từ họng súng quân Trung Quốc.

Những nhà lãnh đạo Việt Nam lúc đó đặt sự tồn vong của chế độ lên trên quyền lợi, cơ hội của quốc gia.

Trước hành động này, ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 1980 – 1991, ‘cái gai’ trong mắt Bắc Kinh, đã tiên tri, “Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu”.

Dựa dẫm vào phương Bắc để giữ quyền lực một thói quen của nhiều triều đại trong quá khứ vẫn chưa thể chấm dứt trong thời cộng sản.

Việc không đưa tin người dân biểu tình ở Trung Quốc còn do sợ thiên oai của ‘đồng chí phương Bắc’.

Thái độ của Viêt Nam trong việc này như gián tiếp thừa nhận sự lệ thuộc của chính quyền Việt Nam hiện nay vào Trung Quốc. Xưa nay vẫn đầy tin đồn, đảng Cộng Sản Trung Quốc sụp đổ thì chính quyền Việt Nam tan.

Tôi nhớ lại, khi mùa xuân Ả Rập, rồi cuộc nội chiến tại Sirya diễn ra, trong cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần, các tòa soạn bị chỉ đạo đưa tin theo các hãng tin, báo chí Nga.

Mười tháng qua, các báo, thông tin chính thức của Việt Nam vẫn trung thành với tên gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga đưa ra. Một tên gọi hoàn toàn trái ngược thực tế, bản chất của cuộc chiến.

Đầu những năm 2000, trong một buổi học chuyên đề, giảng viên tự thêm vai trò giáo dục chính trị cho sinh viên, nói phong trào cánh tả đang lên tại nhiều nước Nam Mỹ là khẳng định tính ưu việc của chủ nghĩa xã hội. Thời đó, tổng thống Hugo Chavez của Venezuela nổi như cồn ở Việt Nam.

Trong quan điểm của hệ thống, chính quyền Việt Nam luôn thù ghét với các phong trào dân chủ và cảm tình với các nhà nước độc tài.

Hậu quả việc tự trói mình vào Liên Xô trước đây và Liên Bang Nga bây giờ và thái độ với Trung Quốc đã tước đi của Việt Nam quyền thông tin thật, tiếng nói của lương tri, sự tử tế.

Quốc gia không có đồng minh vì khác giá trị

Năm lần Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án sự xâm lược của Nga với Ukraine, bốn lần Việt Nam nói không, một lần chống lại việc loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền.

Việt Nam xem các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Belarus, Sirya, Iran, Triều Tiên, Venezuela… có sự gần gũi, an toàn, ủng hộ lẫn nhau vì về nhân quyền.

Việt Nam luôn cho rằng việc đòi tự do, dân chủ của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới là do phương Tây kích động. Việt Nam không xem tự do, dân chủ là quyền mặc định của con người, mà do chính quyền định đoạt.

Quan điểm chính thống hiện thay giải thích, Việt Nam không phù hợp với dân chủ kiểu phương Tây. Chính quyền Việt Nam làm lơ các nước Đông Á vốn có văn hóa gần gũi với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trở thành rồng bắt đầu từ việc dân chủ đất nước.

Việt Nam không chịu hiểu một thể chế dân chủ, xã hội cởi mở, trường học độc lập, mở ra con người có khả năng sáng tạo cao hơn. Nền báo chí tự do thành tiếng nói phản ánh, điều chỉnh những bất cập xã hội.

Sự phát triển của Việt Nam hiện nay hoàn toàn không nhờ chủ nghĩa xã hội. Dù vậy, đảng Cộng Sản vẫn vá víu hai mảnh không cùng loại qua khái niệm, “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Vì thế, dù hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn chưa được công nhận nền kinh tế thị trường.

Và cũng không dễ để người tiêu dùng trên thế giới đặt niềm tin vào sản phẩm của các doanh nghiệp ở các chính quyền độc tài. Điều này có thể thấy, không ít sản phẩm của các doanh nghiệp từ Trung Quốc đang bị nhiều thị trường loại trừ.

Đổi mới kinh tế nhưng vẫn siết chặt chính trị là sự nửa vời, tạo cơ hội cho tham nhũng, không minh bạch có không gian phát triển.

Hồi tôi còn ngồi trên ghế giảng đường một giảng viên về văn chương là đảng viên biện minh cho kinh tế thị trường kiểu của đảng: “Nền kinh thị trường là sản phẩm của con người, chứ không phải sản phẩm của chủ nghĩa tư bản”.

Một giải thích không sai. Vì tư bản chủ nghĩa, hay xã hội chủ nghĩa đều do con người tạo ra. Nhưng là kiểu giải thích phủ nhận công lao.

Trên thực tế Việt Nam thoát nghèo, khá lên là nhờ các nước tư bản.

Việt – Hàn đã nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, trong chuyến thăm của chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tới quốc gia này.

Nước Mỹ cũng phát nhiều tín hiệu muốn nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Nhưng Việt Nam dường như chưa sẵn sàng nâng cấp mối quan hệ ở mức cao hơn.

Nước Mỹ đang sẵn sàng bàn đến một đối tác an ninh tin cậy, hay đồng minh với Việt Nam trong cuộc đối đầu cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng gay gắt.

Một Ả Rập Xê-út vi phạm tất cả các giá trị của dân chủ vẫn được nước Mỹ đảm bảo về mặt an ninh, đồng minh của nhau hơn 70 năm qua.

Khi Việt Nam và Mỹ trở thành đồng minh, hoặc đối tác tin cậy của nhau, Việt Nam sẽ được ‘nhẹ tay’ hơn trong các vấn đề nhân quyền.

Việt Nam biết đâu thoát cảnh như đầu tháng 12 này bị đưa vào danh sách các quốc gia được theo dõi đặc biệt trở lại vì những vi phạm tự do tôn giáo. Tiếng xấu này, điều Hà Nội không hề mong muốn.

Trở thành đồng minh, hoặc đối tác an ninh tin cậy, Việt Nam có cơ hội sở hữu khí tài hiện đại của Mỹ, tăng sức mạnh bảo vệ tổ quốc. Mối nguy hiểm nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam không đến từ các nước dân chủ, phát triển.

Đặng Tiểu Bình trong quá khứ, Putin của hôm nay, một Trung Quốc đang rất hung hăng, rất khó để đặt lòng tin vào các nhà lãnh đạo độc tài.

Việt Nam như đang tự làm khó bởi chính sách bốn không về quốc phòng. Và không muốn làm phật lòng ông đồng chí phương Bắc.

Đồng thời, Việt Nam vẫn xem các giá trị dân chủ là thế lực thù địch. Chính quyền Việt Nam coi những cá nhân, tổ chức phổ biến các giá trị tạo sự phát triển, thịnh vượng của các quốc gia là các phần tử phản động, chống phá.

Xã hội chủ nghĩa không phải đặc trưng, hay truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chỉ có quốc gia Việt Nam là tối thượng để bảo vệ và phát triển, chứ không phải thể chế, hay đảng phái.

(Tác giả hiện sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ)

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG