Không lâu sau khi người dân Việt Nam được biết tới Lực lượng 47 có nhiệm vụ 'bảo vệ Đảng', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng “bảo vệ Tổ quốc.”
Lực lượng này được thành lập tại một buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, theo một quyết định của Thủ tướng Việt Nam ra ngày 15/8/2017. Bộ tư lệnh tác chiến mới này của quân đội, theo truyền thông trong nước đưa tin, sẽ “nghiên cứu và dự báo các cuộc chiến tranh không gian mạng” để “bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.”
Theo lời Thủ tướng Phúc, lực lượng này được “trang bị vũ khí đồng bộ, hiện đại nhất” và thường xuyên nắm chắc tình hình” để “xử lý kịp thời các tình huống.”
“Cụ thể trang bị cái gì, huấn luyện thế nào, phương án tác chiến ra sao thì thuộc về bí mật quân sự. Không ai biết,” một chuyên gia IT không muốn nêu tên nói với VOA từ Hà Nội.
Có rất ít thông tin về lực lượng mới này nhưng gần đây chính phủ Việt Nam đã công khai những lực lượng tác chiến mạng trong quân đội và nâng tầm quan trọng của “an ninh phi truyền thống.”
Vào tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị bàn thảo về "hoạt động đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng."
Tháng trước, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa công bố quân đội có 10.000 ‘binh sỹ đấu tranh trên mạng’ để ‘phản bác các quan điểm sai trái.’
Trong khi Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng có nhiệm vụ ‘bảo vệ quốc gia’ thì Lực lượng 47, theo các nhà quan sát, ‘chiến đấu để bảo vệ những quan điểm của Đảng Cộng sản.’
Trước khi Thượng tướng Nghĩa “bật mí” về Lực lượng 47 mà ông gọi là “vừa hồng vừa chuyên” nhiều người đã không biết đến sự tồn tại của lực lượng này.
Lực lượng 47
Họ là ai? Họ làm gì trên mạng? Và tại sao họ lại bị các nhóm và tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích.
“Trước khi ông (Nghĩa) tuyên bố, chúng tôi chưa được nghe về việc có Lực lượng 47,” nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho VOA biết.
Lực lượng 47 được hình thành từ Chỉ thị 47 của ban Bí thư về phòng chống thông tin xấu độc.
"10.000 người này có chức năng ngăn những thông tin xấu độc ở các đơn vị quân đội trong bộ quốc phòng," theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. "Nhưng hoạt động của họ như thế nào thì đúng là không ai biết.”
Theo chuyên gia IT không muốn nêu tên, đội an ninh mạng của quân đội là “đội cơ yếu và chỉ bảo vệ trọng điểm một số thứ chứ không đủ sức dàn trải trên mạng để bảo vệ chế độ.”
10.000 người lính này có nhiệm vụ phản biện và tranh cãi tất cả những quan điểm đi ngược lại với ý của Đảng.Nguyễn Chí Tuyến, nhà hoạt động
Do đó Lực lượng 47, theo chuyên gia này, có thể chỉ là những người như ‘dư luận viên’ được trang bị một số công cụ để truy ra địa chỉ người dùng và báo cáo với quản trị mạng, thậm chí ghi sổ đen để giám sát.
'Dư luận viên' là tên gọi mà những người dùng mạng xã hội đặt cho những "chuyên gia bút chiến trên internet" có nhiệm vụ tranh luận với các quan điểm đi ngược lại chính quyền. 'Dư luận viên' nằm dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo. Cách đây 5 năm, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội truyên bố nhóm này có 900 thành viên.
Với 10.000 người, Lực lượng 47 có quân số tương đương với 1 sư đoàn.
Theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, họ là những người lính chuyên “ăn lương của nhà nước, dân nuôi đóng góp” và làm những việc như đấu tranh trên mạng để phản đối những quan điểm sai lệch với quan điểm của Đảng.
“Họ, Lực lượng 47 này, 10.000 người lính này có nhiệm vụ phản biện và tranh cãi tất cả những quan điểm đi ngược lại với ý của Đảng,” theo ông Tuyến.
Lực lượng này không xuất hiện cụ thể, và không ai biết họ ở đâu.
Ông Tuyến, người thường có các bình luận chỉ trích chính quyền trên mạng, cho biết ông “vẫn chưa tìm thấy một người nào dám nói hoặc tự xưng mình rằng ‘tôi là một quân nhân thuộc biên chế của Lực lượng 47 này và tôi sẵng sàng đối đáp với anh/ông.”
Theo chân Trung Quốc?
Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều động thái siết chặt tự do trên mạng bằng cách yêu cầu Google và Facebook xóa bỏ những thông tin và clip ‘độc hại.’ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tháng trước cho biết Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.”
VOA Tiếng Việt không liên lạc được với Google và Facebook để kiểm chứng thông tin này.
Việt Nam, theo lời của Thượng tướng Nghĩa nói tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 vào tháng trước, “là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
Nhưng cùng với đó là sự lớn mạnh của những người dùng mạng xã hội, viết blog, đưa ra những quan điểm trái chiều với truyền thông chính thống do nhà nước quản lý.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng phương thức này là “nhằm để siết chặt những tiếng nói chỉ trích trên mạng.”
Các nhà quan sát gọi Lực lượng 47 là một ‘vũ khí’ mới của chính phủ chống lại ‘những quan điểm trái triều.”
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 100 nhà báo, blogger và những nhà hoạt động dân chủ từng ‘chỉ trích’ chính phủ, theo thống kê của tổ chức Human Rights Watch.
Cùng với Freedom House và Human Rights Watch, Tổ chức bảo vệ các nhà báo CPJ, có trụ sở ở New York đều cho rằng Lực lượng 47 là “một phương thức mới đầy kinh ngạc nhắm vào việc đàn áp những ý kiến bất đồng,” theo AFP.
Nhưng theo các chuyên gia về chính sách internet, các phương pháp mà Việt Nam đang áp dụng tương tự như những động thái nhằm thắt chặt tự do thông tin ở những nơi khác trên thế giới. Thái Lan cũng đã đe dọa sẽ chặn Facebook nếu mạng xã hội này không gỡ bỏ những hình ảnh nhạy cảm về nhà vua mới của họ hay Trung Quốc cũng đã mở rộng thêm rất nhiều bức tường lửa của họ.
“Phải nói rằng Việt Nam đang bắt chước những cái mà nước láng giềng Trung Quốc đang làm," Steven Butler, điều phối viên chương trình châu Á của CPJ nhận định với VOA. "Trung Quốc đang đi đầu trong cách làm thế nào để khống chế internet. Họ có hàng triệu người theo dõi để chỉ ra và phản ứng nhanh chóng với những gì không có lợi cho chính phủ. Có vẻ như Việt Nam đang làm đúng như vậy.”