Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam còn bị hạn chế bởi một số yếu tố trong đó có việc các lãnh đạo Việt Nam vẫn “nghi ngờ” rằng chính phủ Hoa Kỳ về lâu dài muốn chấm dứt độc quyền của chế độ Cộng sản ở quốc gia cựu thù
Một báo cáo cập nhật của Quốc hội Mỹ về tình hình quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ra hôm 16/2 cho biết những lợi ích song trùng về chiến lược và kinh tế đã làm cho sự hợp tác giữa hai nước được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong những năm gần đây. Sau hơn 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Mỹ đã trở thành đối tác song phương lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, trong khi Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Báo cáo do viện nghiên cứu chính sách công của Quốc hội Mỹ, CRS, soạn thảo cho biết rằng kể từ năm 2010, Mỹ và Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ đối tác về các vấn đề an ninh khu vực và kinh tế, một phần do có chung những mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực cũng như vị thế của Việt Nam đang tăng lên thành một cường quốc tầm trung.
Tuy nhiên, viện nghiên cứu của Quốc hội Mỹ nhận định rằng tốc độ và mức độ cải thiện trong quan hệ song phương giữa hai nước còn bị hạn chế bởi một số yếu tố.
Một trong số đó là việc Việt Nam không thường thực hiện các động thái ngoại giao quy mô lớn – đặc biệt với Mỹ – mà không tính đến phản ứng có thể của Trung Quốc. Một yếu tố khác, theo nhận định của CRS, là mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Việt Nam có quan điểm tích cực đối với Mỹ nhưng nhiều quan chức Việt Nam “vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là thấy được sự chấm dứt độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ‘diễn biến hoà bình’.” Bên cạnh đó, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, mà theo đánh giá của báo cáo là đã xấu đi trong những năm gần đây, tiếp tục là một rào cản cho sự phát triển của quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở ở Singapore, những nhận định trong báo cáo của Quốc hội Mỹ là đúng nhưng ông cũng cho rằng đã có những thay đổi trong cách nhìn của các lãnh đạo Việt Nam về Mỹ.
“Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản nắm giữ và trước đây họ có lo là chính quyền Mỹ sẽ tiến đến các hoạt động hay vận động nào đó để chính quyền (Cộng sản) này không còn nữa,” TS Hợp, hiện đang nghiên cứu từ Hà Nội, cho biết. “Thế nhưng đến nay (các lãnh đạo Việt Nam) không lo đến như thế bởi họ tin vào hai cam kết khá giống nhau của thời (Tổng thống Barack) Obama và (Tổng thống Donald) Trump.”
Chính quyền Mỹ trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump, Mỹ cũng có cam kết tương tự và theo TS Hợp, ông Trump còn “nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẽ không làm gì để tác động đến tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam.”
Chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của một lãnh đạo Đảng Cộng sản tới nhà Trắng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 1/2015, khi ông Obama là tổng thống Mỹ, đã cho thấy sự tôn trọng các hệ thống chính chị của nhau giữa hai quốc gia. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Derek Grossman của Viện nghiên cứu RAND Corporation, bất cứ sự thay đổi nào của Mỹ trong quan điểm này cũng có thể khuyến khích những người theo đường lối cứng rắn bảo thủ ở Việt Nam tìm cách tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chính trường quốc gia Cộng sản Đông Nam Á.
Ông Trọng còn được cho là sẽ có chuyến thăm thứ 2 tới Nhà Trắng vào năm 2019, theo lời mời của Tổng thống Trump, nếu ông không bất ngờ bị gặp vấn đề về sức khoẻ.
“Không thấy họ nói đến sự lo lắng nữa nhưng trong thực tế (các lãnh đạo Đảng Cộng sản) vẫn có cảnh giác đối với những hoạt động phê phán họ, phản biện chính sách của họ cũng như là việc đối chiếu hệ thống chính trị toàn trị này với các hệ thống chính trị cởi mở hơn, dân chủ hơn. Họ ngại cái đó và do đó đưa vào danh sách chống lại cái mà họ gọi là ‘diễn biến hoà bình’ và trong nội bộ họ gọi là ‘tự diễn biến tự chuyển hoá’,” TS Hợp nói.
Các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là ban Tuyên giáo Trung ương, thường xuyên đưa ra các phát biểu cảnh báo về các hoạt động “diễn biến hoà bình,” mà theo cách hiểu trong ngữ cảnh ở Việt Nam là các biện pháp phi bạo lực của nước ngoài sử dụng nhằm chống phá Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hoá/xã hội, cho đến an ninh/quốc phòng.
Nhân quyền và Trung Quốc
Đó cũng là một trong những lý do Đảng Cộng sản Việt Nam ít dung thứ cho các nhà hoạt động dân chủ, các tiếng nói bất đồng hoặc chỉ trích chính phủ cũng như những thế lực mà họ gọi là “thù địch” từ bên ngoài ủng hộ chế độ đa nguyên, đa đảng. Các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên lên tiếng chỉ trích việc trấn áp tự do ngôn luận của Đảng Cộng sản và coi Việt Nam là một trong những quốc gia ít có tự do báo chí nhất.
Báo cáo của CRS, được gửi tới các uỷ ban và các thành viên Quốc hội Mỹ, nhận định rằng Việt Nam là một “nhà nước độc Đảng, toàn trị bởi Đảng Cộng sản” và “đã đàn áp nặng nề lên cái mà họ coi là hoạt động chống phá chính quyền và một số nhóm tôn giáo không đăng ký.”
Trích dẫn các nhà quan sát, báo cáo cho rằng việc trấn áp người bất đồng chính kiến và những người biểu tình đã trở nên tệ hại hơn trong vài năm gần đây ở Việt Nam, trong khi chính phủ “tăng cường khả năng pháp lý và công nghệ để theo dõi các hoạt động trên mạng xã hội của người dân.”
“Việt Nam còn đang có những khác biệt trong quan niệm về nhân quyền với những nước phương Tây và Mỹ,” TS Hợp nói. “Để khắc phục những khác biệt như vậy, nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã cùng với Việt Nam thoả thuận hàng năm có các đối thoại về nhân quyền, trong đó có đối thoại song phương Mỹ-Việt, để cùng bàn thảo, hành động nhằm rút ngắn sự khác biệt. Nhưng Việt Nam với thể chế chính trị một Đảng thì sự khắc phục khác biệt đó sẽ không được nhanh.”
Vấn đề nhân quyền dường như không được “đặt ưu tiên cao” trong chính sách tiếp cận chung của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump, mặc dù chính quyền của cựu tổng thống này đã tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm và chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều báo cáo và một số tuyên bố, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Giới quan sát cũng nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã không đặt nặng vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam mà chỉ tập trung vào việc giảm thiểu thặng dư thương mại với quốc gia Đông Nam Á cũng như thắt chặt hợp tác an ninh để chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, công an Việt Nam đã bắt ngay nhà báo tự do nổi danh Phạm Đoan Trang vì các cáo buộc mà giới hoạt động dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là “mơ hồ.”
Báo cáo cho biết hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam tăng lên trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh quốc phòng, từ năm 2017 đến năm 2021, do chính sách của chính quyền Trump trong việc giúp quân đội Việt Nam “phát triển khả năng thách thức các năng lực viễn chinh của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định rằng Trung Quốc là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Việt Nam” khi hai nước đều có hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo với kênh thông tin kết nối giữa hai đảng và thường có các quan điểm chính thức tương đồng về thế giới.
Hoa Kỳ được cho là muốn nâng cấp quan hệ toàn diện với Việt Nam lên tầm chiến lược để có khả năng hợp tác với quốc gia Đông Nam Á nhiều hơn nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng vì một số lý do mà điều này chưa được thực hiện, một phần trong đó như theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc từng cho biết trong lần trả lời phỏng vấn trước đây với VOA rằng có sự khác biệt trong các nhận định về “chiến lược” của hai nước. Việt Nam không muốn liên minh quân sự với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ 3 trong chính sách quốc phòng “4 không” của mình trong khi theo GS Thayer, Mỹ nhìn nhận “chiến lược” theo hướng đồng minh trong hợp tác an ninh quốc phòng.
Nhân quyền sẽ là một trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Joe Biden và điều này được Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định hôm 24/2 rằng nước Mỹ cam kết với thế giới sẽ bảo vệ nhân quyền trong lúc đặt mục tiêu trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo nhà nghiên cứu Grossman, chính quyền mới của Mỹ có thể “ít tìm kiếm sự hợp tác hơn với các đối tác toàn trị và hợp tác nhiều hơn với các nền dân chủ.”
Dù còn có những khác biệt và thách thức trong quan hệ Việt-Mỹ nhưng theo nhận định của TS Grossman trên The Diplomat, quỹ đạo của quan hệ giữa hai cựu thù trong những năm tới sẽ “tích cực và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy.”
Nhà nghiên cứu của RAND Corporation cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đều “tôn trọng lẫn nhau” và cùng có lợi ích chung trong việc khống chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự.
“Bất cứ xích mích nào nảy sinh (giữa Mỹ và Việt Nam) sẽ có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao để tránh thiệt hại lớn hơn cho mối quan hệ giữa hai nước,” TS Grossman nhận định. “Nhưng tất nhiên, không có gì được đảm bảo.”