Tiếp tục xuất hiện tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến một vụ đâm tàu mới xảy ra đầu tuần này gần khu vực giàn khoan 981 Bắc Kinh đặt tại vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Việt Nam tố cáo vào lúc 9:30 phút sáng ngày 23/6 tàu kiểm ngư 951 bị tàu Trung Quốc đâm húc gây hư hỏng nặng và làm bị thương 2 kiểm ngư viên khi đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trong vùng biển Việt Nam.
Truyền thông nhà nước hôm qua đăng tải đoạn video chiếu cảnh va húc trong vụ việc mà Hà Nội mô tả là 7 tàu Trung Quốc rượt đuổi và tấn công tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản pháo, tố cáo ngược lại rằng tàu Trung Quốc bị tàu Việt Nam tấn công.
Tàu kiểm ngư 951 của chúng tôi bị tàu kéo Tân Hải 285 của Trung Quốc đâm trực tiếp vào mạn trái, làm hỏng toàn bộ phần cabin, móp mạn trái, gây hư hỏng một số phòng nghiệp vụ trên tàu như phòng y tế, phòng sinh hoạt, và làm hư hỏng một số trang thiết bị trên tàu...Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo hôm qua nói vụ việc xảy ra khi tàu Việt Nam vượt qua ‘hàng rào an ninh’ xung quanh giàn khoan 981 và chủ động lao vào tàu Trung Quốc, làm hư hại tàu Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi tối ngày 25/6, giới chức thực thi pháp luật của Việt Nam trên thực địa, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê, khẳng định cáo giác của Bắc Kinh là ‘hoàn toàn sai sự thật.’
Ông Hà Lê: Phía Trung Quốc đâm va tàu kiểm ngư 951 của chúng tôi hôm 23/6. Ngày 24/6, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ động vây ép các tàu kiểm ngư của chúng tôi trong đó có tàu 951. Còn hôm nay trên thực địa không có gì biến động lớn lắm. Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 117-121 tàu các loại và vẫn tiếp tục chủ động ngăn cản các tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển Việt Nam.
VOA: Trong sự cố hôm 23/6, thiệt hại phía Việt Nam ghi nhận thế nào?
Ông Hà Lê: Tàu kiểm ngư 951 của chúng tôi bị tàu kéo Tân Hải 285 của Trung Quốc đâm trực tiếp vào mạn trái, làm hỏng toàn bộ phần cabin, móp mạn trái, gây hư hỏng một số phòng nghiệp vụ trên tàu như phòng y tế, phòng sinh hoạt, và làm hư hỏng một số trang thiết bị trên tàu như phao cứu sinh và thiết bị liên lạc.
VOA: Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vụ việc xảy ra sau khi tàu Việt Nam xâm phạm lằn ranh an ninh quanh giàn khoan của Trung Quốc và đâm vào tàu Trung Quốc. Phản hồi của phía Việt Nam ra sao?
Ông Hà Lê: Tôi chưa có thông tin chính xác về phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng tôi xin khẳng định lại là khu vực quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Tàu cá Việt Nam khai thác tại quần đảo này từ bao đời nay rồi. Và việc tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển chúng tôi thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam là hoạt động hoàn toàn bình thường. Chúng tôi không thừa nhận lằn ranh an ninh gì đó mà phía Trung Quốc nói. Việc chúng tôi thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là hoàn toàn bình thường. Tôi khẳng định lại lần nữa là phía Trung Quốc nói như vậy là hoàn toàn sai sự thật. Theo các bằng chứng chúng tôi ghi lại được, các tàu của Trung Quốc cố tình ép, đâm thẳng vào tàu kiểm ngư của chúng tôi gây hư hại, chứ tất cả các tàu kiểm ngư của chúng tôi từ trước tới nay chưa bao giờ chủ động có những hành động ngăn cản, đâm va với tàu Trung Quốc cả.
Theo các bằng chứng chúng tôi ghi lại được, các tàu của Trung Quốc cố tình ép, đâm thẳng vào tàu kiểm ngư của chúng tôi gây hư hại, chứ tất cả các tàu kiểm ngư của chúng tôi từ trước tới nay chưa bao giờ chủ động có những hành động ngăn cản, đâm va với tàu Trung Quốc cả.Ông Hà Lê, Cục Kiểm ngư Việt Nam.
VOA: Một vài tuần trước, phía Trung Quốc cũng trưng ra bằng chứng video cho thấy Việt Nam va chạm mà họ gọi là ‘húc vào’ tàu của họ. Với đoạn video Trung Quốc trưng ra đó, phía Việt Nam phản hồi thế nào, thưa ông?
Ông Hà Lê: Tôi không được trực tiếp xem đoạn video đó, nhưng tôi khẳng định đoạn video đó không đúng sự thật. Không đúng sự thật ở chỗ là trên thực địa, phía Trung Quốc rất hay dùng phương thức dẫn tàu của chúng tôi. Chẳng hạn như họ hay dùng tốc độ cao cắt ngang mũi tàu kiểm ngư của chúng tôi hoặc họ chặn đuôi lại để tạo ra cảnh như là tàu kiểm ngư của chúng tôi cố tình đâm vào họ. Tôi xin khẳng định lần nữa là chúng tôi chỉ đạo xuyên suốt tất cả tàu trên thực địa không bao giờ có hành vi chủ động đâm va tàu Trung Quốc cả.
VOA: Với vụ đâm va vừa rồi hôm đầu tuần, Việt Nam có kế hoạch thế nào để huy động sự ủng hộ hoặc gây sự chú ý của quốc tế hơn nữa với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, thưa ông?
Ông Hà Lê: Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm mà từ trước tới nay chúng tôi xuyên suốt. Đó là chúng tôi rất kiên trì và rất kiên quyết, nhưng tất cả các biện pháp đấu tranh của chúng tôi là biện pháp hòa bình. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu và bằng chứng để thông báo với các phương tiện thông tin đại chúng trong nước cũng như ngoài nước về các hành động của Trung Quốc và việc thực thi nhiệm vụ hợp pháp của chúng tôi trên biển.
VOA: Với nhiệm vụ thực thi pháp luật trực tiếp chứng kiến những gì xảy ra trên biển hằng ngày, ông mô tả mức độ các hành động của Trung Quốc kể từ khi xuất hiện giàn khoan 981 hồi đầu tháng 5 tới nay như thế nào?
Ông Hà Lê: Thật ra, phía Trung Quốc cũng thay đổi phương thức theo từng giai đoạn. Theo như quan sát của chúng tôi trên thực địa về các hành động thực tế từ phía Trung Quốc, mức độ ngăn cản của Trung Quốc cũng không giảm, mà thậm chí có những ngày cũng gia tăng và cũng rất là quyết liệt. Các hành động (của Trung Quốc) rất là nguy hiểm, điển hình như các hành động mà chúng tôi đã cung cấp bằng chứng cho thông tin đại chúng.
VOA: Về phương pháp đối phó của Việt Nam trên biển, về lực lượng hay số lượng tàu, Việt Nam có kế hoạch nào thay đổi trong thời gian gần hay không?
Ông Hà Lê: Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.
VOA: Xin cảm ơn ông về thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Ông Hà Lê: Cảm ơn quý đài. Mong quý đài tiếp tục đưa những thông tin sự thật cho thế giới biết sự việc xảy ra ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Sự thật nó là như vậy.