Việt Nam cấm sử dụng hải sản chết dạt bờ hoặc đánh bắt gần bờ có kết quả kiểm định không an toàn sau thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Theo công văn của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn được báo chí trong nước loan tải hôm nay, người dân không được chế biến, tiêu thụ các loại hải sản chết trôi vào bờ hoặc hải sản đánh bắt cách bờ 20 hải lý tại các tỉnh bị ảnh hưởng gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Công văn cũng cấm dùng các loại hải sản bị nghi nhiễm độc này làm thức ăn chăn nuôi và chỉ thị các địa phương phải thu gom, chôn lấp cách xa các vùng nước biển, nước ngọt, và khu dân sinh để tránh những tác hại thêm nữa cho môi trường.
Chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng phải hỗ trợ ngư dân và buộc tiêu hủy hải sản bị kiểm định không an toàn.
Chủ tàu khi đưa cá về đất liền phải thông báo cho Chi cục Thủy sản địa phương đến kiểm tra, xác nhận an toàn thực phẩm.
Các địa phương được lệnh lấy mẫu hải sản khai thác ở 4 tỉnh vừa kể để kiểm tra độc tố và công tác này phải thực hiện mỗi ngày nếu hải sản đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý gần bờ.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị tăng cường theo dõi cá nuôi, báo cáo các biểu hiện bất thường nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
Công văn được đưa ra sau các tin tức về tình trạng dân địa phương thu gom cá chết bán cho thương lái đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chỉ thị giám sát, kiểm tra hải sản đánh bắt gần bờ của Bộ Nông nghiệp xuất hiện một ngày sau khi Tổng cục Môi trường nói chỉ số an toàn nước biển tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng nằm trong giới hạn cho phép và Bộ Y tế loan báo kết quả kiểm tra hải sản trong khu vực cho thấy an toàn cho sức khỏe con người.
Gần 1 tháng xảy ra hiện tượng hàng tấn hải sản chết liên tục trôi dạt vào bờ từ Hà Tĩnh kéo dài tới Thừa Thiên Huế, chính phủ Việt Nam vẫn chưa điều tra được nguyên nhân, thủ phạm cụ thể gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng này mặc dù tuyên bố là do ‘độc tố hóa học từ hoạt động của con người’ giữa lúc mọi nghi ngờ đang tập trung vào đường ống xả chất thải của công ty Formosa Đài Loan ở biển Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Cho dù họ thu mua cá của dân, nhưng họ không đạt được niềm tin của dân thì không bán được cho ai cả. Người ta không dám ăn, mà họ thu mua, vậy họ thu mua để làm gì? Cũng giống như việc các ông cán bộ xuống biển tắm, biết đâu các ông ấy tắm biển ở đâu đó! Một khi người dân đã mất niềm tin, những việc đó chỉ càng làm phản tác dụng. Do vậy, vấn đề của họ là phải trả lời rõ ràng, nhanh chóng là nguyên nhân cá chết do đâu và biện pháp khắc phục là gì.Anh Lã Việt Dũng nói.
Cách ứng phó bị chỉ trích là chậm chạp từ chính phủ Việt Nam kèm theo những tuyên bố mâu thuẫn, mập mờ của giới hữu trách và những giải pháp bị xem là vá víu, bất nhất đã khơi dậy các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước vào cuối tuần qua.
Anh Lã Việt Dũng, một người tham gia các cuộc tuần hành tại Hà Nội hôm 1/5, nói với VOA Việt ngữ rằng người dân cần có một kết luận xác đáng chung cuộc và biện pháp giải quyết hợp lý, khoa học, có hệ thống từ nhà chức trách. Anh Dũng nói:
“Tôi thấy các biện pháp chính quyền làm là không thỏa đáng bởi vì người dân giờ cần biết rõ nguyên nhân của việc cá chết là gì. Đúng một tháng rồi mà họ tìm không ra đã tạo ra một suy nghĩ khác trong dân chúng. Họ thấy rằng chính quyền này quá yếu kém hoặc cố tình bưng bít thông tin. Và một khi chính quyền đã bưng bít thông tin như vậy thì các biện pháp khác chẳng hạn như họ phát gạo cho dân thì dân bảo rằng dân cần đi biển, cần bán được cá, cần cái lâu dài. Cho dù họ thu mua cá của dân, nhưng họ không đạt được niềm tin của dân thì không bán được cho ai cả. Người ta không dám ăn, mà họ thu mua, vậy họ thu mua để làm gì? Cũng giống như việc các ông cán bộ xuống biển tắm, biết đâu các ông ấy tắm biển ở đâu đó! Một khi người dân đã mất niềm tin, những việc đó chỉ càng làm phản tác dụng. Do vậy, vấn đề của họ là phải trả lời rõ ràng, nhanh chóng là nguyên nhân cá chết do đâu và biện pháp khắc phục là gì.”
Một cư dân Nghệ An tên Huân nói bất chấp những biện pháp trấn an từ chính quyền, anh và mọi người xung quanh giờ đây không dám ăn cá, mắm, hay muối và rất lo ngại cho an toàn sức khỏe của bản thân và con cháu trong tương lai trước thực trạng môi trường nhiễm độc như hiện nay.
Anh Huân kêu gọi thái độ trách nhiệm từ nhà cầm quyền:
“Phải xử lý, phải bồi thường thiệt hại cho dân, phải tìm cách tái tạo lại để trả lại môi trường sạch cho người dân và xử lý nghiêm những thành phần cố tình bao che để dây dưa sự việc này kéo dài thế này. Người dân phải thấy được những việc làm đó của chính quyền mới lấy lại được lòng tin. Riêng bản thân tôi, tôi không còn gì để tin tưởng vào chế độ này nữa hết. Ngày nào có biểu tình, tôi sẽ tham gia ngày đó.”
Phải xử lý, phải bồi thường thiệt hại cho dân, phải tìm cách tái tạo lại để trả lại môi trường sạch cho người dân và xử lý nghiêm những thành phần cố tình bao che để dây dưa sự việc này kéo dài thế này. Người dân phải thấy được những việc làm đó của chính quyền mới lấy lại được lòng tin.Huân, cư dân Nghệ An, nói.
Truyền thông trong nước cho hay tình trạng cá chết tại các tỉnh ven biển miền Trung vẫn tiếp diễn tới hôm nay.
Nhiều luồng cá nước sâu thường sống cách bờ trên 10 hải lý hôm 3/5 bị ngư dân phát hiện bơi lờ đờ cách cửa biển Thuận An chừng 10 mét trong khi nhiều xác cá loại này được phát hiện la liệt trên bờ.
Hàng tạ cá nuôi lồng ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bị chết hàng loạt từ ngày 2/5 đến ngày 4/5.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay dẫn lời Chủ tịch Chi hội Nghề cá của xã nhận định các biểu hiện này có thể do độc tố từ vùng nước sâu ngoài Biển Đông.
Sáng nay tại bờ biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xuất hiện một vệt nước màu đỏ đục dài 1,5 cây số giữa lúc khu vực này tiếp tục xuất hiện tình trạng cá chết dạt bờ suốt mấy ngày qua.
Giới chức Việt Nam chưa có đáp án chính thức cho những hiện tượng bất thường này, chỉ cho biết Bộ Tài Nguyên Môi trường đã lấy mẫu nước biển và xác cá chết để kiểm nghiệm.