Hội nghị do Hiệp hội May mặc và Da giày Hoa Kỳ, gọi tắt là AAFA (American Apparel & Footwear Association) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam ngày hôm qua và hôm nay trong bối cảnh Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng thị phần đáng kể đối với hàng dệt may, da giày cùng với nhiều mặt hàng khác trên thị trường Hoa Kỳ.
Riêng về dệt may, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã tăng từ 2,9 tỉ đôla vào năm 2005 lên thành 6,1 tỉ đôla trong năm nay, và theo dự đoán sẽ tăng lên đến 7,4 tỉ đôla vào năm 2012.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên theo nhận xét của Luật sư Andrew B. Schroth, một trong các diễn giả chính tại cuộc hội thảo, thì dệt may Việt Nam hoàn toàn chưa phải là một đối thủ của Trung Quốc như trong cuộc đua mà Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ.
Luật sư Schroth nói rằng: "Cuộc cạnh tranh quá chênh lệch bởi vì Trung Quốc là nguồn cung cấp chính nguyên liệu đầu vào cho dệt may Việt Nam, do đó Trung Quốc rất phấn khởi khi Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ, là vì xuất khẩu càng tăng thì Việt Nam càng tiêu thụ nhiều hơn nguyên liệu của Trung Quốc. Dệt may Việt Nam hiện gần giống như một phân nhánh sản xuất của Trung Quốc, nơi lắp ráp và sản xuất ra thành phẩm từ nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy ở Việt Nam là của các công ty Trung Quốc đầu tư. Do đó đây thực sự không phải là một cuộc cạnh tranh đúng nghĩa, mà đúng hơn là một quan hệ cộng sinh, tức hai bên dựa vào nhau mà đi lên."
Tuy nhiên việc mở rộng thị phần nhanh chóng của Việt Nam cũng khiến cho Trung Quốc cảnh giác.
Theo nhà cố vấn pháp lý chuyên ngành hải quan và thương mại quốc tế Andrew B. Schroth, thì: "Trung Quốc luôn cảnh giác với Việt Nam, bởi vì Việt Nam nhanh chóng gia tăng xuất khẩu, gia tăng khả năng xuất khẩu. Việt Nam thu hút một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ. Việt Nam bổng nhiên thay đổi từ chỗ là một đối tác gắn bó với Trung Quốc sang thành một đối tượng có nhiều khả năng trở thành một đối thủ lớn. Và một yếu tố khác mà chúng tôi gọi là yếu tố chính trị để giải thích cho lý do tại sao thị trường Mỹ lại sẵn lòng chọn nhà cung cấp từ Việt Nam, rõ ràng là do ảnh hưởng từ Washington. Do đó Việt Nam hiện đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng kể. Và Trung Quốc sẽ thận trọng hơn với Việt Nam nhất là trong việc cung cấp nguyên liệu, và chuyển giao công nghệ v.v. Do đó theo tôi, Trung Quốc sẽ sửa lại tư thế một chút trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên thành một đối thủ cạnh tranh nhiều tiềm năng."
Các nhà doanh nghiệp quốc tế dự hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay thảo luận rằng nếu Việt Nam khéo tận dụng những bài học phát triển kinh tế mà Trung Quốc đã trải qua, thì Việt Nam có thể rút ngắn được thời gian đáng kể trên bước đường phát triển.
Luật sư Schroth nói với đài VOA rằng: “Điều trước tiên mà Việt Nam nên làm là nên ứng dụng những bài học mà Trung Quốc đã rút ra. Trung Quốc đã trải qua quy trình này 25 hay 30 năm nay. Họ từng phải trả những giá đắt cho nhiều bài học về cách phát triển các ngành công nghiệp, cách khuyến mãi hàng xuất khẩu của họ, cách quản lý cán cân thương mại, cách quản lý tiền tệ, vần đề chuyển giao công nghệ, và vấn đề tuân thủ luật lệ. Tóm lại Trung Quốc đã trải qua nhiều bài học đắt giá mà Việt Nam có thể ứng dụng được. Nói cách khác là Việt Nam có thể ứng dụng những kinh nghiệm của Trung Quốc trong cách hình thành và phát triển các ngành kinh tế trước khi những trở ngại có thể xảy ra.”
Việt Nam đang nổi lên thành một nhà cung cấp hàng dệt may quan trọng cho thị trường thế giới, tuy nhiên theo giới doanh nghiệp quốc tế thì dệt may Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu thô của Trung Quốc, nên không thể trở thành một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc được. Từ cuộc hội thảo của các doanh gia quốc tế diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay bàn về các chính sách thương mại của Hoa Kỳ liên quan đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1