Tiền đồng của Việt Nam đã sụt giá xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đôla sau khi Ngân hàng Nhà Nước phá giá tiền đồng khoảng 7% hôm 11 tháng Hai, tỷ lệ cao nhất tính từ năm 1993.
Hãng tin tài chính Bloomberg tường trình rằng vào lúc 4 giờ chiều giờ Hà nội, khi đóng cửa giao dịch, một đôla đổi được 20.900 đồng.
Hôm 11 tháng Hai, Ngân hàng nhà nước Việt Nam ấn định một đôla đổi được 20.693 đồng, so với 18.932 đồng như ngày hôm trước.
Dịp này, giới hữu trách cũng thu hẹp biên độ giao dịch từ 3% xuống còn 1%.
Tin Bloomberg trích lời ông Lai Tất Hà, Giám đốc Ngân hàng Cổ Phần Thương Mại và Công nghệ Việt Nam, nói rằng việc phá giá tiền đồng và nhu cầu đối với đồng đôla của các công ty cần ngoại tệ để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu đã tăng sức ép, làm giảm giá trị tiền đồng trong ngày hôm nay.
Đồng tiền Việt Nam sụt giá mạnh trên thị trường chợ đen, 1 đôla đổi được 21,700 đồng tại các tiệm vàng ở Hà Nội, vào lúc 4 giờ chiều giờ Hà nội, so với 21, 550 hôm thứ Sáu vừa rồi.
Ngân hàng trung ương Việt Nam nói tỷ giá thấp hơn cũng như biên độ giao dịch thu hẹp hơn sẽ tiếp tay giảm mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam, mà theo các số liệu sơ khởi của nhà nước, đã lên tới 1 tỉ đôla trong tháng Giêng.
Tin của Tờ The Economist bình luận rằng quyết định của ngân hàng nhà nước Việt Nam, phá giá tiền đồng lần thứ Tư, tính từ năm 2009, có thể là dấu hiệu cho thấy viễn ảnh kinh tế không mấy sáng sủa như nhiều người lo ngại.
Tuy nhiên, tờ báo nói rằng quyết định phá giá mới nhất sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, làm giảm giá các mặt hàng xuất khẩu, và do đó đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, phá giá đơn vị tiền tệ không đóng góp gì vào việc giải quyết những vấn đề gốc rễ của nền kinh tế Việt Nam, đó là nhu cầu người tiêu dùng đang làm tăng xuất khẩu, trong khi nước này không sản xuất đủ các mặt hàng giá trị cao để cân bằng tình trạng này. Kết quả là mức thâm hụt mậu dịch cao, lên tới 12,4 tỉ hồi năm ngoái.
Giới đầu tư cũng quan tâm về tình trạng lạm phát cao và vẫn tiếp tục tăng, tỷ lệ lạm phát vào tháng Giêng là 12,2%, cũng như về mức dự trữ ngoại tệ thấp một cách đáng lo ngại của Việt Nam.
Tình trạng này, theo tờ The Economist, càng tăng sức ép lên tiềng đồng, và là những dấu hiệu của một nền kinh tế quá nóng. Tờ báo nói rằng mặc dù vậy, dựa trên những tuyên bố của giới lãnh đạo Việt Nam trong đại hội đảng vừa rồi, thì Việt Nam vẫn nhắm vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thay vì quan tâm đến nỗ lực cân bằng ngân sách.
Nguồn: Bloomberg, The Economist
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1