Việt Nam vừa phóng thích trước thời hạn 2 tù nhân lương tâm giữa các nỗ lực dồn dập của Hà Nội muốn gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP và thúc đẩy Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương.
Hai người được vừa được thả hôm 25 và 26 tháng này bị lãnh án lâu năm về các hoạt động mà Hà Nội gọi là ‘chống phá nhà nước.’
Ông Trần Tư (sinh năm 1941) có quốc tịch Mỹ, là thành viên của Liên đảng Cách Mạng Việt Nam, bị bắt từ tháng 3/1993 tại Sài Gòn. Ông bị tuyên án chung thân với tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền.’
Ông Nguyễn Tuấn Nam (sinh năm 1938) là thành viên Đảng Nhân dân Hành động có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông bị bắt tại biên giới Campuchia-Thái Lan từ tháng 11/1996 và bị phạt tù 19 năm với cáo buộc tội ‘trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.’
Tôi nói tôi không có tội, tôi không làm giấy tờ gì, không làm đơn từ gì hết, muốn làm thế nào thì làm...Cái chế độ tù đày của cộng sản tôi thấy quá khổ...Tôi định là khi khỏe mạnh lại, tôi sẽ làm đơn kiện. Họ bắt người vô tội, không có tội mà họ đem ra xử mình tới 19 năm.Ông Nguyễn Tuấn Nam.
Hai tù nhân chính trị này bất ngờ được trả tự do trong khi không có người tù lương tâm nào được phóng thích đầu tháng này nhân dịp đặc xá 2/9 hằng năm.
Có tin nói Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã tiếp xúc, thăm hỏi ông Trần Tư và đang xúc tiến hồ sơ cho ông về Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, ông Nguyễn Tuấn Nam đang trong tình trạng sức khỏe cực kỳ suy yếu, không thể tự đi đứng, và cũng không có thân nhân. Ông bị tai biến liệt nửa người trong trại giam từ đầu năm ngoái.
Trao đổi với VOA Việt ngữ qua đường dây điện thoại tối 29/9, ông Nam nói giới hữu trách đã thuyết phục ông phải làm đơn xin khoan hồng để được ‘ân xá’, mặc dù bản thân ông không muốn được ‘đặc xá’ bằng cách như vậy vì ông không cho mình là có tội.
“Tôi nói tôi không có tội, tôi không làm giấy tờ gì, không làm đơn từ gì hết, muốn làm thế nào thì làm. Mười mấy người cán bộ chủ chốt trong trại đến vận động để tôi làm đơn xin tha. Cái chế độ tù đày của cộng sản tôi thấy quá khổ, kể cả về ăn uống nghỉ ngơi. Tôi định là khi khỏe mạnh lại, tôi sẽ làm đơn kiện. Họ bắt người vô tội, không có tội mà họ đem ra xử mình tới 19 năm.”
Một người từng bị giam chung với ông Nam trong 2 năm (2009-2011), cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, nói về người bạn tù Tuấn Nam:
“Ông Nguyễn Tuấn Nam mà chúng tôi hay gọi là bác Bảo Giang là người rất đứng đắn, đàng hoàng, có tư cách. Cuộc sống trong tù thường rất khó khăn, nhiều anh em không kiềm được cảm xúc, nhưng bác Giang rất ôn hòa, rất dễ mến. Đặc biệt ông là một người tù chính trị rất kiên cường.”
Trong thông cáo phổ biến ngày 28/9, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm mạnh mẽ lên án việc nhà cầm quyền đàn áp những tiếng nói đối lập ôn hòa và dùng tù nhân chính trị làm con tin để mặc cả đổi lấy quyền lợi từ quốc tế.
Những người từng bị tù đày vì bất đồng chính kiến với nhà nước kêu gọi các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lưu ý tới trình trạng của các tù nhân lương tâm Việt Nam và đẩy mạnh điều kiện nhân quyền trong các cuộc thương thảo với Hà Nội để giúp bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.
Vụ phóng thích 2 tù nhân Trần Tư và Nguyễn Tuấn Nam xảy ra vài ngày trước cuộc họp của Ngoại trưởng hai nước Mỹ-Việt tại Washington, sau khi có tín hiệu Mỹ sắp nới lỏng lệnh cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam.
Hoa Kỳ nói nhân quyền là một phần hết sức quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay giữa căng thẳng Biển Đông, chính sách tái cân bằng của Washington ở Châu Á, và các cuộc thương lượng Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ-Nhân quyền-Lao động, trưởng phái đoàn Mỹ tham gia đối thoại nhân quyền với Việt Nam hồi tháng 5, khẳng định quan hệ quân sự và thương mại hai nước sẽ tiến sâu hơn nữa khi Hà Nội cải thiện nhân quyền. Ông Tom Malinowski nói với VOA Việt ngữ vấn đề nhân quyền Việt Nam nằm rất cao trong nghị trình năm nay.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam thừa nhận có những khác biệt về nhân quyền giữa các nước, và vẫn theo lời ông, đó là lý do vì sao Việt Nam hằng năm tiến hành nhiều cuộc đối thoại về vấn đề này với các nước, trong đó có Hoa Kỳ.