Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý tái khởi động dự án xây dựng đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội "tầm cỡ khu vực và quốc tế" với việc sẽ ban hành qui chế đặc biệt cho dự án đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam, mà ĐHQG Hà Nội sẽ là “nòng cốt.”
Truyền thông Việt Nam loan tin vào sáng 12/9 rằng khi thăm cơ sở trường tại khu Hòa Lạc, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhiều kiến nghị nhằm xây dựng cơ sở này xứng "tầm khu vực và quốc tế."
Báo VietnamNet trích lời ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói rằng: "Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể xây dựng một ĐHQG rộng, đẹp, xứng tầm đẳng cấp quốc tế."
Báo này cũng cho biết rằng Thủ tướng đồng ý chủ trương quy hoạch lại khu đô thị ĐHQG Hà Nội, trong đó bổ sung vốn đầu tư để giải phóng mặt bằng cho khu đô thị đại học; vay 200 triệu đôla vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng các công trình thiết yếu; vay vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản để xây dựng dự án đại học Việt Nhật.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, cựu hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Thông tin nói rằng quyết định này cũng có thể làm nhiều trường không vui, trong đó có các trường tư:
“Nếu xét đến tính cạnh tranh thì đương nhiên nhiều người sẽ không vui.”
Tương tự như vậy, giáo sư – tiến sĩ Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia nói rằng ông e ngại quyết định này có thể gây nên sự bất bình đẳng giữa các trường đại học trong nước:
“Tôi nghĩ rằng cũng không nhất thiết phải làm như vậy vì sẽ gây ra chuyện bất bình đẳng giữa các trường đại học.”
Báo VNExpress trích lời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói rằng cái vướng của Đại học Quốc gia Hà Nội là cần thay đổi quy hoạch khu Hòa Lạc cho phù hợp với tình hình mới: “việc cấp bách nhất là đầu tư giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp chưa đầu tư xây dựng thì bị tái lấn chiếm.”
Ông Nhạ nói: “Tôi cũng thống nhất cần có cơ chế đặc biệt cho Đại học Quốc gia như cơ chế dành cho khu công nghệ cao Hòa Lạc.".
Ông Phúc được báo chí trích lời nói: “Tôi và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội ý và quyết tâm xây dựng một khu đô thị đại học mà Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt.” Sau đó, “trường nào muốn gia nhập Đại học Quốc gia thì sẽ được chào đón,” ông Phúc nói tiếp.
Ông Phúc còn nói thêm: “Trường sẽ là đơn vị đi đầu với chất lượng đào tạo, gắn với cách mạng công nghệ 4.0.”
Vì nền giáo dục Việt Nam còn thấp kém, các cơ sở đào tạo đại học trong nước có thể “chấp nhận” việc tập trung xây một đô thị đại học có tầm quốc tế như đề xuất, tiến sĩ Trần Thị Hồng nói:
“Đối với một nước nghèo như nước mình thì thôi đành phải chấp nhận cơ chế đặc thù này, vì nếu đầu tư dàn trải rất khó có thể có một đại học nào đó mà ngang tầm thế giới.”
Tiến sĩ Trần Thị Hồng còn chia sẻ rằng nếu tập trung đầu tư vào một trường nào đó để làm đầu tàu kéo các trường khác phát triển thì đó cũng là một xu hướng hợp lý.
Cụ thể hơn, giáo sư Phạm Duy Hiển nói rằng Việt Nam cần tập trung phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đó dạy và học một cách bài bản, thay vì tập trung phát triển giáo dục chạy theo quy mô và thành tích:
“Vấn đề là làm thế nào để sinh viên học thật sự và thầy giáo quyết tâm dạy – dạy một cách bài bản chứ không phải lớt phớt – theo hướng tập trung mang lại hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho đất nước, chứ không phải chạy theo thành tích, khoe khoang với nước này, nước khác.”
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu công nghiệp Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003.
Mục tiêu chính của dự án là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án mới được đầu tư 1.700 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường.