Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 của Việt Nam đã ở mức 12,31%/năm, nhưng trong tuần qua chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng giá điện thêm hơn 15%, tiếp theo sau việc tăng giá xăng thêm 18%.
Với người tiêu dùng Việt Nam, giá cả tăng là điều họ lo sợ nhất, đặc biệt là đối với những gia đình có thu nhập thấp.
Chị Loan, một người làm nghề giúp việc ở Hà Nội chia sẻ:
“Bây giờ giá cả thị trường tăng lên nhiều quá! Chẳng hạn, xăng tăng thêm 2.900 đồng, điện cũng tăng lên 15.000 – 16.000 đồng. Những người dân như tôi thì thu nhập rất thấp, lương chỉ khoảng 2 triệu hoặc hơn 2 triệu mà cái gì cũng tăng giá lên như thế. Trước đây, bọn tôi tính toán chi tiêu còn đủ được, nhưng bây giờ thì thực sự rất khó khăn. Trước đây, nếu tôi cầm 100.000 đồng ra chợ thì có thể mua được nhiều thứ thực phẩm, nhưng bây giờ chẳng mua được gì mấy vì bây giờ một mớ rau đã có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng một mớ rồi.”
Chị Loan cho biết hiện giờ gia đình chị đang lo lắng không biết làm sao để bù đắp vào khoản thiếu hụt khi mà tiền lương thì vẫn chỉ có vậy.
“Nhà tôi rất chóng mặt về chuyện điện, nước, rồi xăng tăng giá. Với cái thời buổi giá cả như vậy bọn tôi không biết sẽ lần đâu ra tiền mà sân siu (tính toán) cho đủ nữa đây. Hồi trong năm giá tăng đã lo rồi, bây giờ nhà nước tăng vọt giá cả lên. Khi tôi nghe thấy nói xăng tăng lên 2.900/lít thì tôi sợ và hoảng quá. Tôi nói: 'sao mà nhà nước tăng giá ghê thế! tăng cũng phải vừa thôi' cho dân nghèo như bọn tôi còn phải tính toán chi tiêu, chứ lên nhiều như vậy thì dân nghèo như chúng tôi rất khó khăn.”
Xăng và điện là các hàng hóa thiết yếu trong đời sống của người dân Việt Nam và giá cả của các mặt hàng này gia tăng không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của những người lao động, công nhân, là những người có thu nhập thấp, mà cả những người làm việc cho các tổ chức nước ngoài, được cho là có thu nhập khá, cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Chị Thủy làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận của nước ngoài ở Hà Nội nói rằng xăng và điện tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng khác và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả những nhân viên văn phòng như chị:
“Tôi nghĩ tăng như vậy cũng hơi cao vì lương của chúng tôi thì không tăng. Công việc của chúng tôi đòi hỏi phải đi lại rất nhiều, mà giá xăng tăng thì có nghĩa là chi phí đi lại cũng tăng theo. Thật ra xăng mà tăng thì tất cả các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng. Theo tôi được biết thì hàng hóa trong siêu thị cũng tăng đến 15%, hoặc ví dụ như ngày xưa chúng tôi ăn cơm bình dân hoặc ăn phở buổi sáng thì chỉ từ 20.000 đến 25.000 đồng thôi, thế nhưng mà bây giờ tăng đến 30.000 đến 35.000 đồng. Giá tiền thì tăng lên mà chất lượng phở lại giảm đi chứ không được đầy đặn như ngày trước. Tôi nghĩ là như bọn tôi là dân văn phòng thì vấn đề ăn trưa hay ăn sáng thì nó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.”
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, chị Ngọc Châu, người đang làm việc cho một công ty nước ngoài nói rằng các bà nội trợ trong gia đình bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng về vấn đề giá cả trong tương lai.
“Cái gì cũng lên giá, nói chung là sắp tới là thấy tình hình không có gì khả quan, vì thấy nào là giá cước phí xe cộ, rồi đủ thứ đều tăng. Chỗ tôi vẫn mua sữa cho con cũng gọi điện nói là sữa sẽ lên giá rồi kéo theo các sản phẩm bơ, sữa cũng lên giá, đường cũng lên giá. Nói chung là kinh khủng quá. Mặc dù chưa thấy ảnh hưởng ngay nhưng thấy tương lai thì mờ mịt quá.”
Theo chị Thủy ở Hà Nội những người xung quanh chị ai cũng phàn nàn về tình trạng giá cả gia tăng và vấn đề này cũng đã trở thành chủ đề bàn tán ở văn phòng mỗi ngày:
“Tất cả mọi người đều kêu ca. Vào các buổi trưa hoặc buổi sáng khi đến văn phòng thì bao giờ mọi người cũng hay than phiền về chuyện cái gì cũng đắt đỏ. Thậm chí dân văn phòng thường truyền tay cho nhau đọc những bài thơ vui hay châm biếm về tình hình giá cả hiện nay.”
Sau khi chính phủ quyết định tăng giá điện trong tuần này, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng việc tăng giá nhiên liệu cộng với điện tăng giá sẽ hạ thấp mức sống của người dân Việt Nam.
Chị Vân, nhân viên một công ty tư nhân ở Hà Nội, người thuộc tầng lớp trung lưu, cũng đồng tình với quan điểm này. Chị cho biết khoản đầu tiên chị cắt giảm sẽ là chi phí trong các bữa ăn gia đình cùng các khoản chi tiêu khác:
“Khi mình mua bán một cái gì đó thì mình phải suy tính nhiều hơn và phần tiết kiệm thì sẽ ít hơn, thậm chí nhiều người không còn tiền tiết kiệm nữa, những người ở tầng lớp trung lưu cũng sẽ hạn chế đi du lịch hơn.”
Còn chị Châu ở TP. Hồ Chí Minh thì cho hay gia đình chị sẽ phải tiết kiệm hơn và sẽ không sử dụng các thiết bị hiện đại để đỡ tốn điện mà có lẽ sẽ quay lại cách sống của thời bao cấp.
“Máy sấy quần áo bây giờ không dùng nữa mà đem đi phơi nắng, rửa chén thì phải múc nước ra thau giống như thời bao cấp chứ không xối nước nữa.”
Ngoài ra chị Châu cho hay các khoản giải trí cũng sẽ phải cắt giảm:
“Nhưng mà cái đó nó không ảnh hưởng đến sức khỏe thì tạm thời cứ như thế cái đã. Cái đó nó thể hiện một phần sự văn minh, nhưng mà thôi, thời buổi này cứ ăn no, mặc ấm cái đã, văn minh thì từ từ tính sau.”
Tuy nhiên, tình hình giá cả tăng dường như ảnh hưởng nhiều hơn tới giới trẻ, trong khi những người già đã về hưu thì lại cảm thấy bình thản hơn trước những thông tin tăng giá.
Bà Giang, 70 tuổi, ở Hà Nội cho rằng nhu cầu của những người già không nhiều như giới trẻ, và hơn thế nữa thế hệ của bà đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn hơn nhiều, nên họ nhìn sự việc một cách lạc quan hơn mặc dù đồng lương hưu của bà cũng không thể tăng theo kịp với tỷ lệ lạm phát:
“Với cái đồng lương và nhu cầu của tôi thì tôi cũng không bị ảnh hưởng mấy. Đôi khi tôi lại nói đùa rằng ‘có khi như thế này tôi lại có thể giảm được những bệnh của người già như là bệnh béo phì, hoặc cao huyết áp, hoặc tiểu đường vì giá cả tăng thì tôi phải điều chỉnh thức ăn của mình.’ Nhưng chắc chắn là giá tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến lớp trẻ vì nhu cầu của lớp trẻ về xăng, về điện thì nhiều hơn, vì vậy đời sống của họ sẽ ảnh hưởng nhiều.”
Cam kết đặt kiềm chế lạm phát lên thành ưu tiên hàng đầu, chính phủ Viêt Nam đã loan báo một loạt các biện pháp bình ổn giá cả và ổn định kinh tế trong số đó có việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ thêm 10%, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, ổn định tỷ giá và giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, những người dân thường như chị Loan, chị Thủy, chị Vân, chị Châu thì vẫn rất lo lắng và cho rằng sẽ khó có thể ổn định được giá cả trong thời gian tới. Chị Châu nói:
“Mình cũng thấy đọc báo cũng nói là quyết liệt chống lạm phát, nhưng mà thấy chống lạm phát gì mà xăng tăng, nước tăng, điện tăng, vàng tăng, đôla tăng, tôi không hiểu giảm ở chỗ nào.”
Trong khi những người lớn tuổi như bà Giang thì cho rằng không chỉ ở Việt Nam mới có hiện tượng giá cả tăng mà ở các nước khác cũng có tình hình tương tự và bà cảm thấy điều quan trọng là làm sao giữ được sự bình ổn xã hội để không xảy ra các xáo trộn như ở những nước khác.
“Người dân thì mong muốn những người lãnh đạo cũng phải có những chính sách để làm sao cho bình ổn cuộc sống, và Việt Nam là một nước tương đối bình ổn trong khu vực, nhưng cuộc sống thì chưa được cao, nhất là đối với người lao động vì vậy đó là vấn đề cần được quan tâm.”
Trên đây là ý kiến của một số người dân ở Việt Nam về tình hình lạm phát. Giá cả tăng ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày của quí vị? Hãy chia sẻ ý kiến với chúng tôi cùng những độc giả khác ở dưới bài viết này. Xin cảm ơn quí vị.
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong tháng Hai đã lên tới 2 chữ số và giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng và điện lại tiếp tục tăng. Điều này ảnh hưởng thế nào đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người phụ nữ Việt Nam, những người thường chịu trách nhiệm quản lý tài chính trong gia đình? Họ đối phó thế nào với tình hình giá cả tăng vọt hiện nay?
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1