Một tướng công an của Việt Nam vừa lên tiếng cảnh báo về Trung Quốc với báo New York Times của Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn cho bài viết về chuyện các công ty viễn thông Việt Nam đang lẳng lặng tránh xa công ty viễn thông Huawei, Tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an nói:
“Cả thế giới cần cảnh giác với Trung Quốc… Nếu một siêu cường như Hoa Kỳ coi Trung Quốc là mối đe doạ an ninh mạng thì đương nhiên là Việt Nam [cũng] phải thế.”
Cảnh báo của Tướng Cương được đăng báo giữa lúc cuộc đối đầu trên biển giữa tàu cảnh sát biển hai nước ở Bãi Tư Chính được cho là vẫn “căng thẳng”.
Mặc dù không công bố những gì thực sự đang diễn ra tại vùng biển “thuộc quyền tài phán của Việt Nam” trong suốt nửa đầu tháng Bảy, trang tin Chính phủ nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hôm 11/7.
Báo điện tử của Chính phủ cũng nói ông Phúc đã “[t]rực tiếp nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ” và “đề nghị thuyền trưởng các tàu báo cáo tình hình khu vực biển mà tàu đang làm nhiệm vụ”. Báo không nói các thuyền trưởng trên các tàu đang đối đầu với đối thủ ở Bãi Tư Chính có nằm trong số sỹ quan ông Phúc đề nghị báo cáo tình hình hay không.
Mới đây ông Phúc cũng có hành động mà Bắc Kinh có lẽ không ưa gì khi ông tươi cười tiếp cận Tổng thống Trump, nhân vật Trung Quốc đang ghét cay ghét đắng, tại một hội nghị ở Nhật Bản.
Hồi đầu năm nay đánh dấu 40 năm cuộc chiến đẫm máu dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc hồi năm 1979 trong đó hàng chục ngàn người Việt đã ngã xuống. Trước đó Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hoà trong trận hải chiến đầu năm 1974.
Trong căng thẳng mới nhất ở Bãi Tư Chính, các tàu Trung Quốc được cho là đã được tiếp nhiên liệu từ đá Gạc Ma mà họ đã dày công gia cố sau khi chiếm được từ tay Việt Nam trong hải chiến năm 1988 trong đó hàng chục lính hải quân Việt Nam tử trận.
Lẳng lặng dửng dưng
Bài đăng hôm 18/7 trên New York Times dẫn lời các chuyên gia nói Việt Nam không muốn chọc giận Trung Quốc và buộc phải có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh nhưng luôn giữ để không quá gần ông láng giềng mà họ biết rằng cần phải cảnh giác.
Báo này nói khác với ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan, các công ty viễn thông lớn tại Việt Nam hợp tác với Ericsson và Nokia để phát triển mạng 5G chứ không phải với Huawei.
“Hãng lớn nhất trong số đó, Viettel, cũng không dùng thiết bị của Huawei trong mạng 4G hiện nay cho dù họ không có vấn đề gì khi dùng công nghệ Trung Quốc ở một số nước mà các chi nhánh của họ cung cấp dịch vụ 4G như Cam Pu Chia, Lào và Peru,” phóng viên Raymond Zhong của New York Times viết. Viettel giải thích với báo Hoa Kỳ rằng lý do là họ có các thoả thuận khác nhau với Huawei tại các thị trường khác nhau.
Phóng viên Raymond Zhong cũng nói thêm rằng Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng thấy khó xử khi bị hỏi về Huawei và muốn kết thúc cuộc phỏng vấn càng nhanh càng tốt. Còn Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng lúc đầu đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng khi phóng viên tới Hà Nội đã hoãn rồi huỷ luôn.
Các quan chức Việt Nam rõ ràng rất e ngại khi phải nói tới các vấn đề nhạy cảm liên quan tới ông láng giềng khổng lồ với tham vọng cũng khổng lồ, nhất là ở Biển Đông nơi Bắc Kinh coi biên giới biển tuỳ thuộc vào sức mạnh của họ. Dù cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội hẳn ước gì họ không phải là hàng xóm của ‘ông bạn bốn tốt’ mà trong 40 năm qua đã ba lần khiến máu người Việt đổ xuống cả trên đất liền và trên biển. Nhưng sự thật đúng như Tiến sỹ Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nói với New York Times: “Chúng tôi không thể nhấc đất nước lên và đặt vào chỗ nào khác được.”