Đường dẫn truy cập

VinFast muốn thay đổi chiến lược bán xe ở Mỹ, các đại lý thận trọng


Một đại lý bán xe VinFast ở Mỹ
Một đại lý bán xe VinFast ở Mỹ

Hãng ô tô điện VinFast đã khiến các đại lý xe ở Mỹ vừa hồ hởi vừa thận trọng khi hãng muốn thay đổi cách bán xe trên thị trường Mỹ.

VinFast, đã nhập gần 3.000 xe vào Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái, hôm 15/8 cho hay họ đang thay đổi mô hình phân phối vốn lâu nay làm theo kiểu của Tesla là hãng bán trực tiếp cho khách hàng. Nhưng bây giờ, họ cũng muốn bán xe thông qua các đại lý.

Một số đại lý xe ở Mỹ được Reuters liên hệ cho biết họ đón nhận ý tưởng này, nhưng họ họ cần biết thêm chi tiết về kế hoạch của VinFast, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu đối với đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng và bảo hành xe.

“Thị trường có chỗ cho thêm thương hiệu xe mới không? Có lẽ là có. Nhưng vẫn còn quá sớm, chưa thể nói gì”, George Glassman, chủ tịch Glassman Automotive Group, đại lý bán ô tô cho năm thương hiệu ở ngoài Detroit, nói với Reuters. “Tôi cần phải biết nhiều hơn trước khi có quyết định sáng suốt”.

“Mở cửa hàng riêng thì quá tốt rồi nhưng nó mất rất nhiều thời gian”, bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast nói với Reuters. “Bản chất của chúng tôi luôn là hợp lực với các đối tác khác để đi nhanh hơn”.

VinFast đã mở 122 cửa hàng trên toàn cầu tính đến tháng 6 với hầu hết trong số đó đặt ở miền Tây nước Mỹ. Các quan chức của hãng cho biết ngoài bán hàng trực tiếp cho khách hàng, VinFast sẽ hợp tác với các đại lý để mở các điểm bán hàng mới ở Bắc Mỹ và các thị trường toàn cầu khác.

“Chúng tôi hiện đang xác định các điều khoản của mô hình bán xe mới này và đang bàn thảo với các đối tác tiềm năng. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới”, bà Thủy cho biết trong một thông báo.

Các đại lý Mỹ cho rằng còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, bao gồm VinFast sẽ phân phối phụ tùng cho sửa chữa như thế nào.

“Các đại lý phải nghĩ cho danh tiếng (của chính họ)”, ông Scott Fink, giám đốc điều hành Fink Automotive Group, bán xe cho các thương hiệu VW và Subaru gần Tampa, Florida, nói. “Nếu tôi bán một chiếc xe cho anh mà anh không tìm được tấm tai xe để thay, thì chắc chắn anh sẽ tức tối với tôi. Tôi sẽ không làm điều đó đâu”.

“Đi vào chi tiết mới chết”, ông nói thêm. Trong khi Tesla đã khẳng định vai trò dẫn đầu thị trường xe điện, các hãng khởi nghiệp khác rất vất vả để đi lên, các đại lý cho biết. Thêm vào đó, VinFast sẽ cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời như GM, Ford và Hyundai vốn đều có mẫu xe điện của riêng họ.

“Điều đầu tiên cần xem xét là trong 5 năm nữa liệu anh có còn đứng vững hay không? Đó là mối bận tâm lớn”, ông Andrew DiFeo, giám đốc đại lý Hyundai ở St. Augustine, Florida, nói.

Một số đại lý đưa ra quan điểm rằng VinFast có thể phải chia cho họ mức lợi nhuận hấp dẫn hơn để bù cho mức rủi ro cao. Ngoài ra, VinFast có thể cần phải có chế độ bảo hành tốt hàng đầu cho xe của họ để khách hàng yên tâm.

Những việc này khiến ông Warren Browne, nhà tư vấn trong ngành và cựu giám đốc điều hành GM, không hào hứng.

“Đó là con đường chết”, ông nói về kế hoạch bán hàng thông qua đại lý. “Các đại lý sẽ rút mất của họ nhiều giá trị. Đó là một chiến lược sẽ làm họ bị bầm dập trên thị trường Wall Street”.

Nhưng với thực tế là hiện nay các đại lý xe đang bán xe với mức giá cao chưa từng thấy, sẽ có đủ con số các đại lý đánh cược vào VinFast, ông Rhett Ricart, Giám đốc điều hành Ricart Automotive Group ở Columbus, Ohio, bán xe cho 10 thương hiệu, nhận định. Nhiều người cũng đánh giá cao việc VinFast đã khởi công nhà máy đầu tiên tại Mỹ.

Các đại lý cũng cho rằng việc chưa có thương hiệu vững chắc không phải dấu chấm hết vì Toyota, Honda và Hyundai cũng khởi đầu chưa có gì sau đó mới đi đến thành công.

“Nếu đó là sản phẩm tốt và được bảo hành tốt, dân Mỹ sẽ mua”, ông Ricart nói.

VinFast hôm 15/8 đã chào sân trên thị trường chứng khoán Mỹ và giá cổ phiếu của họ đã tăng vọt, có lúc đưa giá trị vốn hóa của họ lên đến 85 tỷ đô la - cao hơn nhiều so với Ford hoặc General Motors.

Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu VinFast đã lao dốc và rớt xuống còn 20 đô la, tức giảm 33,6% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm 17/8, đưa tổng mức giảm trong hai phiên vừa qua lên 46%.

Với 99% cổ phần do tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ, số lượng lưu hành nhỏ giọt khiến cổ phiến VFS dễ biến động.

Chỉ có lượng cổ phiếu VFS tương đương với 44 triệu đô la đã được giao dịch hôm 17/8, so với số lượng cổ phiếu có giá trị 27 tỷ đô la của Tesla trong cùng phiên.

“Giá cổ phiếu lên mạnh vào lúc đầu dường như là do nhu cầu mua bán – rất nhiều người mua trong khi lượng cổ phiếu lưu hành ít ỏi – và sẽ rất khó để duy trì mức giá này, nhất là khi có thêm cổ phiếu đưa ra thị trường”, ông Meckler nói.

Diễn đàn

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG