Các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cảm thấy lo ngại về điều mà họ cho những thành phần bảo thủ trong Đảng Cộng Sản đang tìm cách ngăn chặn đà tiến của công cuộc cải cách.
Phái viên Tim Johnston của tờ Financial Times ở Anh cho biết như thế trong bài tường thuật đánh đi từ Hà Nội hôm thứ Ba.
Bài viết cho rằng trong một loạt những loan báo hồi gần đây, các giới chức chính phủ đã đề ra những kế hoạch kiểm soát giá cả và hạn chế nhập khẩu; và điều đó đã gặp phải sự phê phán công khai của các nhà đầu tư nước ngoài – là những người thường kín đáo trong việc chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Ông Matthias Duhn, Giám đốc Phòng Thương mại Âu Châu ở Việt Nam, mới đây đã viết trên trang nhà của cơ quan ông rằng “giới lãnh đạo Việt Nam đang muốn thực hiện một bước lùi không hợp lý để giải quyết vấn đề ngăn chận nguy cơ lạm phát và qua đó họ gây ra mối rủi ro cho phần lớn những thành quả mà Việt Nam đạt được trong những năm gần đây”.
Các biện pháp được đề ra trong những thông tư của chính phủ có mục đích điều chỉnh những sự mất cân bằng kinh tế đang xuất hiện, nhưng các doanh gia nước ngoài cho rằng đó là những biện pháp thô sơ và sẽ không có hiệu quả.
Ông Hank Tomlinson, Chủ tịch công ty Chevron Vietnam và là Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ ở Việt Nam, mới đây đã viết một lá thư ngỏ cho vị Bộ trưởng Tài chánh của Việt Nam.
Trong thư có đoạn nói rằng “chúng tôi nhận thức mối nguy hiểm của nạn lạm phát và những thách thức kinh tế khác của Việt Nam, nhưng chúng tôi không tin là thông tư được đề nghị sẽ hữu ích cho việc đạt được những mục tiêu kinh tế của chính phủ”.
Một đề nghị bị chỉ trích nhiều nhất là đề nghị trao lại cho chính phủ quyền ấn định giá cả của các mặt hàng then chốt như xăng dầu, thép, xi măng, sữa và dược phẩm.
Theo phái viên Tim Johnson, có rất ít dấu hiệu cải cách trong bài diễn văn mới đây của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ông Nông Ðức Mạnh nói rằng chính phủ đang ra sức duy trì ổn định và tranh đấu chống lại mọi mưu toan của những thế lực thù địch bằng cách ngăn không cho họ lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng để phá hoại cuộc cách mạng của Việt Nam.
Các nhà phân tích cho rằng không mấy ai trong chính phủ Việt Nam tin là nên hoặc có thể mang ông thần tư bản bỏ lại vào trong chai. Tuy nhiên một số người thuộc phe bảo thủ đang lo ngại là những tiến bộ kinh tế đang làm cho đảng mất dần quyền kiểm soát.
Lời kêu gọi “tranh đấu chống các thế lực thù địch” của Nông Đức Mạnh được đưa ra trong lúc có sự tăng mạnh của con số những người viết blog và những nhà hoạt động dân chủ bị kết án tù vì những điều mà nhà chức trách cho là tội phạm, kể cả việc cổ xướng cho dân chủ đa đảng và nêu lên nghi vấn về những mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Nguồn: Financial Times, European Chamber of Commerce in Vietnam
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1