Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tổ chức hội thảo về những nỗ lực chung của hai nước nhằm “Xử lý những vấn đề chiến tranh để lại” hôm 26/3 tại thủ đô Washington.
“Những nỗ lực chung của Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm xử lý những vấn đề chiến tranh để lại không chỉ là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ của chúng ta, mà có lẽ còn là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh của sự hàn gắn giữa các cựu thù,” Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết trong một thông báo hôm 25/3.
Cuộc hội thảo do Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tổ chức tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ tại Washington D.C. sẽ thảo luận những nỗ lực chung nhằm tìm kiếm một cách đầy đủ nhất có thể những người mất tích trong chiến tranh, xử lý những mối đe dọa từ vật liệu chưa nổ và tẩy rửa các điểm nóng về dioxin.
Viện Hòa bình cho biết Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Joseph Felter sẽ phát biểu tại cuộc hội thảo kéo dài một ngày này.
Vào tháng 12/2018, Hoa Kỳ và Việt Nam đã kỷ niệm 30 năm hợp tác trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ có hơn 58.000 lính Mỹ đã chết, và gần 2.000 người mất tích tại Việt Nam.
Theo cơ quan tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong cuộc chiến này, có hàng triệu người dân Việt Nam thiệt mạng, thương tật, trong đó có 300.000 quân nhân mất tích và hiện còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Cũng trong diễn biến liên quan, ngày 25/3, tại trụ sở LHQ ở New York đã diễn ra một cuộc hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam do Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức, theo Báo Quân đội Nhân dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, phát biểu trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam hôm 25/3/2018:
“Mỹ có những chuyển biến, nhưng cho đến nay các chính quyền Mỹ vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng đến năm 2007, Quốc hội Mỹ đã phân bổ 3 triệu đôla và đến 2009 thì thêm 6 triệu đôla cho chương trình chất độc da cam. Và cho đến nay họ vẫn tiếp tục cho việc hỗ trợ này.”
Còn theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, kể từ năm 2000, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và vấn đề chiến tranh để lại. Các hoạt động hợp tác bao gồm loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt của những người mất tích, xử lý dioxin, giải quyết hậu quả về sức khỏe do chiến tranh gây ra.