Việt Nam nói “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và yêu cầu Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”
Trả lời tại cuộc họp báo chiều ngày 3/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày 2/8/2017 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức.”
Dù các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi cụ thể "Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không? Và liệu bà có nghĩ vụ việc này có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước không? Hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?" nhưng bà Hằng không trả lời thẳng, mà chỉ nói: “Theo thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an và đã được báo chí đăng tải, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra,” như báo Tuổi trẻ loan tin.
Bà Hằng cũng không trả lời câu hỏi của hãng tin Đức DPA rằng "Bà phản ứng như thế nào về thông tin của luật sư ông Trịnh Xuân Thanh cho biết ông này đang xin tị nạn ở Đức?"
Trước đó, thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA ngày 2/8 có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”
Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi bộ Ngoại giao Đức cho rằng họ đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tùy viên tình báo Việt Nam tại Berlin đã rời Đức hay chưa tính đến chiều 3/8 ở Đức.
Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7, và việc này "vi phạm luật pháp Đức và quốc tế."
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”
Chính quyền Berlin cũng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị G20 ở Đức hồi đầu tháng trước.
Ông Trịnh Xuân Thanh là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đã bị khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản.”
Tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, Trịnh Xuân Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Tháng 3/2017, trong khi đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế, Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố thêm tội tham ô tài sản do liên quan tới vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Reuters, Tuổi Trẻ)