Đó không phải là thứ mà nhân dân từng nghĩ là mình có. Đó cũng không phải là câu nói mà người thấp cổ bé họng kêu gào trước các dinh thự mang tên “nhân dân”, mà đó là câu nói khẳng định của một cán bộ tuyên giáo cao nhất nước về quyền của Đảng mà ông là người đại diện.
Nguyên văn câu nói của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương: “Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạy là quyền của chúng ta” được phát biểu trong ngày 5 tháng 7 tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
Đây là lần thứ hai ông Võ Văn Thưởng chỉ đạo cấp dưới về vai trò của Internet đã, đang và còn gây nguy hại cho Đảng, cho chính phủ. Lần trước ông nói về mạng xã hội lần này ông nói về các thế lực đang lợi dụng Internet để chống đối lại chính quyền, và người dân thật sự ngạc nhiên khi ông Thưởng khẳng định, cho bao nhiêu làn xe chạy trên đó là “quyền của chúng ta”.
Vậy “chúng ta” là ai mà quyền hành bao trùm cả đất nước như vậy?
Không khó để trả lời, chúng ta là Đảng cầm quyền mà ông Võ Văn Thưởng là người phát ngôn cho sự thật mà bao năm nay Đảng vẫn cố tránh né, hay nói đúng hơn cố sơn phết bề ngoài với hàng trăm khẩu hiệu mà khẩu hiệu lớn nhất, hay nhất, ăn tiền nhất là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” vẫn đang còn treo trên khắp mọi miền đất nước.
Từ “của dân” nay trở thành “của chúng ta”, ông Thưởng lật lá bài tẩy mà Đảng vẫn cố giấu về cái “quyền” mà người dân vẫn mơ hồ nghĩ là của mình. Cái quyền bé tí nằm trong Hiến pháp lâu quá không ai lật ra xem nay đã bị bụi thời gian che khuất. Quyền con người trong đó bao gồm quyền bày tỏ chính kiến, quyền lên tiếng trước cái hư đốn, bất toàn của chế độ, quyền mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân trong đất nước nay đã trở thành câu chữ thời thượng, làm dáng và hoàn toàn vô nghĩa trước nhà nước, trước chính quyền nhân dân.
Ông Thưởng không nói ngoa, ông chỉ trình bày sự thật và sự thật thì mất lòng. Người mất lòng là dân chúng, những người bị tước mất cái “quyền” của mình mà bây giờ mới biết.
Nhưng ông Võ Văn Thưởng, trong vai trò một cán bộ tuyên giáo cao cấp nhất của Đảng không ngại ngùng gì khi lật luôn con bài xấu xí của nhà cái, con bài mà ông gọi là 3 thành phần đang làm cho nghẽn lối đi trên xa lộ Internet và ông nhắn lại với nhân dân rằng ông muốn cho chạy hay cấm lúc nào cũng được, vì đó là quyền của ông, quyền của Đảng.
Ba nhóm đối tượng mà ông Thưởng chỉ ra làm cho không ít người ngạc nhiên, nhất là nhóm thứ nhất mà ông gọi là nhóm 1 “bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản”. Luận cứ này đúng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khi miền Nam đại diện cho chế độ tự do dân chủ chống lại cuộc chiến mà Cộng Sản phát suất từ Liên xô lan tràn trên khắp thế giới. Lúc ấy miền Nam phải nghiên cứu chủ thuyết Mác Lê, Chủ nghĩa xã hội nhằm vạch trần những ngụy biện, những sai lầm hay những biện giải mà người dân bình thường khó hiểu được ngọn ngành. Thế nhưng từ khi đất nước gom về một mối thì không mấy ai phải tra sách, vào thư viện hay tìm tòi về học thuyết mà người cộng sản gối đầu giường nữa. Lý do: mọi lý thuyết đều được phơi bày trước mặt người dân từ thực tiễn đời sống.
Vì vậy đào đâu ra những người “nghiên cứu lý luận giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản” trên không gian mạng Internet như ông Thưởng áp đặt. Nếu có, ông nên mừng và nên phát huy vai trò của họ vì đơn giản là còn ai tin chủ nghĩa xã hội nữa mà nghiên cứu?
Nhóm thứ hai ông Thưởng nhắc đến là những tổ chức cực đoan ở hải ngoại như Việt Tân, hay Việt Nam Phục Quốc… đang lợi dụng Internet để chống phá Việt Nam. Lập luận này khá mù mờ vì với sức mạnh của Việt Nam hiện nay, công an dễ dàng ngăn cản mọi đường truyền không phù hợp với khẩu vị nhà nước không cho mọi lập luận phản lại cách mạng và lũng đoạn thể chế mà ông Thưởng khẳng định toàn quyền cấm hay không cấm.
Nhóm thứ 3, có lẽ là nhóm mà ông Thưởng lo lắng nhất nhưng cố che dấu đem nó xuống hàng thứ yếu để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của nó. Đó là “lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá.”
Từ nhiều năm nay những người phản tỉnh trong đảng ngày càng nhiều. Họ là những đảng viên cao cấp nằm trong hệ thống quyền lực nhưng sớm nhận ra sai lầm của mình khi bỏ cả tuổi thanh xuân ra làm bàn đạp cho Cộng sản cướp chính quyền và sau đó cướp cả quyền sống của nhân dân. Họ là những đảng viên trung cấp suốt đời tận tụy cho guồng máy nhưng đổi lại là những bi kịch mà họ và gia đình phải đối mặt hàng ngày dưới chế độ mà họ hết lòng bảo vệ. Họ là những đảng viên oan vì mất đất, mất nhà mất cả sổ hưu vì lên tiếng chống lại chính sách trưng thu đất của nhà nước. Họ là những trí thức đảng viên mất cả quyền suy nghĩ của một trí thức chân chính mà phải hướng bộ não vào ngón tay định hướng của Đảng. Họ là nhân dân từng tin vào đảng, những người bòn mót từng lon gạo nuôi quân, từng chỉ vàng hiếm hoi cho cuộc chiến tranh thần thánh…
Vậy thì làm sao ông Thưởng và Đảng cầm quyền của ông chống lại nổi lực lượng hùng hậu này? Họ có mặt khắp mọi nơi và không ít ỏi như ông nghĩ chẳng qua họ chưa tập trung đủ để ông và Đảng cầm quyền nhận ra đúng sức mạnh tiềm ẩn của họ.
Con đường mà ông Thưởng ví von trên Internet chẳng qua là con đường ảo, nếu ông cấm được thì cũng không thu về bất cứ kết quả nào, có chăng là danh tiếng của riêng ông, người dám đứng trước mặt 95 triệu “nhân dân” mà tuyên bố “quý nhân dân không còn quyền gì nữa đâu vì đảng đã trưng thu quyền của quý vị”.