Đường dẫn truy cập

Vụ 39 người Trung Quốc chết ở Anh và cảnh báo cho người Việt


Khám nghiệm hiện trường tại Thurock, South England, 23 tháng 10, 2019.
Khám nghiệm hiện trường tại Thurock, South England, 23 tháng 10, 2019.

Thảm kịch được phát hiện lúc 01:40 phút sáng ngày 23/10/2019 tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, chỉ cách nơi tôi sống chừng 15 phút lái xe. Các nhân viên cứu thương Anh tìm thấy thi thể của 39 người, 31 nam giới và tám phụ nữ, trong container chở hàng đông lạnh. Có thiếu nữ trẻ tới mức lúc đầu người ta tưởng cô là trẻ vị thành niên. Trước đó lái xe gọi số điện thoại khẩn cấp sau khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng lúc mở thùng container lấy tài liệu, theo báo chí Anh.

Tài xế Mo Robinson chỉ mới đánh đầu kéo tới để đưa container đi từ cảng Purfleet, cách khu công nghiệp Waterglade không xa, lúc 01:05, chừng nửa tiếng sau khi chiếc container cập cảng từ Zeebrugge, Bỉ. Thùng chứa hàng đông lạnh được cho là tới Zeebrugge lúc gần 14:30 hôm 22/10. Hiện người ta còn chưa rõ 39 người, nay đã xác định được đều là công dân Trung Quốc, được đưa vào container tại đâu và từ khi nào. Tài xế, vốn sống ở Bắc Ireland của Anh, vẫn đang bị giữ để điều tra.

Các quan chức Anh nói mỗi ngày có hàng trăm ngàn container tới Anh và rất nhiều trong số đó không được kiểm tra. Các quan chức biên phòng của Anh cũng không có mặt tại nhiều cảng biển và họ chỉ kiểm tra những container không đi kèm đầu kéo nếu được mật báo cần phải làm như vậy.

Tại một số cảng được xác định là nơi có nhiều khả năng bị những kẻ buôn người sử dụng, người ta dùng công nghệ để phát hiện khí CO2 mà người ta thải ra khi thở và dùng chó đánh hơi. Nhưng giới chức Anh thừa nhận họ không đủ sức để kiểm tra tất cả các container vào Anh.

Đây không phải là lần đầu thảm kịch như thế này xảy ra với người Trung Quốc toan vào Anh trái phép. Hồi tháng 6/2000, người ta cũng phát hiện ra thi thể của 58 người Trung Quốc, 54 nam giới và bốn phụ nữ, tại cảng biển Dover nhìn sang Pháp, vốn cách nơi xảy ra vụ hiện tại hơn một tiếng lái xe. Trong vụ đó hai người, đều là nam giới, đã may mắn sống sót.

Như vậy suốt gần 20 năm qua, những người muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn tiếp tục bỏ “thiên đường” cộng sản ở cả Trung Quốc và Việt Nam ra đi. Cho dù họ không nghĩ rằng cái giá có thể là cả mạng sống của mình nhưng mỗi người ra đi đều phải trả tới cả chục ngàn đô la. Họ có thể trả trước nếu gia đình có tiền hay vay mượn được. Hoặc có thể họ trở thành nô lệ thời hiện đại và làm không công ở nước ngoài trong nhiều năm.

Vụ việc xảy ra trong đúng tháng Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước. Thời gian đó quá đủ để một số quốc gia, chẳng hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc, trở nên hùng cường và công dân các nước khác tìm cách vào nước họ thay vì ngược lại. Nhưng số người nghèo khổ cả về vật chất và về các giá trị khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội cũng như quyền có công lý, vẫn còn nhiều ở Trung Quốc.

Nói về người Trung Quốc thực ra cũng là nói về người Việt Nam vì tình trạng bỏ phiếu bằng chân ở Việt Nam không khác gì Trung Quốc. Nhiều người Việt Nam sẵn sàng vất vưởng tại các nước quanh Liên minh châu Âu để tìm đường vào khối này rồi từ đó tới các nước giàu, nhất là Anh. Anh còn là địa điểm lý tưởng vì người dân nước này không có căn cước. Họ chỉ có bằng lái xe hoặc hộ chiếu và luật pháp không buộc công dân Anh phải mang bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào theo người. Nếu vi phạm luật giao thông, họ cũng được cho thời gian để gửi giấy tờ tới cảnh sát thay vì xuất trình tại chỗ. Xã hội Anh cũng bao dung với người nhập cư hơn một số nước châu Âu khác. Đây là lý do nhiều người nhập cư phi pháp muốn vào Anh.

Anh cũng đã từng đề nghị Việt Nam cử đại diện của ngành công an sang đóng tại Đại sứ quán ở London để giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp. Nhiều người Việt được bố mẹ gửi sang Anh trái phép từ nhỏ để dễ có cơ hội ở lại giờ đã trưởng thành và cũng có những người khá giả. Có lần tôi đưa người nhà ra sân bay đã chứng kiến hai người như vậy bị giữ lại khi họ đang chuẩn bị ra máy bay để trở lại Việt Nam. Đó là vấn đề nữa của những người vào Anh trái phép. Họ có thể sống ở Anh nhưng khó có cơ hội đi khỏi Anh hoặc có thể gặp rắc rối khi làm như vậy. Một số người, dù tự nguyện hay bị ép buộc, đã tham gia trồng cần sa kiếm sống. Số khác tham gia vào các băng đảng xã hội đen. Nhiều người sang Anh hàng chục năm nay, kể cả những người vào theo dạng tị nạn, nhưng vẫn khá vất vả. Họ làm đầu bếp hoặc thợ xây và không có lương hưu nên có lẽ sẽ phải đi làm cho tới khi sang thế giới bên kia. Thảm kịch mới nhất xảy ra với hàng chục người Trung Quốc sẽ là cảnh báo cho những người Việt đang sẵn sàng lao vào chặng đường chông gai rời nơi đáng ra phải tạo cho họ cơ hội để kiếm sống và phát triển.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG