Đường dẫn truy cập

Vụ hành quyết kẻ cưỡng hiếp trẻ em gây tranh luận ở TQ


Học sinh ăn trưa ngoài trời tại trường tiểu học ở làng Đồng Quan, tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc.
Học sinh ăn trưa ngoài trời tại trường tiểu học ở làng Đồng Quan, tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc.

Trung Quốc đã hành quyết một giáo viên hồi tuần trước sau khi ông này bị xét là can tội lạm dụng tính dục 26 trẻ em từ 4 đến 11 tuổi trong khoảng thời gian 2 năm. Vụ hành quyết này diễn ra sau khi 2 giáo viên khác bị kết án tử hình hồi tháng 4 vì những vi phạm tương tự.

Nhưng liệu các hình phạt khắt khe này có phải là một dấu hiệu chính quyền đang gay gắt hơn đối với những vụ xâm hại trẻ vị thành niên hay không là điều chưa rõ, theo ông Edward Trần Cao Lăng, phó giáo sư tại trường Đại học Hong Kong và là tác giả một cuốn sách mới đây có tựa là “Bảo vệ Trẻ em trong các Xã hội Trung Quóc: Những Thách thức và Chính sách.”

Ông Chan nói chủ yếu cũng như các nước khác, có những luật lệ ở Trung Quốc có thể hoặc không có thể được sử dụng trên thực tế trong tất cả các vụ án hình sự.

Ông nói, “Thái độ của công chúng cũng như thái độ của hệ thống công lý tội phạm đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thi hành công lực. Sự đáp ứng của công lý hình sự hiện hành đối với vụ việc có thể không tiêu biểu cho sự thay đổi nào về xu hướng nhưng chỉ là một sự đáp ứng đối với một vụ phạm trọng tội được nhiều ngưới chú ý.”

Theo tin tức của giới truyền thông nhà nước về vụ náy, các hồ sơ của Tòa án Nhân dân Tối cao nói rằng cựu giáo viên tiểu học Lý Cát Thuận, theo tin ghi là khoảng 60 tuổi, đã phạm những tội này ở trường học ông ta làm việc trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2012. Theo các văn kiện, “Ông ta đã lợi dụng những em vừa ít tuổi vừa rụt rè và đã tiến hành việc phạm tội trong các phòng nội trú hay lớp học.”

Ngày càng có nhiều vụ

Tòa án Nhân dân Tối cao nói những vụ lạm dụng tính dục trẻ em đã gia tăng trong những năm gần đây và các tòa án đã xử lý 7.145 vụ trên khắp nước từ năm 2012 đến năm 2014.

Một lý do nổi lên thêm nhiều vụ là đợt sóng nhà báo công dân, thường tường thuật những vụ vi phạm dưới mọi hình thức trước các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Việc hành quyết ông Lý đã châm ngòi cho hàng ngàn lời bình đăng trên các mạng xã hội ở Trung Quốc. Nhiều người nói là án tử hình là cách tốt nhất để xử lý các tội phạm như thế.

Một người sử dụng Weibo, tương tự như Twitter ở Trung Quốc, viết: “4 tuổi? Tôi không thể tin được. Án tử hình còn là quá nhẹ cho người đàn ông này.” Một người khác nói, “các trẻ em nhỏ cần phải được dạy là không một ai, kể các các giáo viên, có quyền chạm đến các bộ phận riêng tư của mình.”

Các nguồn tin nói trường hợp ông Lý và những người khác đã phơi bày một tình trạng thiếu giám sát nghiêm trọng bởi giới hữu trách giáo dục và trường học ngoài sự lơ là của phụ huynh các em nạn nhân. Điều đó còn đúng hơn bởi lẽ một số giáo viên đã bị cáo buộc là xâm hại và cưỡng hiếp nhiều trẻ nhỏ.

Một vụ có liên quan đến một hiệu trưởng trường học, đưa 6 em gái đến một phòng khách sạn, và dẫn tới những vụ xuống đường vào năm 2013 ở tỉnh Hải Nam.

Cao Đạo Thắng, một giáo viên 59 tuổi ở Vu Hồ trong tỉnh An Huy, đã bị kết án tử hình hồi tháng trước sau khi tòa xét đương sự can tội cưỡng hiếp và xâm hại 11 em gái đang học lớp 1 và lớp 2 ở trường của ông ta. Một người nữa cũng bị kết án tử hình là Dương Sĩ Phú, can tôi cưỡng hiếp 2 em gái vị thành niên và lạm dụng tính dục một số không rõ các bé gái trong thời gian từ 2012 đến 2013.

Các biện pháp yếu kém

Ông Edward Trần Cao Lăng nói những vụ như thế vẽ ra một hình ảnh đáng thương về cách thức vấn đề được xử lý ở Trung Quốc.

Ông nói, “Nước này lâu nay đã làm lơ trước những vấn đề này. Hệ thống công lý tội phạm không sẵn sàng thực thi luật pháp, và các dịch vụ xã hội, khu vực giáo dục, dịch vụ y tế không cung cấp các dịch vụ cần thiết để ngăn ngừa, can thiệp và có biện pháp pháp lý trước những vụ vi phạm. Các yếu tố này giúp những kẻ phạm tội chạy trốn sự trừng trị hay khai báo.”

Ông Lưu Trung Lượng, đứng đầu tổ chức ActionAid International ở Trung Quốc, nói rằng vấn đề bám rễ vào xã hội, và cần phải giải quyết không phải chỉ qua hành động tư pháp.

Ông nói, “Nó có liên quan đến cơ chế kiểm soát yếu kém và tình trạng thiếu nhận thức ở các cấp độ khác nhau bao gồm cả giáo viên và phụ huynh học sinh. Trong bất kỳ vụ nào, sự ngăn chặn những tội phạm như thế hữu hiệu hơn là hình phạt trong những vụ riêng rẽ.”

Ông kêu gọi xây dựng các cơ chế theo dõi và bảo vệ trẻ em trong các cộng đồng và trường học. Cũng cần phải nâng cao nhận thức về vấn đề trong các thành viên gia đình, giáo viên và hiệu trưởng trường học.

Ông Liu nói, “Để thực thi các hoạt động này, các giới chức giáo dục địa phương cần phải đi đầu. Các chuyên gia về bảo vệ trẻ em cần phải tham gia trong việc thiết kế chương trình.” Ông cũng nói rằng cần phải có một hệ thống cung cấp sự hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân là các em nhỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG