Báo chí Việt Nam đưa tin vụ tin tặc hồi cuối tuần trước đã trở thành một chủ đề thảo luận trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/8. Vụ tin tặc hôm 29/7 đã làm tê liệt một số sân bay lớn của Việt Nam trong vài giờ.
Cử tri đã bày tỏ nỗi lo ngại lớn về hệ thống công nghệ thông tin của ngành hàng không nói riêng và an ninh mạng nói chung ở Việt Nam. Phát biểu với các cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết việc bảo đảm an ninh không gian mạng “đã được Đảng, Nhà nước đặt lên bàn và đang chỉ đạo xây dựng chiến lược an ninh”.
Ông cũng nhìn nhận là có nguy cơ về chiến tranh mạng, ông nói đó là “hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường”.
Chủ tịch của Việt Nam cũng khẳng định “sự phát triển của Internet khiến chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa”.
Về phát biểu kể trên của Chủ tịch Quang, Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định rằng Việt Nam có đủ khả năng thay đổi khi tình hình đòi hỏi:
“Chắc chắn là Việt Nam sẽ có những biện pháp rất tích cực để ứng phó. Công nghệ thông tin ở Việt Nam là một ngành phát triển ở trình độ khá trong khu vực. Tôi tin rằng ở Việt Nam có thể làm được. Nếu mà cần phải huy động nhiều sức người, sức của thì chắc chắn cũng phải làm vì đây là vấn đề an ninh của đất nước”.
Giáo sư Thuyết cũng nhận xét rằng vụ tin tặc vừa rồi làm cho Việt Nam “giật mình” và phải lường trước rằng có thể còn có những vụ nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, ở vị trí cử tri Tp. HCM, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng không có sự lạc quan như ông Thuyết. Ông Dũng nêu lý do:
“Tôi không kỳ vọng và tôi không tin họ có thể làm được, bởi vì những cảnh báo này có từ cách đây 10, 20 năm rồi chứ không phải bây giờ nó xảy ra rồi thì người ta mới muốn thay đổi. Thực ra là người cộng sản người ta nghĩ ra được hết những cái đấy, nhưng mà người ta không thể thay đổi được, bởi vì nó nằm ở mặt ý thức hệ”.
Tại cuộc họp ngày 1/8 với cử tri Tp. HCM, Chủ tịch nước Quang đã phát biểu rằng: "Các chuyên gia mạng khẳng định, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng nhưng ý thức phòng ngừa của chúng ta chưa đầy đủ”.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng dẫn lại thông tin báo chí cũng như nêu ra quan sát cá nhân rằng điều làm cho Việt Nam khó thay đổi trong phương thức quản lý an ninh mạng là nhân sự trong các cơ quan Việt Nam còn non nớt trong sử dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đó là mối nguy của việc cả các cơ quan nhà nước lẫn người dân sử dụng quá nhiều phần mềm, thiết bị máy tính, mạng là hàng do Trung Quốc sản xuất.
Trong một bài viết đăng trên trang Dân Việt, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn đã ví việc sử dụng các thiết bị và phần mềm “từ những nơi xuất xứ có nguy cơ cao” không khác nào “hành động rắc lông ngỗng của Mỵ Châu” trong câu chuyện tổ tiên người Việt bị mất nước thời xa xưa, để nêu bật lên những mối nguy hiểm to lớn tiềm ẩn đối với Việt Nam.
Cả cựu đại biểu Quốc hội Thuyết lẫn nhà hoạt động Dũng đều đồng ý về nhận định đó. Ông Thuyết nói:
“Cái nhận xét đó cũng có lý vì chúng tôi cũng có biết là có những mạng của Việt Nam toàn sử dụng đồ Trung Quốc thôi, và các máy tính được lắp ráp tại Trung Quốc, có linh kiện của Trung Quốc thì cũng rất là nhiều. Cho nên là nếu bây giờ mình muốn khắc phục, mà khắc phục ngay một lúc thì chắc cũng phải hết sức tốn kém. Nhưng mà tôi nghĩ phải khắc phục thôi, không có cách nào khác cả”.
Ông Dũng bày tỏ hy vọng sau vụ việc vừa qua, hàng Trung Quốc sẽ ít được sử dụng ở Việt Nam hơn:
“Bây giờ cái mức thu nhập của nhiều người dân hoàn toàn có thể lựa được cái đồ của nước ngoài rồi, đồ không phải của Trung Quốc rồi, thì hoàn toàn chúng tôi có thể mua cái đồ đấy để chúng tôi nhặt bỏ những cái lông ngỗng đấy đi”.
Sau vụ tin tặc, nhiều báo Việt Nam đã cáo buộc nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc là thủ phạm. Tuy nhiên, hôm 30/7, website được cho là của nhóm 1937cn lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.
Công chúng Việt Nam đã bàn luận nhiều trên mạng xã hội về những nguy cơ tấn công mạng vẫn còn tồn tại do tranh chấp biển giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa thể giải quyết trong những năm tới, thậm chí còn có thể căng thẳng hơn.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết không nêu tên một nước cụ thể song ông cảnh báo rằng “đối với một kẻ bên ngoài luôn luôn rình rập nước mình thế này, phá nước mình thế này thì mình phải cảnh giác hơn nữa”.