Muối cần thiết cho hoạt động trơn tru của cơ bắp và dây thần kinh và duy trì sự cân bằng thích hợp của nước và khoáng chất. Nhưng quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể gây tử vong.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Gần 2 triệu ca tử vong mỗi năm có liên quan đến ăn quá nhiều muối.”
Ông nói: “Quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.” Tuy nhiên, trên toàn cầu, lượng muối trung bình hấp thụ cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO đối với người lớn là dưới 2.000 mg mỗi ngày, hoặc 5 g muối.”
Lượng này tương đương với một muỗng cà phê muối mỗi ngày.
Một phúc trình của WHO được công bố hôm 9/3 lần đầu tiên khám phá những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách giảm lượng muối. Một cuộc khảo sát 194 quốc gia thành viên của WHO cho thấy “thế giới đang đi chệch hướng để đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 30% lượng muối tiêu thụ vào năm 2025.”
Phúc trình cho thấy chỉ có 5% các quốc gia thành viên của WHO “được bảo vệ bởi các chính sách giảm muối bắt buộc và toàn diện” và 73% các quốc gia thành viên của WHO “thiếu thi hành đầy đủ các chính sách đó”.
Ông Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng vì Sức khỏe và Phát triển của WHO, lưu ý rằng giảm ăn muối là một trong những cách hiệu quả nhất về chi phí để cải thiện sức khỏe và giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm “vì nó có thể ngăn chặn một số lượng lớn các ca bệnh tim mạch và tử vong.”
Các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của khoảng 17,9 triệu người. WHO báo cáo cứ năm ca tử vong này thì có trên bốn trường hợp là do đau tim và đột quỵ, với một phần ba xảy ra sớm ở những người dưới 70 tuổi.
9 quốc gia thành công
Phúc trình cho thấy chỉ có 9 quốc gia - Brazil, Chile, Cộng hòa Czech, Lithuania, Malaysia, Mexico, Ả Rập Xê-út, Tây Ban Nha và Uruguay - đã ban hành đầy đủ các chính sách khuyến nghị của WHO để giảm lượng muối.
Ông Tom Frieden, Giám đốc điều hành của tổ chức Quyết tâm Cứu Mạng sống (Resolve to Save Lives), cho biết Chile là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chính sách giảm muối cứu sinh.
Phát biểu trong một hội thảo trực tuyến giữa các chuyên gia sau khi phúc trình được công bố, ông Frieden nói Chile đã “thông qua luật dán nhãn và quảng cáo thực phẩm đồng thời yêu cầu nhãn cảnh báo bắt buộc trước bao bì về muối; hạn chế tiếp thị các sản phẩm có nhãn cảnh báo đó; và cấm mua bán những sản phẩm đó trong trường học.”
Ông lưu ý rằng Argentina, Brazil, Mexico và Uruguay đều đã thông qua các chính sách tương tự, sau khi Chile dẫn đầu.
Ông Branca lưu ý rằng một tỷ lệ muối đáng kể trong chế độ ăn uống đến từ thực phẩm chế biến và chế biến cao được bán ở nhiều nước thu nhập cao và ngày càng nhiều ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Ông nói: “Các giới hạn tối đa bắt buộc do chính phủ đưa ra đối với thực phẩm chế biến bằng muối thúc đẩy cải cách công thức trên toàn ngành.” “Các giới hạn này tạo ra một thị trường hạn chế các lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh bất kể mọi người mua sắm ở đâu, họ hiểu hay tiếp cận thông tin trên nhãn bao nhiêu.”
Ông Frieden cho biết việc tự điều chỉnh của ngành sản xuất thực phẩm đã nhiều lần được chứng minh là không hiệu quả và “các chính sách tự nguyện thường bị bỏ qua”.
“Trên thực tế, một cách tiếp cận bắt buộc tạo ra một sân chơi bình đẳng,” bởi vì nó có thể giúp các công ty thực hiện các bước tích cực không cảm thấy như thể họ phải tiến hành kinh doanh ở thế bất lợi trong cạnh tranh.
Ông Frieden cho biết, ngoài các chiến lược hiện có để giảm muối, các quốc gia có thể xem xét các biện pháp mới, sáng tạo, chẳng hạn như tăng tính sẵn có và sử dụng các chất thay thế muối.
Ông nói: “Các nghiên cứu gần đây cho thấy những chất thay thế này làm giảm đáng kể không chỉ huyết áp, không chỉ đau tim và đột quỵ mà còn giảm tử vong do các biến cố tim mạch.”
“Hãy tưởng tượng rằng việc thay đổi nhãn hiệu muối mà bạn sử dụng có thể giảm 10% hoặc 15% nguy cơ tử vong.”
Diễn đàn