Từ cách hiểu mới về bài thơ “Con cóc” trình bày ở các bài trước, chúng ta có thể rút ra ba hệ luận: một là, một bài thơ có thể được diễn dịch (interpret) theo nhiều cách khác nhau; hai là, một cách diễn dịch mới có thể mang lại cho bài thơ một ý nghĩa mới; ba là, ý nghĩa mới đó có thể làm thay đổi hẳn diện mạo và giá trị của bài thơ.
Không có hệ luận nào ở trên thực sự mới. Chỉ cần nhìn vào thực tế văn học Việt Nam hay của bất cứ nước nào trên thế giới, chúng ta sẽ thấy ngay ý nghĩa của bài thơ luôn luôn thay đổi: về phương diện lịch sử, nó thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác; về phương diện xã hội, nó thay đổi từ người này sang người khác; về phương diện tâm lý, nó thay đổi từ lần đọc này sang lần đọc khác. Có biết bao tác phẩm, ở lần đọc đầu tiên, hiện ra như một vẻ đẹp lộng lẫy khiến chúng ta choáng váng; ở lần đọc sau, chỉ còn là một sự tầm thường, nhạt nhẽo. Hoặc ngược lại. Có biết bao tác phẩm, ở thời này bị rẻ rúng, ở thời kia được tán tụng; ở chỗ này bị đả kích, ở chỗ kia được hoan hô; với người này là tiếng đàn trên bến Tầm Dương dẫu chưa thành khúc tình đà thoảng bay, với người kia chỉ là một chuỗi tạp âm vô nghĩa và vô vị. Tất cả, không còn hoài nghi gì nữa, chỉ là hệ quả của những cách diễn dịch khác nhau.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận ba hệ luận trên, chúng ta cũng phải chấp nhận luôn cả những hệ luận của chúng. Một là, nếu một bài thơ có thể được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau thì sẽ không có cách diễn dịch nào là tuyệt đối, là duy nhất đúng cả. Hai là, nếu ý nghĩa là kết quả của một sự diễn dịch thì ý nghĩa của một bài thơ bao giờ cũng nhiều hơn một. Ba là, nếu ý nghĩa do sự diễn dịch mang lại có thể làm thay đổi giá trị bài thơ thì giá trị, như vậy, không phải là một cái gì tự tại, có sẵn, nhất thành bất biến.
Bất cứ hệ luận nào ở trên cũng có thể được chứng minh một cách dễ dàng. Giá trị chỉ là giá trị khi được con người thừa nhận. Một ví dụ: ai lại chả biết tiền bạc là quý. Song hãy nhớ lại kinh nghiệm lúc chúng ta rời khỏi Việt Nam. Đến đảo rồi, nhìn lại mớ giấy bạc mang theo từ Việt Nam, chúng ta thấy gì? Chỉ là một mớ giấy nhàu nát, dơ dáy. Không ai còn thiết tha với chúng nữa. Giữ lại, chẳng qua là để làm kỷ niệm. Nhiều người, để giết chết luôn cả quá khứ, thản nhiên xé từng tờ, từng tờ rồi vất bay lả tả trong gió. Sự thay đổi quả là ghê gớm. Trong vòng chỉ có mấy ngày. Tác phẩm văn học, nói theo chữ nhà văn Mai Thảo thường dùng, cũng chỉ là một thứ tiền tệ riêng của người cầm bút và những người yêu chữ nghĩa. Liệu thứ tiền tệ ấy có gì khác thường chăng? Giả dụ một ngày nào đó không còn ai đọc hay nói tiếng Việt được nữa, số phận của Truyện Kiều sẽ ra sao? Thì cũng giống như một tờ giấy bạc cũ sau một đợt đổi tiền. Vậy thôi. Giá trị của tác phẩm chỉ là một cái gì được thừa nhận. Và giá trị của một tác phẩm chỉ được thừa nhận khi ý nghĩa của tác phẩm ấy được thừa nhận. Trong tiếng Việt, chữ “ý nghĩa” và chữ “giá trị” nhiều lúc hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Nói “một việc làm / một cuộc đời không có ý nghĩa gì cả” cũng có nghĩa là nói việc làm ấy, cuộc đời ấy chả có giá trị gì. Thơ Bích Khê, từ lâu, cơ hồ bị quên lãng. Được nhớ, may ra, chỉ có hai câu:
Ô hay! buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi! Thu mênh mông
Bao nhiêu năm, không mấy ai nhắc đến ông, trừ Quách Tấn, xuất phát từ lòng hoài niệm một người bạn cũ. Phải đợi đến khi Chế Lan Viên viết lời tựa cho tập Thơ Bích Khê (1), trong đó, ông nêu bật lên được nhiều ý nghĩa và nhiều cách tân quan trọng trong thơ Bích Khê, tầm vóc của Bích Khê mới lớn hẳn lên đến nỗi khi tái bản quyển Thơ Mới, những bước thăng trầm, Lê Đình Kỵ phải lật đật viết thêm một chương riêng về Bích Khê (2).
Nhưng việc phát hiện ra ý nghĩa tác phẩm không phải là việc của một người và trong một lúc. Bị ràng buộc trong một không gian giới hạn, với một tâm lý và một vốn văn hoá nhất định, cái nhìn của chúng ta bao giờ cũng là cái-nhìn-như-là. Nhìn hai chữ “con cò” trong bài “Con cò mà đi ăn đêm” trên trang giấy, chẳng hạn, một nhà nghiên cứu văn học dân gian sẽ thấy nó như là một hình tượng quen thuộc trong ca dao, giống như cái bống, cái kiến, cây mai, bến đò: sự khác nhau giữa những hình tượng này chỉ là sự khác nhau về tần số xuất hiện; một nhà ngữ âm học sẽ thấy nó như là những đơn vị ngữ âm bao gồm hai âm tiết trong đó hai âm vị /k/ và /o/ được lặp lại hai lần; một người lưu lạc đang tương tư quê hương sẽ thấy nó như là một kỷ niệm gợi nhớ những làng quê, những cánh đồng, những luỹ tre, những con trâu, những hình ảnh thân thương của một quá khứ vời vợi và của một quê nhà, nói như Nguyễn Bính, xa lắc xa lơ; một người ngoại quốc mới bập bẹ học tiếng Việt sẽ nhìn nó như là một đơn vị từ vựng mới mà họ cố học thuộc lòng, không gợi ra âm hưởng gì cả, trừ một điều, may ra: nó đơn giản và dễ nhớ; một người ở trong tù, đói khát lâu ngày, sẽ nhìn nó như là tên một loại thực phẩm có thể khiến họ chảy nước miếng v.v...
Cái đọc của chúng ta cũng vậy. Cái đọc nào cũng là cái-đọc-như-là. Có người đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như là những tác phẩm hiện đại mang hơi hướm của Dostoevsky, của Kafka hay của Gabriel Garcia Marquez; có người lại đọc chúng như là những ngụ ngôn chứa đầy ẩn ý chính trị, từ đó, hoặc coi chúng như là những bản cáo trạng mạnh mẽ lên án cái xấu, cái ác, cái phi nhân của một chế độ, hoặc coi chúng như là những hành vi phản động và nhẫn tâm.
Nghĩ cho cùng, câu chuyện “Thầy bói sờ voi” vốn phổ biến tại Việt Nam không phải là một câu chuyện tiếu lâm mà là một triết lý: nó không chế diễu ai cả; nó chỉ thừa nhận, dưới hình thức một tiếng cười vờ, sự bất toàn của con người mà thôi. Không thể gọi là một chuyện tiếu lâm khi tất cả mọi người, kể cả người nói, người kể, đều là đối tượng để cười cợt. Tiếng cười ở đây mang nhiều chất bi hơn là chất hài.
Với cái-nhìn-như-là và cái-đọc-như-là như thế, việc nắm bắt toàn bộ ý nghĩa của một tác phẩm văn học là một điều bất khả. John Reichert ví câu hỏi cách nào tốt nhất để diễn dịch một tác phẩm văn học với câu hỏi chỗ nào là tốt nhất để xem một màn vũ ba lê. Đó là những câu hỏi không có lời giải đáp. Bởi vì chỗ nào, cách nào rồi cũng có những giới hạn của chúng (3).
***
Chú thích:
1. Thơ Bích Khê (1988), Sở Văn hoá và Thông tin Nghĩa Bình xuất bản.
2. Lê Đình Kỵ (1993), Thơ Mới, những bước thăng trầm, nxb Tp Hồ Chí Minh in lần thứ hai, (lần in đầu năm 1989).3. Reichert, J. (1977), Making Sense of Literature, The University of Chicago, tr. 26.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.