Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường ăn mừng sự ra đi của Tổng thống Saleh. Trong lúc nhiều người trong đám đông chỉ trích vụ bạo động đã leo thang thành một vụ tấn công vào khu dinh cơ của tổng thống hôm thứ Sáu, một số cảm thấy rằng việc ông Saleh ra đi tốt hơn cho quốc gia. Một người đàn ông trong đám đông không cho biết tên, nhắc đến vụ giết người biểu tình tại thành phố Taiz ở miền nam mới đây, gọi ông Saleh là một kẻ sát nhân đã bị trừng phạt.
Tổng thống Saleh sẽ ra khỏi nước trong bao lâu là điều chưa ai biết được. Các vết thương của ông dường như trầm trọng hơn là "những vết trầy trụa" như các giới chức chính phủ mô tả ngay sau vụ tấn công.
Thứ trưởng thông tin Abdou al-Janadi nói rằng tổng thống đã cử phó tổng thống Abd al-Rab Mansur Hadi giữ quyền tổng thống. Ông Janadi nói rằng phó tổng thống thường xuyên liên lạc với ông Saleh, và mô tả ông Saleh hiện đang bị các vết phỏng. Giới chức này nói thêm rằng tổng thống sẽ trở về Sana'a và bắt đầu lại nhiệm vụ ngay khi ông hồi phục.
Nhưng ngay cả khi mà tình trạng sức khỏe của ông Saleh có cải thiện, Ả Rập Saudi, là quốc gia đã đưa ra nỗ lực trung gian hòa giải trong vùng để khuyến nghị ông Saleh từ bỏ quyền lực, có thể sẽ thuyết phục ông không nên hồi hương, bởi vì không ai biết rõ là khi ông trở về thái độ người dân đối với ông sẽ ra sao.
Chủ tịch của Trung Tâm Nghiên Cứu Vùng Vịnh tại Jeddah, Ả Rập Saudi, ông Abdulaziz Sager, tin rằng trong lúc tổng thống Yemen không hề muốn xảy ra vụ tấn công khiến ít nhất 7 người chết, nó lại cho ông một cơ hội để ra đi mà không mất mặt.
Ông nói: "Tôi cho rằng ông không thể may mắn hơn được. Ông ra khỏi nước vì lý do chữa trị thương tích, chứ không phải lý do gì khác khiến ông cảm thấy, theo lối suy nghĩ của ông, mất mặt trước bộ tộc của ông và trước nhân dân."
Trong lúc giữ quyền tổng thống lâm thời, ông Sager cho rằng phó tổng thống Yemen Hadi sẽ có thể tạo được ổn định trong ngắn hạn.
Ông Sager nhận định: "Chúng tôi bắt đầu thấy phó tổng thống Yemen nhanh chóng tìm cách ổn định tình hình. Điều có phần chắc sẽ xảy ra là việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp, và trong hội đồng này sẽ có quân đội, các nhà lãnh đạo bộ tộc và nhiều đảng phái đối lập, và đây có lẽ sẽ là những gì mà chúng ta sẽ chứng kiến tại Yemen trong vài ngày tới."
Ngoài việc tìm cách lật đổ ông Saleh, những nhà lãnh đạo này lại có rất ít lập trường chung. Những phe phái kình chống chia rẽ quốc gia về chính trị, phe quân sự và phe bộ tộc, với những đồng minh thường xuyên thay đổi lập trường.
Một số giới chức qui lỗi cho dòng tộc al-Ahmar thuộc liên minh bộ tộc Hashid đã tấn công vào đền thờ của tổng thống, nhưng dòng tộc này nói rằng họ không hề dính líu vào vụ tấn công. Các giới chức chính phủ nói rằng họ cũng đang cho điều tra xem là có phải nhóm khủng bố ở địa phương, al-Qaida ở Bán Đảo Ả Rập, là tổ chức phải chịu trách nhiệm trong vụ này hay không.
Những người biểu tình phản đối đã ra một thông cáo sau khi ông Saleh ra đi, đòi chuyển quyền lãnh đạo cho dân sự, trong đó phe nhúng tay vào vụ bạo động vừa rồi không được tham gia. Ông Sager nói: "Ngày nay chúng ta có một khoảng trống trong các vấn đề hiến pháp vì tổng thống đã ra khỏi chính phủ. Vì vậy không có một chính phủ nào điều hành quốc gia. Quốc hội cũng đang mãn nhiệm kỳ, vì vậy chúng ta cần tổ chức bầu cử quốc hội, cần một chính phủ chuyển tiếp và lâm thời để điều hành quốc gia trong 1 hay 2 tháng hay cho đến khi mọi chuyện được sắp đặt xong. Tôi cho rằng hiện nay nỗ lực đòi hỏi vượt rất xa hơn là trường hợp lẽ ra mà ông Saleh sắp đặt để chuyển quyền êm thắm."
Nhà phân tích Sager nêu lên rằng bất cứ ai cai trị quốc gia nghèo nhất trong thế giới Ả Rập này cũng phải đối phó với tất cả mọi vấn đề khó khăn như vậy trong lúc ngân quĩ quốc gia hầu như trống rỗng.
Tổng thống Yemen, ông Ali Abdullah Saleh hiện đang có mặt tại Ả Rập Saudi để chữa trị vết thương do một vụ tấn công bằng rocket hôm thứ Sáu, khiến cho tình hình trong nước ông càng thêm bất trắc, nơi mà nhiều người muốn ông ra đi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1