Các giới chức quân đội Thái Lan thừa nhận nạn tham ô của chính quyền và những người môi giới, cùng với việc không chấp hành đầy đủ luật lệ chống buôn người, đã làm cho vương quốc này bị xem là một trong những nước mà nạn cưỡng bách lao động và bóc lột lao động hoành hành dữ dội nhất thế giới. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA có bài tường thuật sau đây từ Samut Sakhon, nơi giới hữu trách đang thiết lập những trung tâm “một chỗ dừng” để đăng ký công nhân di trú.
Để chứng tỏ tầm quan trọng mà tập đoàn quân nhân cầm quyền Thái Lan đặt ra cho nỗ lực chống nạn buôn người, tham mưu trưởng quân đội Sirichai Distakul đã đến dự lễ khánh thánh của một trong những trung tâm mới dành để ghi danh người lao động nước ngoài.
Khoảng 2.000 người, phần lớn là người Miến Điện, đã tới đây trong ngày đầu tiên. Họ được chụp hình, lăn tay và chụp hình phổi, thử nước tiểu và thử máu. Để đổi lại, họ nhận được một thẻ căn cước lao động tạm thời. Nếu họ thông qua các cuộc kiểm tra lý lịch và sức khỏe, họ sẽ được cấp phép để tiếp tục làm việc ở Thái Lan.
Khoảng 200.000 người Campuchia đã chạy khỏi Thái Lan sau cuộc đảo chánh ngày 22 tháng 5 vì lo ngại về một cuộc đàn áp nhắm vào những người lao động nước ngoài, bất kể là hợp pháp hay không hợp pháp.
Tập đoàn quân nhân cho rằng vụ tháo chạy này phát sinh từ việc các giới chức Thái Lan tham ô đã tung ra tin đồn để họ có thể tống tiền những người Campuchia khi những người quay lại Thái Lan.
Đại tướng Sirichai nói rằng vụ này hoàn toàn là một sự hiểu lầm giữa đôi bên.
Ông Sirichai nói: “Chúng tôi đã để cho một số người trở lại vì các nhà kinh doanh sẽ khó làm ăn nếu những công nhân này không có mặt ở đây.”
Anh Sam Phai, một công nhân ngành xây dựng, nằm trong số những người Campuchia không bỏ chạy về nước.
Anh Sam Phai cho biết: “Tôi không muốn về quê. Tôi biết là một khi đã về thì rất khó trở lại. Tôi muốn tiếp tục làm việc ở đây. Ông chủ của tôi nói với tôi là tôi có thể ở lại Thái Lan nếu tôi lấy được loại thẻ mới này. Có thẻ này thì chủ tôi sẽ không để cho cảnh sát bắt tôi nếu có một vụ kiểm tra.”
Theo sự trình bày của giới hữu trách, hệ thống ghi danh mới dự kiến sẽ mang lại trật tự và sự thành thật. Các giới chức di trú cho đài VOA biết rằng họ định chuyển 90% lao động bất hợp pháp ở Thái Lan thành những người có qui chế hợp pháp.
Tỉnh trưởng tỉnh Samut Sakhon, ông Athit Boonyasopat, cho biết như sau.
Ông Athit nhận định: “Nói một cách tổng quát thì sự tham ô sẽ không còn nếu chúng tôi theo đúng thủ tục. Ở cấp tỉnh, chúng tôi đang tuân hành chính sách của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia. Tiến trình này rất minh bạch.”
Ông Myint Aung, một người quê ở tiểu bang Rakhine của Miến Điện, đã làm việc cho các dự án xây dựng ở Thái Lan trong hai năm qua. Ông đặt nhiều hy vọng vào hệ thống mới này.
Ông Aung nói: “Hệ thống cũ rất thối nát. Chúng tôi phải dựa vào những người môi giới để có thẻ chứng minh. Nhưng cảnh sát cũng cứ đòi tiền hối lộ khi chúng tôi trình thẻ. Tôi nghe nói thẻ chứng minh mới sẽ có ích nhiều hơn và được bảo đảm hơn.”
Có một sự khích lệ khác nữa cho việc sử dụng hệ thống mới là sau khi ghi danh, những công nhân không có giấy tờ hợp lệ sẽ được ân xá; và những người chủ của họ nếu đưa họ tới “các trung tâm một cửa” sẽ không bị phạt như trước.