Các công ty Trung Quốc đang thúc đẩy gần một trong ba khoản đầu tư mới vào Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy họ chuyển hoạt động ra nước ngoài để tránh cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, theo Finantial Times và các dữ liệu của Việt Nam.
Tình trạng này càng làm tăng nguy cơ Việt Nam bị thuế quan Mỹ nhắm tới khi chính quyền Trump đang xem xét áp các mức thuế đối ứng lên những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước.
Theo số số liệu mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 1, các công ty Trung Quốc đã đóng góp 489,87 triệu đô la vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thông qua 85 dự án mới. Con số đã giảm đi 358,85 triệu đô la so với tháng 12, khi Trung Quốc có đến 848,72 triệu đô la vốn đăng ký với 96 dự án mới tại Việt Nam.
Đầu tư của Trung Quốc chiếm 11,30% tổng vốn FDI trong tháng 1, so với mức 11,86% trong tháng 12.
FDI của Trung Quốc tại Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất, bất động sản, thương mại, bán lẻ và năng lượng.
Bên cạnh mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và mở rộng sự hiện diện của họ tại Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng thực tế này cùng khiến cho thặng dư của Việt Nam với Mỹ đã đạt mức kỷ lục, 123,5 tỷ đô la vào năm ngoái, lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mexico.
Một phần trong làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu của các công ty Mỹ như Apple và Intel, nhằm phân tán rủi ro chuỗi cung ứng và tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang ngày càng nhận được nhiều khoản đầu tư từ các công ty Trung Quốc, chiếm 28% các dự án mới vào năm ngoái, tăng từ mức 22% vào năm 2023.
Financial Times dẫn lời một chuyên gia tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài cho biết nhiều khách hàng Trung Quốc đang chịu áp lực từ người mua ở Hoa Kỳ và Châu Âu trong việc phải chuyển ra khỏi Trung Quốc. Hầu hết các khoản đầu tư sản xuất của Trung Quốc vào Việt Nam đều được thực hiện nhằm tránh thuế quan của Mỹ và đảm bảo một “giấy chứng nhận xuất xứ” khác cho hàng hóa do các công ty Trung Quốc sản xuất.
Mặt khác, chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, với ít nhất một nửa nguyên liệu thô đến từ Trung Quốc, vẫn theo Finantial Times.
Gần đây, Việt Nam đã tăng cường thẩm định đối với các sản phẩm và khoản đầu tư của Trung Quốc nhằm tránh việc nước này bị sử dụng làm quốc gia trung chuyển sang Hoa Kỳ, khi Việt Nam đang bị chú ý và có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thuế quan.
Tháng trước, khi phát biểu trước khán giả tại hội nghị thượng đỉnh Davos, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thừa nhận những rủi ro mà Việt Nam đang đối diến và cho biết Hà Nội đang xây dựng “các giải pháp chính trị và kinh tế” để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại của mình với Mỹ. Trong đó, ông cho biết Việt Nam sẽ mua từ 50 đến 100 máy bay của Boeing trong 10 năm tới và mua các thiết bị công nghệ cao khác của Hoa Kỳ, và ông sẽ chấp nhận “chơi golf cả ngày với ông Trump” nếu đó là biện pháp cần thiết.
Trong tháng này, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam sẵn sàng tăng nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ và sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào hạn chế thương mại với Mỹ.