Đường dẫn truy cập

Liệu Việt Nam sẽ nằm trong số 5 nước đầu tiên bị TT Trump đánh thuế đối ứng?


Hàng hóa Việt Nam tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 29/3/2024 (Photo: Tran Thi Minh Ha / AFP).
Hàng hóa Việt Nam tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 29/3/2024 (Photo: Tran Thi Minh Ha / AFP).

Hôm 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump giao nhiệm vụ cho đội ngũ kinh tế của mình lên kế hoạch đánh thuế đối ứng vào những nước nào áp thuế nhập khẩu lên hàng Mỹ. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng những nước có thặng dư thương mại lớn nhất và mức thuế quan cao nhất đối với Mỹ sẽ bị xem xét đầu tiên, Reuters đưa tin.

Theo tìm hiểu của VOA, dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam cùng với Trung Quốc, Mexico, Ireland và Đức là 5 nước hưởng thặng dư thương mại lớn nhất trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ.

Như VOA đã đưa tin, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2024 đã tăng vọt gần 20% so với năm trước, lên mức kỷ lục là 123,5 tỷ đô la.

Cùng ngày 13/2, Giáo sư Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, nhà bình luận kinh tế ở bang Texas và có hàng chục năm kinh nghiệm, dự báo với VOA về xác suất khoảng 30-40% là Việt Nam sẽ bị Mỹ tăng thuế.

Ông Lộc giải thích rằng ông dựa vào 4 yếu tố để đo đếm và đưa ra nhận định, đó là mức thặng dư của Việt Nam, ảnh hưởng của Việt Nam đến an ninh của Mỹ, sự lũng đoạn về tiền tệ và mức độ đội lốt của hàng hóa Trung Quốc.

Theo quan sát của ông, hàng xuất khẩu từ Việt Nam chỉ có tỷ lệ 1,5%-2% là các thành phần Trung Quốc đội lốt, bên cạnh đó, Hà Nội tuy bị Washington cảnh cáo nhưng không bị liệt vào diện thao túng tiền tệ, và Việt Nam không phải là nguy cơ an ninh đối với Mỹ xét theo hai mặt di dân bất hợp pháp và vận chuyển lậu ma túy.

Như vậy, Việt Nam chỉ mắc vào 1 trong 4 yếu tố, đó là thặng dư với Mỹ cao thứ ba trong số 5 nước nêu trên, và nhiều khả năng sẽ còn tăng trong năm nay, GS TS Khương Hữu Lộc nói với VOA.

Không lâu trước khi có động thái mới đây của Tổng thống Trump, nhà kinh tế cấp cao Stefan Angrick thuộc hãng nghiên cứu Moody’s Analytics nói trong một bản tin của CNBC hôm 10/2 rằng Việt Nam chắc chắn là một trong những nền kinh tế dễ bị tác động nhất, dễ bị trở thành mục tiêu nhất của các đòn hạn chế thương mại do ông Trump tung ra, vì Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và Trung Quốc đầu tư đáng kể vào Việt Nam.

Cũng nói trong bản tin của CNBC, nhà phân tích tiền tệ cấp cao Michael Wan thuộc Ngân hàng MUFG, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, nhận định Mỹ có thể tăng gấp đôi thuế quan đánh vào Việt Nam, lên mức 8%, nếu Mỹ siết thi hành chính sách đánh thuế đối ứng toàn diện.

Mặc dù vậy, ông Wan dự báo Mỹ sẽ có lập trường ít khắc nghiệt hơn và có lẽ sẽ đánh thuế vào một số lĩnh vực cụ thể.

Tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING có trụ sở ở Hà Lan đưa ra bài phân tích hôm 12/2 trong đó cho rằng Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc là 3 nước dễ bị ảnh hưởng nhất ở châu Á từ thuế quan trực tiếp của Mỹ do họ có thặng dư thương mại lớn trong làm ăn với Mỹ và lệ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu ở nước ngoài.

Về một bình diện hẹp hơn, bài phân tích của ING viết rằng ở châu Á, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng nhất khi Mỹ đánh thuế cao vào thép và nhôm.

Trong năm 2024, giá trị xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ là 1,13 tỷ đô la, cao hơn cả mức của Trung Quốc là 0,8 tỷ đô la. Giá trị xuất khẩu cả thép lẫn nhôm của Việt Nam sang Mỹ tính chung chiếm 0,3% GDP của Việt Nam trong cùng năm.

Trong một bài bình luận trên Asia Times hôm 12/2, cây viết Nigel Green nêu ý kiến rằng trước các nguy cơ về thuế quan từ phía Mỹ, Việt Nam không thể lệ thuộc quá nặng nề vào thị trường Mỹ. Việc đầu tiên cần làm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm khả năng bị tổn thương vì thuế quan của Mỹ.

Mở rộng các quan hệ đối tác thương mại với Liên hiệp châu Âu, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ mang lại những thị trường thay thế để bán hàng hóa Việt Nam, ông Green viết.

Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng Mỹ vẫn là một đối tác trọng yếu của Việt Nam và Hà Nội cần phải củng cố thế đứng của mình với Mỹ mà một trong những việc để đạt được điều đó là tăng nhập khẩu hàng Mỹ.

Song song với những điều nêu trên, ông Green nêu lên tầm quan trọng của hoạt động ngoại giao. Hà Nội cần phải tăng các cuộc làm việc, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo ngành và các hiệp hội ngành nghề ở Mỹ, ông viết.

“Thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Washington, không chỉ thông qua các kênh ngoại giao chính thức mà cả việc vận động hành lang trực tiếp theo từng ngành, sẽ là điều then chốt”, ông Green nêu ý trên Asia Times.

Cũng hôm 13/2, do chênh lệch múi giờ, trước khi có tin tổng thống Mỹ chỉ đạo việc đánh thuế đối ứng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ở Hà Nội rằng quốc gia này sẵn sàng làm việc với Mỹ để thảo luận về các mức thuế mới đánh vào thép và tránh nguy cơ chịu thêm các loại thuế khác.

Liệu Việt Nam có nằm trong 5 nước đầu tiên bị Mỹ đánh thuế đối ứng?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:39 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG